Tại Hội thảo, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Phó ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung NĐ 84 cho biết: dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều NĐ 84 có nhiều điểm sửa đổi cho phù hợp với tình hình thị trường. Việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh xăng dầu trong Nghị định sẽ tập trung vào những vấn đề mà dư luận quan tâm như việc điều hành giá xăng dầu, tính cạnh tranh và vấn đề độc quyền trong kinh doanh xăng dầu… Dự thảo lưu ý đến các Điều 25, 26, 27 của Nghị định 84. Đặc biệt, Điều 27 về giá dự thảo đưa ra 3 phương án.
Ông Nguyễn Thế Dũng - Tổng giám đốc Công ty Thương mại dầu khí Đồng Thápcho biết, trong nhiều năm nay, tại doanh nghiệp Quỹ bình ổn luôn luôn âm. “Cần xem xét lại, trong cơ chế thị trường có cần quỹ này hay không? Còn nếu vẫn cần quỹ thì nên quy định ở mức độ nào. Xu hướng hiện nay giá thế giới biến động khó lường, nếu khi giá quá cao thì quy định lấy quỹ ở đâu”. Về giá, Ông Dũng đề nghị: Thời gian điều chỉnh giá 10 ngày là phù hợp.
Phân tích về 3 phương án điều chỉnh giá trong dự thảo nghị định, ông Bảo đề nghị thực hiện theo phương án của Nghị định 84 (chưa sửa đổi). Tuy nhiên, ông Bảo có ý kiến, quản lý nhà nước chỉ can thiệp (điều hành giá) chỉ sau khi đã thực hiện hết các quy định ở phần trên của nghị định (doanh nghiệp được quyền định giá trong phạm vi nhất định), khi đó cơ quan quản lý có thể can thiệp bằng công cụ khác như Quỹ bình ổn giá, thuế…
Theo Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA), Nghị định 84 đã có những ưu điểm rõ rệt như đã bao phủ hết các nội dung kinh doanh xăng dầu; thương nhân đầu mối được quyết định giá bán buôn và điều chỉnh giá bán lẻ; mức thuế xuất nhập khẩu xăng đầu ổn định phù hợp; đảm bảo nguồn cung ứng năng lượng cho nhu cầu xã hội; tạo cho người sử dụng làm quen với việc thay đổi giá bán lẻ xăng dầu và bước đầu Nghị định cũng đã đa dạng hóa các thương nhân đầu mối.
Tuy nhiên, một số quy định trong Nghị định 84 "rất khó thực hiện nếu không nói là không thể thực hiện được". Việc quy định tổng đại lý phải sở hữu hoặc đồng sở hữu hay thuê sử kho chứa 5.000m³ dụng từ 5 năm trở lên chưa sát với tình hình thực tế. Để có một kho chứa xăng như vậy, tổng đại lý cần phải có một diện tích trên 1ha, kinh phí đầu tư không dưới 30 tỷ đồng và thời gian thực hiện dự án không chỉ 3 năm. Do đó, nhà đầu tư chỉ có còn cách hợp thức hóa điều kiện này bằng hợp đồng thuê với thương nhân đầu mối. Thương nhân đầu mối vì muốn phát triển thị phần của mình nên luôn sẵn sàng ký kết hợp đồng thuê mướn kho bãi cho Tổng đại lý. Điều đó cho thấy quy định này chỉ mang tính hình thức.
Mặt khác, theoVINPA, Nghị định 84 chưa làm rõ trách nhiệm của thương nhân đầu mối, Tổng đại lý và đại lý, và cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra và xử phạt hệ thống kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó, việc hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá còn nhiều bất cập. Theo ông Phan Thế Ruệ, Quy định tại Điều 26, việc trích lập Quỹ bình ổn thông qua giá bán lẻ là thiếu hợp lý. Quy định không làm rõ các nguyên tắc quản lý, quy mô và việc sử dụng quỹ. Còn quá lạm dụng Quỹ bình ổn để điều tiết giá bán lẻ, gây ra những cú sốc không cần thiết, gây bức xúc trong xã hội và chưa tạo được đồng thuận trong xã hội.
Từ những bất cập đưa ra, Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu, cho rằng: Nghị định 84 khi sửa đổi phải đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu vận hành theo đúng cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; tạo khung pháp lý thúc đẩy thị trường xăng dầu Việt Nam nhanh chóng tiếp cận với các nước trong khu vực; đảm bảo bảo lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng; tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách Nhà nước, đồng thời để các đơn vị kinh doanh xăng dầu không bị lỗ do cơ chế; giữ vững an ninh năng lượng; tạo điều kiện cho người sử dụng có thông tin minh bạch về giá bán lẻ xăng dầu.
3 phương án điều chỉnh giá theo dự thảo Nghị định 84 sửa đổi bao gồm:
Phương án 1: Khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi 6% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng. Trường hợp giá cơ sở giảm trên 6% so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về thuế nhập khẩu, Quỹ Bình ổn... thương nhân đầu mối tiếp tục giảm giá bán lẻ, không hạn chế khoảng thời gian và số lần giảm giá.
Ngược lại, trong trường hợp yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng 5%, thương nhân được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng.
Khi các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng trên 5% đến 10% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá 5%, cộng thêm 60% phần tăng thêm. 40% còn lại được sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp. Trường hợp giá cơ sở tăng trên 10%, hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá.
Phương án 2: Bộ Công Thương sẽ cố định mức giá cơ sở của tháng trước làm giá bán lẻ của tháng tiếp theo. Giá cơ sở được tính toán theo giá Platts Singapore (hoặc giá công bố tại sàn giao dịch khác) bình quân 30 ngày. Ngày làm việc đầu tiên của tháng tiếp theo, Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ công bố giá bán lẻ tối đa áp dụng trong tháng. Các thương nhân đầu mối có quyền tăng, giảm giá nhưng không vượt quá giá trần do Liên Bộ công bố.
Nếu giá cơ sở vượt quá giá giá bán lẻ hiện hành từ 5% trở lên, sau khi điều chỉnh tăng đến 5%, phần còn lại, Liên Bộ quyết định sử dụng các biện pháp bình ổn theo quy định của pháp luật. Nếu giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ hiện hành từ 5% trở lên, sau khi điều chỉnh giảm đến 5%, phần còn lại Liên bộ quyết định trích lập Quỹ Bình ổn giá hoặc tăng thuế nhập khẩu.
Phương án 3: Bộ Công Thương nêu rõ, mức trần giá bán lẻ cả năm sẽ được công bố tại ngày làm việc đầu tiên của năm. Doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá bán, thời điểm điều chỉnh giá. Định kỳ hằng quý, cơ quan quản lý nhà nước tính toán chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ quy định. Nếu giá cơ sở vượt mức trần giá bán lẻ thì doanh nghiệp được sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp chênh lệch, căn cứ vào hóa đơn bán hàng của mình.