Giảm lãi suất và câu chuyện của những “ông vua mất ngôi”
Gánh nặng nợ xấu mà hệ thống ngân hàng đang phải chịu là hệ quả của một quá trình tăng trưởng kinh tế nóng trong nhiều năm. Mặc dù đã được tập trung tháo gỡ nhưng kết quả vẫn chưa đủ để khơi thông dòng chảy vốn cho nền kinh tế. Theo báo cáo trước Quốc hội ngày 22/5 vừa rồi, giai đoạn 2012-2016, toàn hệ thống đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tính đến cuối năm 2016, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng(VAMC) đã cùng với các tổ chức tín dụng xử lý được 50.139 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 245.924 tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.
Tuy nhiên tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu đã bán cho VAMC, chưa xử lý chiếm 5,8%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, tỷ lệ này sẽ là 10,08%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Nếu như suốt thời gian qua, áp lực thúc đẩy tăng trưởng yêu cầu lãi suất cho vay đối với nền kinh tế phải giảm xuống hơn nữa, nhưng không thành công, thì có sức cản rất lớn của nợ xấu. Mặc dù lãi suất huy động cũng như tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện khá tốt, nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức cao là do chi phí vốn của các ngân hàng vẫn chịu áp lực của nợ xấu.
Theo quy định, ngay cả khi các ngân hàng đã bán nợ xấu cho VAMC thì vẫn phải đều đặn hàng năm trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu đã phát sinh. Điều này khiến chi phí vốn của ngân hàng tăng lên. Trước khi lo cho doanh nghiệp đi vay vốn thì ngân hàng phải lo cho chính mình, vì ở đây không chỉ là câu chuyện lợi nhuận mà còn là sức ép của tính an toàn hoạt động, các tiêu chí ngày càng cao của chuển hoạt động, cũng như một báo cáo đẹp đẽ trước cổ đông.
Nợ xấu hiện tại đa phần phát sinh từ cuộc khủng hoảng 2008 cũng như tình trạng lao dốc của thị trường bất động sản những năm sau đó. Đó là di sản. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, lúc nào cũng tiềm ẩn gánh nặng nợ xấu. Đó đơn giản chỉ là một khoản vay mà người đi vạy chậm trả do gặp khó khăn hoặc không thể trả được đúng hạn, thậm chí sau khi đã tính cả thời gian ân hạn. Trong quá trình hoạt động, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể gặp rủi ro và rủi ro đó một phần chuyển sang hệ thống ngân hàng thông qua quan hệ vay nợ. Một bằng chứng là thống kê đến hết quý I/2017 thì tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng vẫn đang tăng lên. Một báo cáo của Công ty chứng khoán Bảo Việt dựa trên báo cáo tài chính quý I/2017 của 10 ngân hàng thì đến hết quý I/2017, tổng nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) đạt 50.695 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với thời điểm cuối năm ngoái. Trong đó, nợ xấu tăng chủ yếu ở nhóm 3 và nhóm 4, lần lượt là 13% và 18%, lên mức 15.749 tỷ đồng và 7.941 tỷ đồng.
Gánh nặng nợ xấu khiến các ngân hàng phải giảm lợi nhuận - do phải dùng lợi nhuận hàng năm để trích lập dự phòng nợ xấu. Trước đây khi nền kinh tế tăng trưởng nóng, các ngân hàng đạt lợi nhuận ngất ngưởng, cổ phiếu ngân hàng được ví là “cổ phiếu vua”. Khi nền kinh tế suy giảm và trì trệ, doanh nghiệp kinh doanh khó khăn và các khoản nợ chậm trả, thậm chí nợ khó đòi có nguy cơ mất trắng ngày càng tăng. Thực trạng đó không khác gì cái ngai vàng mục ruỗng và cổ phiếu ngân hàng trở nên bị thất sủng.
Đó là hiện tượng thị trường chứng khoán định giá lại các cổ phiếu ngân hàng, phản ánh rủi ro mà các ngân hàng phải gánh chịu. Tuy nhiên ở đây không chỉ là câu chuyện tăng giảm giá cổ phiếu, thị trường chứng khoán là tấm gương phản ánh quan ngại của giới đầu tư nói chung đối với hệ thống ngân hàng và biến động giá cổ phiếu chỉ là biểu hiện ở bề nổi.
Đánh tan cục máu đông, cần thuốc đặc hiệu
Một dự thảo Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu đã được trình ra Quốc hội ngày 22/5 vừa rồi với nhiều nội dung động đến sự ức chế dồn nén trong suốt nhiều năm qua mà quá trình xử lý nợ xấu vướng phải trong thực tế. Nợ xấu xét cho cùng cũng không hẳn là xấu, vì vẫn còn đó “cục” tài sản lớn được sử dụng để thế chấp. Điểm nghẽn chính là nếu như không đòi được nợ, ngân hàng cũng rất khó xử lý tài sản thế chấp để thu hồi vốn.
Khi một doanh nghiệp cần vay vốn đem đến ngân hàng một tài sản nào đó để thế chấp vay, điều đó không có nghĩa là ngân hàng định giá tài sản thế chấp 10 đồng thì chấp cho vay cả 10 đồng. Khoản vay luôn thấp hơn giá trị tài sản thế chấp để đảm bảo vùng đệm an toàn cho ngân hàng. Tuy nhiên nếu không xử lý được tài sản đó thì ngân hàng vẫn mất trắng như thường.
Tại một hội thảo về xử lý nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng được tổ chức ngay cùng thời điểm với dự thảo Nghị quyết nói trên được trình ra Quốc hội, rất nhiều bằng chứng thực tế đã cho thấy, ngân hàng không phải là chủ nợ, mà đã trở thành con nợ của người đi vay hoặc trở thành con tin theo đúng nghĩa đen.
Lấy ví dụ ở Vietcombank, thời gian qua có 790 vụ chuyển qua tòa án; 98 vụ tòa đã thụ lý nhưng chưa xét xử.Thủ tục tố tụng kéo dài, thực tiễn theo thống kê thời gian bình quân 2 năm tòa mới giải quyết xong tranh chấp chứ chưa nói thi hành án. Có những vụ mất 7 năm nhưng vẫn chưa thi hành án.
Một thực tế là ngân hàng không dễ gì thu giữ được tài sản đảm bảo vì chắc chắn khách hàng sẽ chống đối quyết liệt. Các quy định về bán phát mãi tài sản cũng phải có sự hợp tác cả chủ sở hữu - là con nợ - nhưng chỉ cần không hợp tác thì các ngân hàng ngay lập tức bị biến thành con tin. Thậm chí kể cả khi tòa đã xử, đem tài sản ra đấu giá mà lại có kiện cáo tranh chấp quyền sở hữu với chủ cũ thì mọi việc cũng bị đình lại.
Những điểm nghẽn ngoài hệ thống ngân hàng như vậy đã khiến việc xử lý tài sản thế chấp để giải quyết nợ xấu rất chậm. Chính vì vậy giới ngân hàng đang đặt kỳ vọng lớn vào khả năng tháo gỡ bằng một Nghị quyết của Quốc hội, như một liều thuốc đặc hiệu cho vấn đề này.
Đặc biệt khi phần rất lớn nợ xấu là có đảm bảo bằng bất động sản, đây chính là cơ hội lớn để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Thị trường bất động sản đang ấm lại và khả năng thanh lý tài sản tăng lên.
Một Nghị quyết riêng liên quan đến hệ thống ngân hàng có tác dụng gì cho thị trường chứng khoán? Thực ra đây là một hiệu ứng liên thông mang tính cơ bản chứ không phải tác động mang tính sự kiện. Ví dụ đơn giản nhất là thị trường thể hiện sự kỳ vọng to lớn vào sự khai thông bế tắc này thông qua biến động giá của các cổ phiếu ngân hàng. Nếu như vì cục nợ xấu mà các “ông vua” bị mất ngai thì không có gì ngăn cản cổ phiếu ngân hàng một lần nữa trỗi dậy.
Giải quyết được nợ xấu tức là rã đông được nguồn lực đang đóng băng và hướng nó chảy vào nên kinh tế. Hệ thống ngân hàng bớt đi gánh nặng thì khả năng giảm lãi suất mở ra. Nền kinh tế tăng trưởng cao hơn và cộng đồng doanh nghiệp được lợi. Thị trường chứng khoán nằm ở trung tâm của tất cả những điều này và đó là hiệu ứng dài hạn.