Nghiên cứu đề xuất các giải pháp công nghệ và kỹ thuật nâng cao hệ số thu hồi dầu giai đoạn cuối đối tượng móng mỏ Bạch Hổ

Nghiên cứu nhằm góp phần gia tăng hệ số thu hồi dầu, đặc biệt trong giai đoạn sản lượng dầu của Việt Nam đang suy giảm nhanh.

Thông tin chung đề tài:

Lĩnh vực: Năng lượng

Tác giả: TSKH Phùng Đình Thực

Đơn vị: Tập đoàn dầu khí Việt Nam

Nội dung chính của giải pháp/nghiên cứu

+ Đánh giá thực trạng, những tồn tại, thách thức và nguyên nhân

+ Nghiên cứu xác định vị trí/khu vực phần trữ lượng dầu đang tồn tại

+ Nghiên cứu cơ sở khoa học, phương pháp luận khai thác đối tượng móng giai đoạn cuối

+ Đề xuất các giải pháp công nghệ và kỹ thuật nâng cao hệ số thu hồi dầu đối tượng móng mỏ Bạch Hổ

Mục tiêu giải pháp/nghiên cứu

Nghiên cứu nhằm góp phần gia tăng hệ số thu hồi dầu, đặc biệt trong giai đoạn sản lượng dầu của Việt Nam đang suy giảm nhanh.

Kết quả nghiên cứu/giải pháp

Áp dụng Công trình nghiên cứu tại mỏ Bạch Hổ từ đầu năm 2018 , đã làm chậm được quá trình ngập nước; huy động thêm được lượng dầu từ các đới vi nứt nẻ, gia tăng được hệ số thu hồi dầu. Sau gần 03 năm áp dụng, đã gia tăng được 375 nghìn tấn dầu thô; Tiết kiệm được lượng nước bơm ép vào vỉa là 1,607 triệu m3. Hiệu quả của Công trình là 2049,98 tỷ đồng.

Kết quả áp dụng Giải pháp được thể hiện ở hình 1.

khai thác thu hồi dầu
Động thái khai thác giữa chế độ điều chỉnh (thực tế) và giữ nguyên chế độ cũ

 

Giá trị ứng dụng

+ Từ kết quả nghiên cứu tác giả kết luận: Cấu trúc của thân dầu trong đá móng không những bao gồm các nứt nẻ lớn (macrofractures) và vi nứt nẻ (microfractures) như đã biết trước đó, mà bên cạnh những nứt nẻ có khả năng lưu thông hai chiều còn có những nứt nẻ chỉ lưu thông 1 chiều, dẫn đến một phần trữ lượng dầu bị kẹt lại chưa khai thác được.

+ Nghiên cứu quá trình khai thác tầng Móng mỏ dầu Bạch Hổ, tác giả nhận định: Trữ lượng dầu thu hồi còn lại đang tồn tại trong 05 khu vực/vị trí khác nhau với độ rỗng, độ thấm, chứa rất khác nhau, đòi hỏi phải có các giải pháp công nghệ cũng khác nhau để khai thác hiệu quả.

+ Hiện tại quá trình khai thác-bơm ép đang tạo môi trường móng ổn định-cân bằng. Nếu duy trì khai thác cũ, bơm ép cũ tức là duy trì cân bằng cũ thì dầu đang tồn ở đâu sẽ bất động ở đấy.

+ Đề xuất Phương pháp luận mới khai thác dầu đá móng giai đoạn cuối, đó là tạo ra mất cân bằng và mất cân bằng liên tục, để sinh ra chuyển động, huy động được dầu từ cá đới vi nứt nẻ/nứt nẻ 1 chiều, mà trước  đó phương pháp bơm ép nước chưa khai thác được.

Công trình đã áp dụng thành công tại mỏ Bạch Hổ, và có khả năng áp dụng rộng rãi tại các mỏ khác tại thềm lục địa Việt Nam, ở những nơi có điều kiện địa chất tương tự, như các mỏ Rồng, mỏ Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, mỏ Tê Giác Trắng.