Thông tin chung đề tài:
Tác giả: ThS.Phạm Đức Phong; ThS.Trần Thị Hiến; ThS.Đinh Sơn Dương
Đơn vị: Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim
Nội dung chính của giải pháp/nghiên cứu
- Cải tiến thiết bị công nghệ tại nhà máy, nghiên cứu tách bỏ cấp hạt mịn -0,01 mm trước khâu nghiền - phân cấp (chỉ loại bỏ cấp hạt mịn nguyên sinh) để hạn chế mất mát đất hiếm ở cấp hạt -0,01 mm thứ sinh sau khâu nghiền.
- Nghiên cứu xác lập chủng loại, tiêu hao hóa chất thuốc tuyển tối ưu đối với mẫu quặng đất hiếm xâm nhiễm mịn mỏ đất hiếm Yên Phú.
- Nghiên cứu thử nghiệm trên thiết bị tuyển nổi cột quy mô phòng thí nghiệm của hãng Eriez, Canada tại xưởng thực nghiệm Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim và hóa chất thuốc tuyển mới để tuyển quặng đất hiếm xâm nhiễm mịn mỏ đất hiếm Yên Phú.
Mục tiêu giải pháp/nghiên cứu
Nhằm đổi mới thiết bị công nghệ, bổ sung hoặc thay thế, khắc phục những tồn tại, hạn chế của công nghệ cũ bằng những công nghệ mới tiên tiến hơn, ưu việt hơn, tạo ra sản phẩm đạt được các chỉ tiêu công nghệ cao hơn, từ đó góp phần nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Kết quả nghiên cứu/giải pháp
Kết quả nghiên cứu thành phần khoáng vật mẫu nghiên cứu quặng đất hiếm xâm nhiễm mịn mỏ đất hiếm Yên Phú, trong mẫu, khoáng vật chứa đất hiếm là xenotim với hàm lượng nhỏ; khoáng vật chứa sắt gồm gơtit chiếm 18-20%, magnetit chiếm 24-26%. Các thành phần khác gồm chủ yếu là thạch anh 41-43%, kaolinit+ clorit 3-5%, felspat 2-4%, talc 1-3%...Kết quả phân tích hóa đa nguyên tố mẫu quặng nguyên khai, trong mẫu hàm lượng đất hiếm là 1,12% TR2O3, hàm lượng sắt là 33,62% Fe, hàm lượng silic là 40,24% SiO2…
Kết quả phân tích thành phần độ hạt mẫu nghiên cứu sau khi gia công xuống cấp hạt -2 mm cho thấy, hàm lượng đất hiếm có xu hướng tăng dần khi giảm dần độ hạt. Cấp hạt +0,074 mm chiếm thu hoạch 62,96%, phân bố đất hiếm tương ứng là 49,74%. Cấp hạt -0,01 mm có mức thu hoạch khá cao 10,96%, tương ứng mức phân bố đất hiếm là 18,17%.
Nghiên cứu đã đưa ra giải pháp công nghệ tuyển quặng đất hiếm xâm nhiễm mịn mỏ đất hiếm Yên Phú là bổ sung thêm khâu tách cấp hạt slam mịn (cấp hạt -0,01 mm) nguyên sinh trong sơ đồ công nghệ. Sự xuất hiện đáng kể các hạt slam mịn trong mẫu nghiên cứu làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tuyển nổi cũng như tiêu hao thuốc tuyển. Các hạt slam mịn có tính nổi kém và ít có khả năng tuyển chọn riêng.
Từ các kết quả thực nghiệm các chế độ, chủng loại và chi phí thuốc tuyển, nhóm nghiên cứu đã xây dựng sơ đồ công nghệ tuyển hợp lý đối với quặng đất hiếm xâm nhiễm mịn mỏ đất hiếm Yên Phú. Kết quả tuyển nổi sơ đồ vòng kín đã thu được sản phẩm quặng tinh đất hiếm đạt hàm lượng 20,79% TR2O3, thu hoạch 3,63%, thực thu đất hiếm trong sản phẩm quặng tinh đạt 65,12% TR2O3.
Từ sơ đồ công nghệ tuyển sản phẩm quặng tinh đất hiếm đề xuất, đã thử nghiệm tuyển và thu được 1,2 kg quặng tinh đất hiếm. Đề tài đã công bố 02 bài báo tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật Mỏ toàn quốc lần thứ 27 và Tạp chí Công nghiệp Mỏ số 5/2020. Đề tài nghiên cứu được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.