Người duy trì nhịp đập “trái tim” nhà máy

Ở Phân xưởng Sàng tuyển thuộc Công ty Tuyển than Hòn Gai –TKV có một người thợ giỏi trạc 50 tuổi, khuôn mặt hiền lành, tính tình thẳng thắn, lại cần cù, chịu khó, ham học hỏi. Anh tên là Trần Văn Sinh

Nhớ lời cha dạy
Anh sinh ra và lớn lên ở thị xã Hòn Gai (thành phố Hạ Long- tỉnh Quảng Ninh ngày nay). Cái thị xã vùng than khi đó nhỏ như một bông lan rừng, nhưng cả ngày đêm luôn sình sịch tiếng tàu hoả chở than, ồn ào sôi động tiếng búa, tiếng máy và râm ran tiếng nói cười của những người công nhân trò chuyện mỗi khi tan ca. Nhà anh Sinh lúc đó khó khăn lắm. Cả bố mẹ anh đều làm việc tại xí nghiệp Bến Hòn Gai. Nuôi bốn đứa con giữa thời bao cấp, ngoài giờ làm việc, ông bà còn phải tần tảo trồng rau, nuôi lợn, đầm gạch xỉ bán thêm thu nhập. Là anh cả, anh Sinh chẳng có điều kiện học hành nhiều. Vừa phải trông nom các em, vừa phải phụ giúp bố mẹ đi kiếm rau lợn, đi xin xỉ về đóng gạch, rồi thái chuối, băm rau, nấu cám... Anh nhớ mãi cái lần đó, nghe tụi bạn rủ rê sang khu Lán Bè chơi trốn tìm về muộn, nháo vội cối xỉ, đầm qua loa mẻ gạch, hôm sau bị bố quất cho một trận. Nhìn bố giận dữ bê từng viên gạch ném vỡ vụn ra đất, anh vừa sợ, vừa tiếc công, lại càng thấm thía lời bố dạy: “Làm lếu làm láo là không được! Làm việc gì thì cũng phải để hết tâm, hết sức mới thành công!”. Năm 1977, anh Sinh xin vào học nghề nguội tại Trường Công nhân kỹ thuật Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai. Năm sau, anh chính thức làm công nhân nguội tại phân xưởng Cơ điện của Xí nghiệp. Cũng thật lạ, các máy móc thiết bị luôn cuốn hút anh. Và anh công nhân trẻ Trần Văn Sinh vừa làm vừa chịu khó để ý quan sát, tìm hiểu, nhập tâm, học hỏi các bác thợ lâu năm trong công việc. Ngày làm ở xí nghiệp, tối về anh đi học thêm bổ túc văn hoá. Bởi vậy, chẳng bao lâu sau, anh đã học xong cấp III, tay nghề cũng ngày càng cứng hơn, được lãnh đạo phân xưởng giao sửa chữa, lắp đặt nhiều thiết bị phức tạp.

Sửa lỗi lưới sàng khe do Australia chế tạo
Đầu năm 1997, Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng với dây chuyền công nghệ hiện đại của Australia chính thức đi vào hoạt động. Anh Sinh được lãnh đạo Công ty tin tưởng giao cho nhiệm vụ phụ trách một bộ phận công nhân cơ khí vào tiếp quản chạy thử nhà máy. Nhận nhiệm vụ mới mà anh lo nhiều hơn vui. Bởi nhà máy được ví như “trái tim” của Công ty. Dây chuyền máy móc thiết bị lên tới gần 200 cái, lại quá mới mẻ, hiện đại và phức tạp. Chạy tự động hoàn toàn, chỉ cần một thiết bị nhỏ trục trặc là “trái tim” Công ty ngừng đập. Quyết tâm của lãnh đạo Công ty là phải nhanh chóng làm chủ dây chuyền công nghệ, đưa sản lượng than qua sàng đạt công suất thiết kế 2.000.000 tấn/năm. Thời gian đó, anh Sinh hầu như giành hết thời gian, tâm trí cho các thiết bị nhà máy. Từ sáng đến tối mịt, chỉ trừ lúc đi ăn ca, còn lại anh đều ở trong nhà máy, bên các thiết bị, tìm hiểu, tỉ mỉ ghi chép, cập nhật các thông số kỹ thuật… Với sự quyết tâm, cần mẫn, say mê yêu nghề, anh đã nhanh chóng tường tận các thiết bị nhà máy, hàng ngày chỉ đạo anh em và trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị máy móc, đảm bảo duy trì thời gian hoạt động của máy cao nhất, tốt nhất… Những năm gần đây, sản lượng than nguyên khai vào sàng đã tăng lên gấp rưỡi so với công suất thiết kế. Một yêu cầu bức thiết đối với những cán bộ, công nhân kỹ thuật như anh là phải làm thế nào để nâng cao được năng lực hoạt động của nhà máy tuyển, đảm bảo giờ máy hoạt động tăng từ 5,5 giờ/ca lên 6,5 giờ/ca, trong điều kiện một số thiết bị, hạng mục dây chuyền do sử dụng lâu năm đã dần bị rơ rão?
Để giải bài toán khó đó, anh Sinh đã cùng đồng nghiệp trăn trở tìm ra nhiều giải pháp, xây dựng các phương án thi công lắp mới, sửa chữa thiết bị sao cho hiệu quả nhất, rút ngắn thời gian nhưng vẫn đảm bảo an toàn sản xuất và chất lượng. Sẵn vốn kiến thức đã tích luỹ được, cộng với kinh nghiệm và lòng say mê nghề nghiệp, anh chủ động quán xuyến công việc, lên dự trù vật tư, lập kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị thật chính xác, đồng thời chú ý đôn đốc kiểm tra chất lượng sửa chữa. Anh luôn nhận các việc khó về mình, chẳng nề hà thời gian, công sức. Nhà cách nơi làm việc gần 8 cây số, nhưng nếu máy móc gặp sự cố, cho dù là đêm hôm mưa gió, nhận được điện báo là anh lao vào ngay để sửa chữa.
Còn nhớ cái hồi các lưới sàng khe của sàng 284 do Australia chế tạo không hiểu sao mới hoạt động chưa đầy một tháng đã bị gãy hỏng. Để khắc phục, Công ty đã phải tập trung toàn bộ các lưới sàng cũ, ghép lại để chạy máy, thậm chí phải ra tận Tuyển than Cửa Ông vay về dùng, nhưng cũng chỉ sử dụng ít ngày lưới lại bị gãy. Nhìn “đống tiền” nằm đó mà xót ruột! Bao đêm không ngủ được, hình ảnh các tấm lưới sàng cứ lật đi lật lại trước mắt anh, câu hỏi “tại sao?” cứ gõ mãi trong đầu. Cuối cùng, sau những trăn trở, nghĩ suy, anh đã lý tìm ra nguyên nhân, sau đó báo cáo đề xuất sáng kiến cải tạo lại giá đỡ lưới từ hình thức đỡ dọc chuyển sang đỡ ngang. Lãnh đạo Công ty qua xem xét đã nhất trí, fax sang bên Australia và được bạn đồng ý cải tạo lại như đề xuất của anh. Từ đó đến nay, các tấm lưới sàng khi sử dụng chỉ mòn chứ không gãy, thời gian sử dụng kéo dài được đến hai, ba năm mới phải thay thế.

Yêu nghề, gương mẫu, nâng cao kiến thức chuyên môn
Ngoài ra, anh còn nhiều sáng kiến khác làm lợi cho Công ty như: cải tiến máng xoắn 284 từ một hệ thành ba hệ, giúp cho máy hoạt động liên tục, không phải ngừng để sửa chữa như trước; tham gia đề xuất sửa chữa thiết bị nhà máy theo cụm chi tiết, giảm được số lần sửa chữa nhỏ trong năm, giúp tăng năng suất lao động, tăng tuổi thọ thiết bị, hạn chế được những sự cố nhỏ; cải tạo hệ thống thoát nước bể xoáy lốc dòng ngầm 520, 512 xuống ba hệ sàng 284, rất thuận tiện cho công tác sửa chữa và tăng tính mỹ quan,…Nhiều người quí phục anh, khen anh giỏi, chịu khó, nhưng anh chỉ nghĩ đơn giản: cái chính là yêu nghề, một khi đã yêu nghề thì sẽ tìm tòi, nghiên cứu, mọi khó khăn qua đó sẽ được tháo gỡ, nhiệm vụ chắc chắn sẽ hoàn thành.
Sự gương mẫu, tận tình của anh đã tác động mạnh tới anh em trong tổ, mọi người bảo nhau đừng phụ lòng tổ trưởng, cố gắng mà hoàn thành thật tốt nhiệm vụ. Vì vậy, mặc dù tốc độ hoạt động của nhà máy ngày một cao, nhưng các anh luôn đảm bảo được thiết bị hoạt động ổn định, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty. Đặc biệt năm 2009, sản lượng than nguyên khai vào sàng đạt 3,2 triệu tấn, tăng 60% so với công suất thiết kế. Đây là niềm vui lớn đối với cán bộ công nhân viên toàn Công ty, nhưng với riêng anh, những con số đó càng có ý nghĩa đặc biệt, khi mỗi nhịp máy rung, mỗi tấn than qua sàng đều đã có hơi thở, ánh nhìn, hơi ấm bàn tay anh ngày ngày bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị.
Cũng vì rất yêu nghề, tận tâm với nghề, nên đối với các đồng nghiệp hoặc các học sinh đến nhà máy thực tập, anh đều ân cần chỉ bảo, truyền lại kiến thức, kinh nghiệm, khuyên bảo các em tránh xa các hành vi làm bừa, làm ẩu, vi phạm quy trình, quy định an toàn. Dù đã là tuổi “U50”, công việc lại bận rộn, nhưng với mong muốn nâng cao kiến thức chuyên môn, anh đã quyết tâm theo học tại chức ngành Cơ điện - Trường Đại học Mỏ Địa chất. 5 năm ròng rã, bền bỉ đến lớp, vừa theo học, vừa đi làm, đầu năm 2010 anh đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc.
Không chỉ hết lòng với công việc, anh Sinh còn là một trong các vận động viên hăng hái, tích cực nhất của phong trào cầu lông, bóng đá, bóng chuyền… Các hoạt động do phân xưởng và Công ty tổ chức, anh đều góp mặt, và chính sự nhiệt tình, hăng say của anh đã lôi cuốn được nhiều người cùng tham gia, hưởng ứng, góp phần giúp cho đơn vị nhiều năm nay dẫn đầu Công ty cả về phong trào thi đua lao động sản xuất và văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao.
Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng đó, anh Sinh đã 7 năm liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp cơ sở, năm 2005 là “Chiến sĩ thi đua” cấp Tập đoàn TKV và được Bộ Công nghiệp tặng Bằng khen; năm 2006 anh được công nhận là “Chiến sĩ thi đua” Bộ Công nghiệp; năm 2008 anh vinh dự được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; và năm 2009 anh được đề nghị tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Cần cù, chịu khó, ham học hỏi, hết mình vì công việc, anh Sinh thật xứng đáng là tấm gương sáng ngành Công Thương!