Người trồng đào Nhật Tân, quất Tứ Liên trắng tay sau lũ

Nước sông Hồng rút, bỏ lại cả một cánh đồng bạt ngàn quất Tứ Liên, đào Nhật Tân héo lá, rụng quả, nông dân chỉ biết khóc vì thất thu, thiệt hại.

Từ lâu, quất Tứ Liênđào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) đã là những đặc sản nổi tiếng của Thủ đô. Vậy mà trong cơn bão số 3 vừa qua, những mảnh vườn trồng quất, đào đều tan hoang, xơ xác. Các hộ nông dân chỉ biết thở dài xót xa: “Thế là mất trắng thật rồi, bao công sức, tiền của đã cuốn theo dòng nước lũ…”.

Người trồng đào, quất "khóc ròng" sau lũ

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, với nhiều người ở miền Bắc, không có một cành đào đẹp, một chậu quất thơm trong nhà thì không phải là Tết. Những cây đào Nhật Tân, quất Tứ Liên không chỉ là nguồn sinh kế quan trọng của các hộ ươm trồng mà còn là sản phẩm OCOP 4 sao, góp phần quảng bá hình ảnh làng nghề đến du khách. Tuy nhiên, sau đợt lũ hậu bão số 3, nhiều vườn đào, quất bị thiệt hại nghiêm trọng.

Đào Nhật Tân, quất Tứ Liên sau lũ
Nhiều vườn quất Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) bị thiệt hại nghiêm trọng

Gió bão mạnh và mưa lớn do bão số 3 đã làm đổ cây, gãy cành, tiếp đó lũ trên sông Hồng dâng cao đã khiến phần lớn diện tích trồng đào và quất bị chìm trong nước. Nước lũ rút, cánh đồng bạt ngàn đào, quất đang rơi vào cảnh héo lá, chết dần chết mòn vì bị ngâm nhiều ngày trong nước và không còn khả năng phục hồi.

Theo UBND quận Tây Hồ, tính đến thời điểm hiện tại, 105ha trồng đào trên địa bàn quận đã bị ngập do mưa lũ, thiệt hại hơn 85 tỷ đồng. Phường Nhật Tân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 80ha bị ngập úng. Vườn quất Tứ Liên (quận Tây Hồ) cũng thiệt hại nghiêm trọng. Đợt lũ đã làm ngập úng hàng chục nghìn cây quất, khiến cho khu vực này trở nên hoang tàn. Mưa lũ đã gây ngập 35,5ha quất trên địa bàn quận, với thiệt hại ước tính hơn 37 tỷ đồng. Trong đó, phường Tứ Liên có diện tích quất bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 35ha cây trồng chìm trong nước.

Bà Trần Thị Chinh, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ chia sẻ. “Vất vả 4 năm chăm sóc mới được vườn đào thế, cây nào cũng đẹp, giờ chỉ biết nhìn đào chết mà không có cách cứu tôi suy sụp mất ngày nay, không muốn ra vườn”.

Đào chết vào thời điểm cận kề Tết, nhiều người không biết phải trồng cây gì thay thế, nhiều người đã tính đến việc để đất không, hoặc cho thuê lại đất. Với những cây đào còn xanh ở phần ngọn do nước chưa ngập đến người dân cũng không hy vọng bởi gốc đào đã úng nước, nắng lên đào sẽ sớm héo, khó cứu vãn. Việc dọn quất chết đòi hỏi mất nhiều thời gian vì rễ quất cắm chắc trong chum. 

Đào Nhật Tân, quất Tứ Liên sau lũ
Những cây đào còn xanh ở phần ngọn do nước chưa ngập đến người dân cũng không hy vọng bởi gốc đào đã úng nước

Ăn xong bữa cơm, cả vườn quất bị nhấn chìm

Thay vì không khí tất bật chuẩn bị cho vụ Tết, những ngày sau lũ, làng quất Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) chìm trong cảnh đìu hiu. Các nhà vườn, tay cào, tay xẻng dọn dẹp vườn sau lũ, bỏ đi chính những gốc quất mình tự tay chăm bẵm cả năm trời.

Theo các hộ trồng quất tại quận Tây Hồ, mấy chục năm nay chưa năm nào mà nước sông Hồng lại dâng cao đến vậy, mỗi tiếng nước dâng từ 15-20cm. Đêm 8/9 nước bắt đầu lên, trong ngày 9/9 nước lên nhanh nhất, một ngày lên hơn 2m nước.

Mặc dù đã có kế hoạch chuẩn bị và huy động nhân lực để di dời các cây quất chậu, nhưng do nước lũ dâng lên quá nhanh, mọi nỗ lực của người dân chỉ giúp họ bảo vệ được một phần nhỏ lượng cây trồng. "Hôm đấy nhà tôi 6 người làm, vừa chạy về nấu được bữa cơm, ăn xong quay lại nước đã đến ngang đùi. Cả vườn không cứu vớt được cây nào. Nhà tôi toàn quất trồng trong chum 50 lít đang cho quả đẹp, vậy mà…", chủ vườn Tình Lương xót xa chia sẻ.

Khắc phục thiệt hại, lo cho vụ Tết sang năm

Cả năm trông chờ vào cây đào, cây quất giờ mất hết chả còn gì. Công việc của những người trồng quất, đào ở Tứ Liên, Nhật Tân bây giờ là dọn bùn, dọn cây hỏng, chuẩn bị vườn cho vụ mới thế nhưng nỗi lo vẫn chồng chất.

Ông Khanh - một chủ vườn cho biết: “Trước hết, những vùng trũng, cần sử dụng máy bơm để hút nước ra ngoài nhằm chống úng cho các nhà xung quanh. Sau khi đất đã khô, chúng tôi sẽ kiểm tra tình trạng cây sau 15 ngày để quyết định xem có thể cứu được không. Nếu cây không thể phục hồi, chúng tôi sẽ đánh gốc, bỏ cây và chuẩn bị dâm cành mới vào tháng Giêng”.

Những người trồng đào lâu năm chia sẻ, để trồng lại một cây đào từ cành giống sẽ mất từ 3 - 4 năm, trong đó hai năm đầu tiên chủ yếu là thời gian để cây phát triển và ổn định. Được biết, trong thời gian chờ vào vụ mới, người dân vùng đào Nhật Tân có thể trồng hoa tươi ngắn ngày để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên đất, tạo thêm thu nhập.

Còn với những hộ dân trồng quất thì cái lo nhất là vụ quất sang năm không có cây giống. Bà con Tứ Liên thường lấy cây giống tại vựa quất ở huyện Văn Giang - Hưng Yên, thế nhưng đợt lũ lớn trên sông Hồng vừa qua cũng khiến vựa quất này bị ảnh hưởng. Chỉ một lượng quất nhỏ, người dân kịp chạy lên đê mới may mắn thoát lũ. Cả khu vực rộng lớn trồng quất ở Văn Giang chìm trong biển nước.

Chia sẻ về các biện pháp khắc phục vườn quất sau đợt lũ lụt, nhiều người dân cho biết, tình trạng thiệt hại nặng nề khiến việc cứu vãn vườn cây gần như không thể. Hiện tại, người nông dân chỉ có thể tiến hành cắt tỉa những cành cây đã chết để thu gom, dọn dẹp vườn tược. Đồng thời tận dụng lại các chum quất cũ, hy vọng có thể tái sử dụng cho vụ mùa sau. Ngoài ra, những cây quất kịp sơ tán cũng đang được đưa trở lại các khu vườn để tiếp tục chăm sóc và phục hồi. Có thể nói, đây là những nỗ lực cuối cùng của người nông dân nhằm cứu vãn phần tài sản còn sót lại sau lũ.

Hỗ trợ người trồng đào, quất vay vốn không lãi suất

Ông Nguyễn Đình Khuyến - chủ tịch UNBD quận Tây Hồ cho biết trong trận lũ vừa qua người trồng đào, quất tại Nhật Tân và Tứ Liên bị thiệt hại nặng nề nhất. 

Để hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả sau lũ, quận Tây Hồ đã giao Ngân hàng Chính sách khoản vốn ủy thác để người dân trồng đào, quất được vay không lãi suất, trong thời hạn 2-3 năm, số vay tương đương với phần thiệt hại của các hộ trồng đào, quất. Về lâu dài, các hộ trồng đào, quất mong muốn được hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc tôn tạo, nâng cao vùng trũng thấp ven sông để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do ngập úng mỗi mùa mưa lũ.

Phan Nho