Từ cuối năm 2017 đến nay, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho biết một số doanh nghiệp của nước ngoài và Việt Nam tìm cách liên doanh để sản xuất bột giấy tái chế (tức là đánh tơi giấy phế liệu, qua các quá trình làm sạch sơ bộ, sau đó xeo thành tấm, cuộn, hay ép thành khối bột giấy) và xuất khẩu. Theo cách này, bột giấy sạch được đưa đi xuất khẩu và còn lại một lượng lớn chất thải rắn ở lại Việt Nam phải xử lý. Đây là xu hướng tiêu cực gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường cũng như gây bất lợi cho sản xuất trong nước.
Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định Việt Nam vẫn chưa phát hiện có cơ sở nào sản xuất bột giấy tái chế để xuất khẩu và bột giấy tái chế cũng chưa được xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện một số doanh nghiệp cho biết đang có dự định thực hiện việc này, thậm chí một số doanh nghiệp đang đàm phán ký hợp đồng mua thiết bị đầu tư cho mục đích này.
Nguyên nhân của hiện tượng trên được các chuyên gia lý giải là do một số nước trong khu vực siết chặt việc kiểm soát môi trường, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành Giấy (khuyến khích các tập đoàn lớn đầu tư ra nước ngoài để xuất khẩu giấy trở lại; đồng thời, thắt chặt việc cấp phép nhập khẩu giấy phế liệu làm nguyên liệu sản xuất…) nên các doanh nghiệp thiếu nguyên liệu để sản xuất, cũng như thiếu hụt giấy thành phẩm, đặc biệt là giấy bao bì công nghiệp
Vì sự phát triển bền vững của Ngành, VPPA cho biết đã có văn bản khuyến cáo các Hội viên kịp thời nhận ra và góp phần ngăn chặn xu hướng đầu tư tiêu cực, gây hại cho sự phát triển của ngành giấy cũng như môi trường Việt Nam nêu trên; đồng thời VPPA cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình và kịp thời thông báo cho các Hội viên.Ở Nhật nguồn giấy thu hồi trong nước (giấy đã qua sử dụng) được thu gom hiệu quả và được coi như nguồn tài nguyên cho sản xuất.Theo TS. Đặng Văn Sơn – Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô, việc đầu tư sản xuất bột tái chế để xuất khẩu có tác động rất xấu và gây nguy hại rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất giấy và môi trường Việt Nam như: làm giảm cơ hội xuất khẩu giấy thành phẩm làm bao bì; làm cho các doanh nghiệp Việt Nam khó giữ được thị phần và mất cơ hội đầu tư quy mô lớn và hiện đại; tạo ra nhiều căng thẳng trong cạnh tranh về nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất bao bì trong nước dẫn đến các doanh nghiệp giấy Việt Nam sẽ chịu lép vế về năng lực cạnh tranh; tình trạng bột sạch đưa đi xuất khẩu còn rác để lại Việt Nam sẽ lan rộng và khó kiểm soát, tạo ra nguy cơ lớn về ô nhiễm và quá tải cho môi trường.
Hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một số lượng lớn bột giấy nguyên sinh và giấy tái chế để làm nguyên liệu sản xuất cho ngành Giấy.
Điều đáng nói ở đây là nhu cầu mặt hàng giấy bao bì cho thị trường trong nước gắn liền với xuất khẩu, vì bao bì là sản phẩm đi kèm nhiều ngành hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như may mặc, da giầy, thủy sản, điện tử...
Theo VPPA, hiện nay, nguồn cung giấy bao
bì cho tiêu dùng nội địa đa phần từ các doanh nghiệp sản xuất trong nước nhưng hiện cung không đủ cầu và phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu là giấy tái chế. Cụ thể, năm
2017, năng lực của sản xuất giấy bao bì trong nước là 3.840.000 tấn; trong khi
đó nhu cầu tiêu dùng giấy bao bì là 3.431.000.
Năm 2018, dự báo năng lực sản xuất giấy bao bì sẽ tăng khoảng 30%, tuy nhiên việc thu gom nguồn giấy tái chế trong nước hiện còn chưa đồng bộ nhỏ lẻ nên hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 50% nhu cầu sản xuất, vì vậy các doanh nghiệp sản xuất bao bì trong nước vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn giấy tái chế để đáp ứng nhu cầu sản xuất bao bì phục vụ thị trường nội địa.