Cổ phiếu VFS xác lập chuỗi tăng giá 5 ngày liên tiếp
Mở đầu phiên giao dịch ngày 25/8, cổ phiếu VFS của VinFast trên sàn Nasdaq (Mỹ) đã ngay lập tức bật tăng lên mức 53,75 USD/cổ phiếu, tăng 9,6% so với mức giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày hôm trước. Lực cầu tiếp tục vào mạnh đẩy thị giá cổ phiếu VFS gần như duy trì mạch tăng liên tục.
Đến 11h15, cổ phiếu VFS đã chạm mức 73,85 USD/cổ phiếu – mức cao nhất kể từ khi cổ phiếu của hãng xe điện VinFast được niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, khối lượng giao dịch lúc này cũng đã vượt hơn 7 triệu đơn vị.
Tại mức giá cao này, bắt đầu xuất hiện áp lực chốt lời; tuy nhiên, lực cầu duy trì ở mức tốt, đã giúp thị giá cổ phiếu VFS dao động trong khoảng 67 USD/cổ phiếu. Khi thị trường chuẩn bị đóng cửa, đã xuất hiện những nỗ lực đẩy giá cổ phiếu lên. Đóng cửa thị trường, thị giá cổ phiếu VFS đạt 68,77 USD/cổ phiếu, tăng 40,35% so với mức giá mở cửa, với khối lượng giao dịch đạt hơn 15 triệu đơn vị. Qua đó, xác lập mạch tăng giá kéo dài 5 ngày liên tiếp với thanh khoản tăng dần.
Như vậy, chỉ trong 1 tuần giao dịch, cổ phiếu VFS của VinFast đã tăng 323%. Nếu so với mức giá chào sàn khi cổ phiếu này niêm yết trên sàn Nasdaq vào ngày 14/8, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu VFS đã có mức lợi nhuận đạt 212%.
VinFast là thương vụ niêm yết thông qua SPAC thành công nhất đến nay
Theo đánh giá của hãng tin Bloomberg, cổ phiếu VFS của VinFast là cổ phiếu sau niêm yết thông qua SPAC hoạt động hiệu quả nhất trên thị trường kể từ đầu năm 2023 đến nay với việc giá cổ phiếu thường đạt trên 35 USD/cổ phiếu sau khi hợp nhất với hãng Black Spade Acquisition.
Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, nhiều công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ thông qua phương thức SPAC đã ghi nhận đà giảm giá cổ phiếu chỉ vài ngày sau khi sự quan tâm của công chúng lắng xuống với mức giảm trung bình đạt 45%, và 15 công ty trong số này đã mất hơn 80% giá trị vốn hoá thị trường.
Theo thống kê của Reuters, cổ phiếu VFS của VinFast đứng thứ hai trong danh sách “xu hướng” mà trang giao dịch Stocktwits gợi ý vào đầu tuần này. Điều này cho thấy cổ phiếu VFS của VinFast đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư thế giới.
Chia sẻ về sự tăng giá mạnh của cổ phiếu VFS sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, CEO VinFast Toàn cầu bà Lê Thị Thu Thủy cho biết nguyên nhân giá cổ phiếu VFS tăng mạnh trên sàn Nasdaq chủ yếu là thanh khoản thấp, khối lượng cổ phiếu giao dịch rất khiêm tốn, trong khi nhu cầu lại cao.
Theo dữ liệu của Reuters, Tập đoàn VinGroup và hai doanh nghiệp khác do ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup sở hữu (VIG và Asian Star) đang nắm tổng cộng hơn 99% cổ phần của hãng xe điện VinFast. Phần còn lại đa phần do quỹ đầu tư Black Spade Capital - đối tác của VinFast trong thương vụ niêm yết tại Mỹ nắm giữ.
Mặc dù có hơn 2,3 tỉ cổ phiếu VFS được lưu hành, nhưng hiện chỉ có khoảng 4,5 triệu cổ phiếu VFS được tự do giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ (free float). Trong khi đó, khối lượng giao dịch một phiên của cổ phiếu VFS hiện đã cao hơn từ 2 - 3 lần lượng cổ phiếu free loat. Qua đó cho thấy giới đầu tư đang “quay vòng” giao dịch cổ phiếu VFS ở mức rất cao. Điều này có thể kéo theo sự quan tâm của các nhà đầu cơ và càng thúc đẩy cổ phiếu VFS tăng cao hơn.
Với việc vốn hóa VinFast đạt gần 160 tỷ USD, theo bảng xếp hạng tỷ phú thế giới theo thời gian thực của hãng Forbes, ông Phạm Nhật Vượng là người có tài sản tăng nhanh nhất trong ngày 25/8 với mức tăng thêm 14,7 tỷ USD. Hiện tổng tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đạt 55,8 tỷ USD, trở thành người giàu thứ 23 thế giới.