Nhà mạng lấn sân Fintech

Với số lượng người sử dụng khổng lồ, các nhà mạng đang mở nhiều cuộc tấn công áp đảo trong lĩnh vực fintech.
viettel
ViettelPay hỗ trợ thanh toán dịch vụ du lịch, thanh toán trực tuyến.

 

Các nhà mạng đang đứng trước cơ hội chưa từng có khi được thử nghiệm cung cấp dịch vụ tài chính trong thời gian tới.

Khung thử nghiệm mới

Không cần thông qua ngân hàng, người dân có thể sử dụng tài khoản điện thoại di động để chuyển tiền cho nhau và thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ. Dịch vụ này sẽ được các nhà mạng thử nghiệm trong thời gian tới, với tên gọi là dịch vụ Tiền di động trên các thuê bao (Mobile Money).

Trên thực tế, việc chuyển tiền hay thanh toán hiện nay có thể sử dụng qua trung gian ví điện tử, nhưng về bản chất, dịch vụ Mobile Money và các ví điện tử là khác nhau. Ví điện tử cần người dùng liên kết với tài khoản ngân hàng, các giao dịch đi qua tài khoản, trong khi Mobile Money thì chỉ cần liên kết với số điện thoại di động.

Theo ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông, dịch vụ này chỉ cung cấp cho những người chưa có tài khoản ngân hàng, giao dịch qua thiết bị di động, có điểm giao dịch vật lý và hầu hết các sản phẩm truyền thống đều góp mặt, như chuyển khoản, thanh toán, lưu trữ tiền.

fintech

Khái niệm tiền di động mới được nêu ra tại Việt Nam trong thời gian gần đây, nhưng không phải là câu chuyện mới trên thế giới. Mô hình này phổ biến ở những quốc gia có hạ tầng tài chính chưa phát triển, dân số đông, thu nhập thấp và có nhu cầu chuyển kiều hối về quê. Trong đó, bài học hay được nhắc đến là nhà mạng M-Pesa của Kenya.

Số liệu của Bộ Thông tin Truyền thông cho biết, hiện trên thế giới có 90 nước triển khai dịch vụ Mobile Money với 866 triệu tài khoản, 272 doanh nghiệp. Có 1,3 tỉ USD chảy qua tài khoản Mobile Money mỗi ngày. Năm ngoái, ở khu vực châu Á có thêm 60 triệu người đăng ký mới, đồng thời giá trị giao dịch tăng gấp đôi so với năm 2017. Tại Việt Nam, số liệu cho thấy vào năm 2018, số tài khoản Mobile Money tăng 20%, trong khi giá trị giao dịch bình quân trên mỗi tài khoản là hơn 200 USD/tháng.

Nhà quản lý đang kỳ vọng dịch vụ này sẽ tạo điều kiện cho nhiều người dân tiếp cận được với giao dịch tài chính, nhờ độ phủ đến tận vùng sâu vùng xa, nơi ngân hàng không thể đặt chân đến vì chi phí quá lớn, hoặc người dân địa phương không đủ điều kiện mở tài khoản ngân hàng. Hiện mới chỉ có 40% dân số có tài khoản ngân hàng, nhưng có đến 130 triệu thuê bao di động.

Mặc dù nghe có vẻ hấp dẫn nhưng trên thực tế, việc phát triển Mobile Money có nhiều hạn chế. Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, không chỉ pháp lý hoạt động vẫn chưa có, còn có nhiều vấn đề khác như xác thực giao dịch, rủi ro về an ninh, an toàn cần phải làm rõ. Đơn giản như việc có quá nhiều số di động “rác”.

Hiện nay, phương án sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ đang được cơ quan quản lý lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, đồng thời có cơ chế thử nghiệm cho một vài nhà mạng. Theo ông Trung, quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là quản lý dựa trên đánh giá rủi ro từ việc thí điểm, xử lý các vấn đề xảy ra cụ thể, chứ không cứng nhắc, áp dụng rập khuôn hay chờ đợi một bộ luật hẳn hoi rồi mới thực hiện.

Nhà mạng vào cuộc

Đối với các nhà mạng, Mobile Money là cơ hội để tiến vào lĩnh vực trung gian thanh toán và nhiều mỏ vàng khác liên quan. Trước đây, các nhà mạng cũng có dịch vụ giao dịch tài chính qua tin nhắn, nhưng theo các chuyên gia, thực chất đây vẫn là liên kết với tài khoản ngân hàng. Từ đầu năm đến nay, 3 nhà mạng lớn ở Việt Nam là Vinaphone, Viettel và MobiFone đã đề xuất triển khai dịch vụ mới.

 Các nhà mạng có lợi thế về kênh phân phối, sở hữu các điểm nạp tiền, rút tiền tại đại lý độc lập. Thêm nữa, ứng dụng trên di động cũng dễ dàng nạp vào SIM. “Đây cũng là cơ hội để các nhà mạng lấy thêm khách hàng, có thêm dữ liệu và cũng là động cơ để nhà mạng đầu tư giữ chân các khách hàng hiện hữu”, ông Trung nhận định. Thực tế, bên cạnh việc xin triển khai thí điểm Mobile Money, các nhà mạng đang dồn sức vào việc phát triển ví điện tử. Chẳng hạn, Viettel có ViettelPay, trong khi VNPT thì sở hữu VNPT Pay.

fintech 2

Trong số này, Viettel được đánh giá là rất năng động trong việc tìm con đường phát triển các dịch vụ tài chính cho nhà mạng. Ứng dụng quen thuộc và lâu đời của nhà mạng này là BankPlus với sự kết hợp của nhiều ngân hàng. Tuy nhiên, gần đây ví điện tử ViettelPay được đẩy mạnh hơn, được định danh là “ngân hàng số cho người Việt”. Ngoài những dịch vụ thông thường được tích hợp ở đa số các ví điện tử, ViettelPay tập trung vào việc quảng bá chuyện chuyển tiền về quê với mạng lưới 200.000 điểm giao dịch trên toàn quốc. Chuyển tiền “kiều hối nội địa” từng được ví điện tử MoMo quảng bá trước đây. Còn bây giờ, ví điện tử nhiều người dùng nhất tại Việt Nam này lại định hướng trở thành trung gian thanh toán trong mọi hoạt động đời sống.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc VNPT Media, VNPT Pay được định nghĩa là một dịch vụ trong hệ sinh thái của VNPT. Khách hàng sử dụng ví điện tử này sẽ được hưởng nhiều chương trình ưu đãi của nhà mạng, đồng thời có thể thanh toán tự động các loại hóa đơn. VNPT hiện đang nỗ lực tích hợp hệ sinh thái thanh toán số VNPT Pay vào hệ sinh thái giáo dục, y tế, hành chính công. Ông Hải đặt ra kỳ vọng VNPT Pay sẽ sớm đạt con số 2 triệu người dùng trong thời gian ngắn tới.

Có thể thấy một điểm chung của các loại ví là tất cả đều phải nỗ lực gắn với hệ sinh thái của mình. Thực tế hiện nay hầu hết các công ty, dù là công nghệ hay ngân hàng, bán lẻ hay thương mại điện tử, đều có xu hướng tích hợp mảng thanh toán để làm đầy hơn hệ sinh thái của mình. Hàng loạt ví dụ như Apple, hay mới đây là Facebook kết hợp với những ông lớn trong nhiều lĩnh vực đặt ra tham vọng tạo ra đồng tiền mã hóa chung, thanh toán các dịch vụ xuyên biên giới.

Tại Việt Nam, xu hướng này cũng diễn ra tương tự. Ví điện tử bùng nổ khắp nơi, trong mỗi tập đoàn và nhiều ngành nghề khác nhau. Tuy nhiên, trong số này các nhà mạng có lợi thế đặc biệt, đó là sở hữu lượng dữ liệu người dùng điện thoại. Dù vậy, thách thức dành cho các nhà mạng còn rất lớn, đặc biệt là tính chính xác về kho dữ liệu, tránh mạo danh và khả năng định danh khách hàng như ngân hàng là bài toán cần phải giải quyết. Có lẽ, câu chuyện ồn ào quanh việc chụp hình  chứng minh nhân dân để xác thực cho các số điện thoại trong thời gian qua là một lộ trình quan trọng để chuẩn bị cho các nhà mạng “lên đời” với chức năng là một trung gian tài chính