Trong đó, vốn đầu tư đăng ký cấp mới tiếp tục tăng (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020) với 1.006 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 37,9%).
Vốn đăng ký cấp mới bình quân 1 dự án trong 7 tháng năm 2021 đạt 10,1 triệu USD/dự án (cùng kỳ năm 2020 đạt 5,8 triệu USD/dự án). Điều này thể hiện kết quả của chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam.
Vốn đăng ký điều chỉnh đạt 4,54 tỷ USD, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2020 sau 6 tháng tăng liên tục với 561 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn, giảm 9,4%.
Vốn đăng ký góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục giảm theo xu hướng chung của năm 2021 cả về số lượt góp vốn và giá trị vốn góp.
Trong 7 tháng, có 2.403 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 2,05 tỷ USD, giảm 55,8%.
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 911 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,05 tỷ USD và 1.492 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1 tỷ USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tháng 7/2021 giảm 14,3% so với tháng cùng kỳ năm trước và giảm 39,7% so với tháng trước do một số nhà máy phải ngưng hoặc giảm công suất trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2021 vốn thực hiện ước đạt 10,5 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng cục Thống kê đưa ra 4 nguyên nhân khách quan làm giảm số lượng dự án FDI cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần ở Việt Nam: (i) FDI toàn cầu giảm; (ii) Dịch bệnh Covid-19 tại các quốc gia đối tác vẫn diễn biến phức tạp; (iii) Các quốc gia trên thế giới vẫn duy trì biện pháp hạn chế dịch chuyển; (iv) Nhà đầu tư trong làn sóng đầu tư mới yêu cầu phải đáp ứng ngay các điều kiện về đất đai, nhân lực, nguồn cung nguyên vật liệu, thủ tục nhanh gọn, ưu đãi cạnh tranh, tuy nhiên trong một số trường hợp ta không đáp ứng đủ các điều kiện mà nhà đầu tư đặt ra.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan được đưa ra, một số nguyên nhân chủ quan cũng làm ảnh hưởng đến việc dịch chuyển làn sóng FDI vào Việt Nam trong 7 tháng năm 2021 như: (i) Chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam; (ii) Các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và các nước đối tác đang bị tạm dừng, hoặc thủ tục cũng rất phức tạp khi nhập cảnh phần nào hạn chế các nhà đầu tư mới vào Việt Nam để khảo sát, đưa ra quyết định đầu tư; (iii) Thủ tục đầu tư kinh doanh vẫn còn là một rào cản; (iv) Hoạt động xúc tiến đầu tư thiếu sự chủ động và trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài nếu tiếp tục với cách làm truyền thống sẽ kém hiệu quả.
Một số dự án FDI lớn trong 7 tháng đầu năm
Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An (cấp GCNĐKĐT ngày 19/3/2021).
Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ (cấp GCNĐKĐT ngày 22/01/2021).
Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD (GCNĐT điều chỉnh cấp ngày 04/02/2021).
Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD (GCNĐT điều chỉnh cấp ngày 13/5/2021).
Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Hồng Kông), tổng vốn đầu tư đăng ký 498 triệu USD với mục tiêu sản xuất tấm quang năng và sản xuất thiết bị điện khác tại Quảng Ninh (GCNĐKĐT ngày 29/3/2021).