Đấu nối liên thông hệ thống dầu FO giữa hai tổ máy 300 MWvà 330 MW
Theo thiết kế, hệ thống dầu FO của 2 tổ máy độc lập với nhau. Hệ thống bơm dầu của tổ máy 300 MW là kiểu li tâm; còn của tổ máy 330 MW là bánh vít trục vít. Có lần, cả 2 bơm dầu của tổ máy 330 MW đều bị hỏng, phải chờ nhà thầu nước ngoài sang bảo hành, thời gian chờ ít nhất 20 ngày.
Khắc phục tình trạng này, cán bộ của Nhà máy đã thực hiện đấu nối hệ thống dầu FO giữa hai tổ máy. Điểm đấu nối phía tổ máy 300 MW là sau van điều chỉnh đầu hồi; phía tổ máy 330 MW nằm sau bình gia nhiệt dầu. Công tác đấu nối bắt đầu giữa van EGC31AA501 và EGC31AA00 1. Việc điều chỉnh áp suất theo yêu cầu bên tổ máy 330 MW được thực hiện bằng việc điều chỉnh van EGC31AA001 và được theo dõi trên màn DCS bên tổ máy 300 MW.
Đây là giải pháp có tính sáng tạo, liên thông được hệ thống cấp dầu lên lò của 2 tổ máy hoàn toàn khác nhau. Giải pháp đấu nối đã trở thành phương án dự phòng quan trọng đối với tổ máy 330 MW trong quá trình vận hành lâu dài sau này.
Lắp đặt đường cấp nước làm mát cho trạm Hydro tổ máy 300 MW
Trạm điều chế hydro được thiết kế cung cấp khí chung cho cả 2 tổ máy 300 MW và 330 MW, nên mặc dù tổ máy 300 MW ngừng để thực hiện sửa chữa lớn, nhưng trạm hydro vẫn liên tục phải hoạt động và cần phải có nước làm mát phục vụ cho quá trình điều chế khí hydro.
Điều này làm cho việc ngừng để sửa chữa hệ thống nước làm mát mạch kín không thể thực hiện được. Mặt khác, trong khi vận hành hệ thống nước làm mát mạch kín cung cấp cho trạm hydro, phải vận hành một bơm nước được dẫn động bằng động cơ điện 6,6 kV có công suất 500 kW/h, gây lãng phí điện tự dùng của tổ máy.
Cán bộ Nhà máy đã đưa ra giải pháp cải tạo đường ống và bơm của hệ thống để vẫn đáp ứng được nhu cầu về nước cấp cho trạm điều chế hydro vận hành; đồng thời ngừng được hệ thống nước làm mát tuần hoàn kín của tổ máy 300 MW để thực hiện sửa chữa lớn.
Giải pháp trên được thực hiện bằng cách đấu nối các van ống hợp lý để lấy nguồn cung cấp nước từ bể chứa nước khử khoáng đưa về trạm điều chế hydro và tuần hoàn quay về bể chứa bằng bơm bơm nước bổ sung có công suất điện N= 40 kW/h.
Lập trình phần mềm Hệ thống nhật ký vận hành điện tử
Ca vận hành trước đây ghi chép các thông tin trong ca bằng các sổ nhật trình giấy. Phương pháp này có 1 số nhược điểm: thông tin dễ bị tẩy xóa do ghi chép nhầm; khi cần truy xuất thông tin mất nhiều thời gian tìm kiếm; khi lấy số liệu phục vụ thống kê báo cáo sẽ ảnh hưởng đến công tác điều hành của các trưởng ca; khi lãnh đạo cần thông tin phục vụ công tác quản lý mất rất nhiều thời gian tính toán, tổng hợp, cập nhật, mà đôi khi vẫn bị nhầm lẫn, số liệu bị vênh…
Ứng dụng công nghệ thông tin, cán bộ Nhà máy đã xây dựng phần mềm Nhật ký vận hành điện tử. Nhật ký điện tử có các ưu điểm: Ghi chép thông tin vận hành của tổ máy chính xác, khoa học; tra cứu các chỉ tiêu vận hành, thông số thiết bị một cách nhanh nhất, khoa học nhất; dữ liệu được lưu trữ không giới hạn; phần mềm sử dụng trên web nên dễ dàng truy cập thông tin vận hành của các tổ máy; lãnh đạo có thể điều hành đơn vị khi đi công tác, kể cả công tác nước ngoài…
Xử lý than tồn kho 4bVD của tổ máy 110 MW
Đầu năm 2015, tổ máy 110 MW ngừng hoạt động, kéo theo 16,7 triệu tấn than cám 4bVD không được sử dụng, trị giá khoảng 29,5 tỷ đồng.
Để giải quyết lượng than tồn, cán bộ Nhà máy đề xuất giải pháp trộn 50% than cám 4bVD với 50% than cám 5b.4 .
Sáng kiến trên được áp dụng tại tổ máy 300 MW vào tháng 8/2016 đã giải quyết được toàn bộ than cám 4bVD của tổ máy 110 MW.