Hội chợ Anuga, Đức là Hội chợ có quy mô, uy tín và tầm ảnh hưởng lớn nhất trong ngành thực phẩm tại thị trường Châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Với tổng diện tích gần 300.000m2, năm nay Hội chợ thu hút hơn 7.400 doanh nghiệp với 10.000 gian hàng đến từ 107 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đoàn Việt Nam tham dự Hội chợ Anuga 2017 với trên 20 doanh nghiệp do Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE) phối hợp với Cơ quan Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI Hà Lan) tổ chức là một trong những hoạt động nhằm xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành thực phẩm Việt Nam tại thị trường Châu Âu.
Thông qua việc quảng bá hình ảnh khu gian hàng Việt Nam tại Hội chợ lần này, lần đầu tiên hệ thống nhận diện thương hiệu cho thực phẩm Việt Nam hoàn toàn mới và chuyên nghiệp tại Châu Âu được ra mắt. Việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành thực phẩm nhằm thúc đẩy Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa với vị trí một cường quốc của thế giới về thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm, hỗ trợ một thế hệ mới các doanh nghiệp chất lượng, sản xuất kinh doanh dựa trên các tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm và đạo đức xã hội; giúp Việt Nam trở thành một trung tâm kinh doanh tầm cỡ khu vực của ngành thực phẩm thế giới, tạo môi trường thuận lợi ươm mầm cho các dự án sản xuất, kinh doanh thực phẩm của doanh nghiệp.
Đông đảo khách tham quan và giao dịch tại Khu gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Anuga 2017
Cùng với hệ thống nhận diện thương hiệu mới, việc lựa chọn các doanh nghiệp tham dự đáp ứng các tiêu chí của chương trình cũng được thực hiện hết sức kỹ càng. Cùng với sự hỗ trợ hiệu quả của các chuyên gia nước ngoài, VIETRADE đã tổ chức các khóa tập huấn kỹ thuật trước khi tham gia Hội chợ và làm việc trực tiếp, tư vấn cho từng doanh nghiệp về các hoạt động marketing đối với thị trường Châu Âu nói chung và việc tham dự Hội chợ Anuga nói riêng. Trong các buổi tập huấn, nhiều vấn đề tồn tại trong các kỳ hội chợ trước của doanh nghiệp Việt Nam đã được phân tích và tìm ra những giải pháp khắc phục như các lỗi từ thiết kế gian hàng, trưng bày sản phẩm… Bên cạnh đó, chuyên gia CBI nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng mục tiêu truyền thông chung cho hoạt động quảng bá, từ đó xây dựng và trình bày được câu chuyện đặc sắc riêng gắn với việc quảng bá thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp.
Đúng như thông điệp chủ đề nổi tiếng của Anuga “Taste the Future” - điểm đến của những xu hướng thực phẩm mới, các doanh nghiệp Việt Nam đã chịu khó nghiên cứu và đưa ra giới thiệu những dòng sản phẩm mới với hương vị mới cho thị trường như Lafooco với các dòng sản phẩm về điều, Công ty CP Chế biến Dừa Lương Qưới với các sản phẩm từ dừa hay Công ty Cổ phần Nafoods với thanh long sấy khô. Bên cạnh đó, sản phẩm hữu cơ cũng là một điểm nhấn của khu gian hàng Việt Nam lần này khi Công ty Hồ tiêu Việt và Công ty CP Chế biến Dừa Lương Qưới lần đầu tiên giới thiệu các dòng sản phẩm được chế biến và sản xuất hoàn toàn hữu cơ và đã đạt các chứng nhận quốc tế.
Một điểm đáng chú ý nữa là các công ty tham dự tại Khu gian hàng Việt Nam lần này đã có tiến bộ vượt bậc về mặt thiết kế sản phẩm, trong đó có thể kể đến như Vinamit (hoa quả sấy khô) với thiết kế tinh giản nhưng chuyên nghiệp và bắt mắt hơn phù hợp với thị hiếu của khách hàng Châu Âu…
Cùng với những sự đổi mới trên, ngay trong ngày đầu tiên của Hội chợ, khu gian hàng Việt Nam đã đón nhận hàng ngàn lượt khách là các nhà mua hàng đến từ khắp nơi trên thế giới tới tham quan và giao dịch. Theo thống kê từ báo cáo của các doanh nghiệp tham gia, trong ngày đầu tiên trung bình mỗi doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm được gần 20 đối tác mới, tiềm năng tiến tới các hợp đồng hợp tác kinh doanh lâu dài trong tương lai.
Tất cả những điều này đã đang và sẽ góp phần tạo ra hình ảnh thực phẩm Việt Nam với giá trị gia tăng ngày càng cao khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường khó tính như Châu Âu. Điều đó cũng song hành với chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành thực phẩm Việt Nam do Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương làm đầu mối tổ chức.