Theo ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê, kinh tế - xã hội nước ta năm 2017 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu khởi sắc với sự phục hồi tăng trưởng của các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu EU. Đây là yếu tố tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá nông sản và thực phẩm giảm mạnh; thiên tai, bão lũ, dịch bệnh;… Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tốt về nguồn vốn và tăng trưởng tín dụng, cũng như các vấn đề xã hội như cơ hội việc làm cho lao động, điều chỉnh lương,… đều có những bước tiến rõ rệt.
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê thông báo một số vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017Năm 2017, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 6,81% so với năm 2016, vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của 6 năm gần nhất, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện.
Trong mức tăng 6,81% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,90% (cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016), đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,00%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm và khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, ngành thuỷ sản có nhiều khởi sắc so với năm trước, có mức tăng cao nhất với 5,54%, đóng góp 0,17% vào mức tăng chung.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, trong khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành điểm sáng với mức tăng 14,40%, cao nhất trong 7 năm gần đây và đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung (2,33 điểm phần trăm) thì ngành khai khoáng lại giảm 7,10%, mức giảm sâu nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, làm giảm tới 0,54 điểm phần trăm của mức tăng chung. Theo ông Lâm, năm 2018 cũng sẽ là một năm không dễ dàng cho ngành khai khoáng Việt Nam.
Trong khu vực dịch vụ, một số ngành có tỷ trọng lớn đều có mức tăng trưởng cao, đóng góp nhiều cho mức tăng chung, nổi bật là ngành bán buôn và bán lẻ đạt mức tăng 8,36% so với năm trước, đóng góp 0,79 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Quy mô nền kinh tế nước ta năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2,385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016. Trong cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ trọng lớn nhất là 15,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,34%; khu vực dịch vụ chiếm 41,32% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,00%.
Ông Lâm nhận định, trong nền kinh tế năm nay có 2 động lực lớn nhất thúc đẩy sự tăng trưởng, đó là xuất nhập khẩu và tiêu dùng.
Năm 2017 là năm đáng nhớ với ngành xuất nhập khẩu Việt Nam khi ghi nhận một kỷ lục mới về tổng mức lưu chuyển hàng hoá xuất, nhập khẩu vượt mức 400 tỷ USD. Cùng với đó, ngành xuất, nhập khẩu dịch vụ cũng đạt được thành công khi tăng so với năm 2016. Đây là một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 2017. Nhận định về vấn đề này, ông Lâm khẳng định vai trò của các cơ quan Chính phủ, nhà nước trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh và huy động nhân lực tốt là rất quan trọng. Đặc biệt, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có nhiều nỗ lực và năng động trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu, nhất là xuất khẩu trái cây ra quốc tế đã có những bước tiến mạnh mẽ như thanh long được bán ở thị trường Úc, xoài được xuất khẩu sang Mỹ, và tới đây là vú sữa cũng như nhiều loại rau quả khác.
Ở góc độ sử dụng GDP năm 2017, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,35% so với năm 2016, đóng góp 5,52 điểm phần trăm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với năm 2016, nằm trong mục tiêu dưới 4% Quốc hội đã đề ra. Báo cáo của Tổng Cục Thống kê cho thấy, CPI bình quân 2017 tăng chủ yếu do giá dịch vụ y tế và khám chữa bệnh ở các địa phương có sự điều chỉnh; thực hiện lộ trình tăng học phí tăng chỉ số giá nhóm giáo dục lên cao hơn; mức lương tối thiểu tăng từ ngày 1/1/2017 dẫn đến giá một số loại dịch vụ liên quan tới sinh hoạt và gia đình cũng tăng theo. Tuy nhiên, năm 2017 đã có nhiều yếu tố góp phần kiềm chế CPI, nổi bật là vai trò của Chính phủ và Bộ Công Thương phối hợp cùng Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo kịp thời để bình ổn giá tiêu dùng. Ngân hàng Nhà nước cũng điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát, giúp tỷ giá trong nước không biến động lớn.
Theo Tổng Cục Thống kê nhận định, mức tăng trưởng 6,81% của GDP 2017 là một con số khả quan của nền kinh tế Việt Nam. Năm 2018, mục tiêu tăng trưởng GDP 2018 từ 6,5 - 6,7% Quốc hội đã đặt ra sẽ tiếp tục cần có sự chỉ đạo và theo dõi sát sao của các Bộ, ngành cùng với sự nỗ lực từ các doanh nghiệp, người tiêu dùng, người lao động để đạt được kết quả tích cực hơn nữa.