Nhu cầu sử dụng suy yếu, giá dầu thô rơi xuống mức thấp nhất 6 tháng trở lại đây

Giá dầu thô thế giới đã rơi xuống mức thấp nhất trong 6 tháng trở lại đây, lùi sâu xuống dưới ngưỡng trước khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra. Thị trường hiện lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô đang suy yếu trước các rủi ro suy thoái kinh tế.
Giá dầu thô thế giới
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây (Nguồn: Oil Price)

 

Vào lúc 9h00 sáng nay ngày 5/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 biến động nhẹ quanh mức 94,17 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2022 đạt 88,56 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 4/8 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giảm 2,75% xuống còn 94,12 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ ngày 18/2; giá dầu thô WTI cũng giảm 2,12% xuống mức 88,54 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ ngày 2/2. Như vậy chỉ trong 2 phiên giao dịch gần đây giá dầu thô thế giới đã giảm hơn 6%, lùi sâu xuống dưới ngưỡng như trước khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2.

Hồi đầu tháng 3, đã có lúc giá dầu thô tăng vọt lên mức trên 120 USD/thùng khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu toàn cầu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 kết hợp với lo ngại tình trạng thiếu hụt dầu thô có thể xảy ra khi các nước phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga - quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới. Nếu so với mức đỉnh xác lập hồi đầu tháng 3, hiện giá dầu thô Brent đã giảm 23% và giá dầu thô WTI giảm gần 30%.

Giá dầu thô đã liên tục chịu áp lực giảm trong thời gian gần đây do lo ngại việc các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu mạnh tay tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống. Đặc biệt, một số nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ và khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có khả năng cao rơi vào suy thoái, áp lực nợ tăng cao tại các thị trường mới nổi, và tác động tiêu cực từ việc Trung Quốc phong toả diện rộng nhằm kiểm soát dịch COVID-19. Những yếu tố này khiến triển vọng tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô trong thời gian tới trở nên kém tích cực hơn.

Đến phiên giao dịch ngày 3/8, giá dầu thô sụt giảm mạnh khi dữ liệu chính thức của Chính phủ Hoa Kỳ cho thấy lượng tồn kho dầu thô và xăng tại nước này tăng mạnh, trái ngược với các dự báo giảm của giới phân tích đưa ra trước đó. Đồng thời, nhu cầu sử dụng xăng tại Hoa Kỳ rơi xuống mức thấp hơn hồi năm 2020.

Ông Robert Yawger, Phó giám đốc hãng chứng khoán Mizuho Securities (Nhật Bản), cảnh báo việc tồn kho xăng tăng, lượng xăng được bán ra giảm, và hoạt động lọc hoá dầu cũng giảm là “ba điều thường không xảy ra” tại Hoa Kỳ vào mùa Hè – mùa cao điểm tiêu thụ nhiên liệu. “Các dấu hiệu này ám chỉ nhu cầu trên thị trường đang yếu đi”, ông Robert Yawger nhận định.

Bên cạnh đó, giá dầu thô cũng chịu tác động tiêu cực từ việc liên minh OPEC+ cho biết sẽ nâng sản lượng khai thác dầu thô trong tháng 9 thêm 100.000 thùng/ngày. Mặc dù phần sản lượng khai thác thêm này chỉ tương ứng 0,1% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu nhưng một số nhà phân tích cho rằng thông tin này vẫn khiến thị trường dầu mỏ trở nên “u ám” hơn.

Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin cho biết hai quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất khối OPEC là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) sẵn sàng “nâng đáng kể” sản lượng khai thác nếu như thế giới đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng trong mùa Đông năm nay.

Thị trường hiện cũng quan sát diễn biến đàm phán thoả thuận hạt nhân giữa các cường quốc phương Tây với Iran. Ông Enrique Mora, phái viên Liên minh châu Âu (EU) - chịu trách nhiệm đàm phán thoả thuận hạt nhân với Iran, hiện đang tới Vienna (Áo) để thoả luận vấn đề trên. Sau nhiều tháng đàm phán, các bên tham gia vẫn chưa đạt được kết quả. Nếu thoả thuận diễn ra thành công, các biện pháp trừng phạt nhắm vào Iran sẽ được nới lỏng, cho phép nước này  gia tăng mạnh lượng dầu thô ra thị trường quốc tế.

Tường Vy