Nhu cầu sử dụng than của Trung Quốc giảm mạnh, tạo áp lực giảm giá than toàn cầu

Theo tờ The Wall Street Journal, tăng trưởng kinh tế chậm của Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu sử dụng than của nước này xuống; tác động tiêu cực đến giá than trên thị trường. Dự báo nhu cầu sử dụng tha

Trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng các loại hàng hóa nguyên liệu của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã tăng lên nhanh chóng, đặc biệt đối với than đá, nguyên liệu chính cho các nhà máy nhiệt điện tại Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện giảm tốc đã khiến nhu cầu sử dụng than đá của nước này sụt giảm. Ngoài ra, sự gia tăng lo ngại của người dân Trung Quốc đối với vấn đề ô nhiễm không khí cũng đã tạo áp lực chuyển các nhà máy nhiệt điện tại Trung Quốc sang sử dụng các nhà máy điện hạt nhân và khí gas tự nhiên.

Trung Quốc đã từng được coi là vị cứu tinh đối với ngành than; các dự báo về sự tăng giá than trong những năm gần đây đều được các nhà quan sát thị trường gắn liền với dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc và sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2013 chỉ ở mức 7,5% - mức thấp nhất kể từ năm 1990. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng cho biết nước này muốn giảm mức hao phí năng lượng trên mỗi một sản phẩm của ngành công nghiệp và chuyển sang dùng các loại năng lượng sạch hơn. Chính phủ Trung Quốc hiện đang lên kế hoạch triển khai các lò phản ứng hạt nhân mới. Qua đó có thể khiến nhu cầu sử dụng than nhiệt lượng cao của Trung Quốc trong tương lai giảm xuống hơn nữa.

Nhu cầu sử dụng than của Trung Quốc – quốc gia sử dụng than đá lớn nhất thế giới – giảm thấp đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường than quốc tế.

Theo báo cáo mới đây nhất của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) về thị trường than, nhu cầu tiêu thụ than trên toàn cầu sẽ chỉ tăng 2%/năm cho đến năm 2017 trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ than của Trung Quốc ở mức thấp. Trong dài hạn đến năm 2035, nhu cầu sử dụng than của Trung Quốc được dự báo sẽ dao động trong khoảng 1,51 tỷ tấn đến 3,66 tỷ tấn so với mức 2,29 tỷ tấn trong năm 2010, tùy thuộc vào các chính sách môi trường của Chính phủ Trung Quốc.

Dự báo cho thấy, hầu hết lượng than được Trung Quốc mua và sử dụng trong tương lai sẽ có nguồn gốc từ nội địa Trung Quốc; điều này tiếp tục phủ bóng đen lên trên bức tranh thị trường than toàn cầu. Một thương nhân giao dịch than tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, trữ lượng than của Trung Quốc hiện đạt mức hàng nghìn tỷ tấn. Do đó,  các mỏ than nội địa (Trung Quốc) sẽ đáp ứng được hầu hết nhu cầu sử dụng than của nước này miễn là giá than được giữ ở mức thấp và chi phí vận chuyển nằm ở mức phải chăng. Tập đoàn tài chính UBS (Thụy Sĩ) dự báo lượng than nhập khẩu của Trung Quốc sẽ giảm dần.

Giá than nhiệt lượng cao Australia xuất khẩu vào thị trường Châu Á hiện tiệm cận mức thấp nhất kể từ năm 2009. Ông Lachlan Shaw, chuyên gia phân tích thuộc Ngân hàng khối thịnh vượng chung của Australia, đã giảm dự báo giá than 2% xuống còn 86 USD/tấn vào năm 2014 và dự báo giá than sẽ đạt mức cao hơn, khoảng 95 USD/tán vào năm 2018.

Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Mỹ) cũng đã cắt giảm dự báo giá than, giảm 13% xuống còn 83 USD/tấn trong năm 2014.