Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong, mã cổ phiếu NTP - sàn HoSE) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 với các tờ trình quan trọng về hoạt động sản xuất kinh doanh được thông qua.
Thận trọng với kế hoạch kinh doanh năm nay
Báo cáo cổ đông tham dự Đại hội, ông Trần Ngọc Bảo - Phó Tổng giám đốc tài chính Nhựa Tiền Phong nhấn mạnh, Nhựa Tiền Phong tiếp tục duy trì vị thế là nhà sản xuất ống nhựa lớn nhất Việt Nam với tổng sản lượng tiêu thụ trong năm ngoái khoảng 100.000 tấn.
Mặc dù doanh thu trong năm 2023 đạt 5.176 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2022, nhưng lợi nhuận của công ty lên tới 559 tỷ đồng, vượt 23% so với kế hoạch đề ra và cũng là mức cao nhất trong lịch sử công ty, ông Trần Ngọc Bảo nói.
Chia sẻ thêm lý do doanh thu năm ngoái chưa đạt kỳ vọng, Phó Tổng giám đốc tài chính Nhựa Tiền Phong cho biết, công ty đã buộc phải giảm giá bán các sản phẩm 02 lần trong năm 2023, mỗi lần 5%, để thích ứng trong bối cảnh sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt khi thị trường bất động sản, xây dựng chững lại, khiến doanh số toàn ngành suy giảm. Điều này khiến doanh thu của Nhựa Tiền Phong hụt mất 413 tỷ đồng, tương đương giảm 7%.
Bên cạnh đó, Nhựa Tiền Phong cũng chưa khai thác hết được tiềm năng của thị trường ở một số khu vực nhưng công ty đã có các chiến lược để tăng hiệu quả kinh doanh trong năm nay, ông Trần Ngọc Bảo nói.
Về triển vọng thị trường năm nay, ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong đánh giá, với việc giá nguyên vật liệu chính như bột PVC, hạt HDPE, hạt PPR đang ở mức thấp và xu hướng khó có thể tăng cao như các tháng cuối năm 2021 thì việc tăng doanh thu nhờ tăng giá bán sẽ không còn.
“Nếu giá nguyên liệu chính giữ ở mức hiện tại thì có thể phải tính đến các phương án kinh doanh cho phù hợp với giá nguyên vật liệu chính và tình hình cạnh tranh trên thị trường”, ông Trần Ngọc Bảo nói.
Trong khi đó, nhu cầu xây dựng dự kiến sẽ chưa thể sớm phục hồi, khiến nhu cầu sử dụng ống nhựa khó tăng trưởng nhiều.
Do đó, Hội đồng Quản trị (HĐQT) Nhựa Tiền Phong đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 104.500 tấn và doanh thu bán hàng đạt 5.400 tỷ đồng, cùng tăng 6% so với năm 2023. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 13%, còn 555 tỷ đồng.
Đại hội cũng thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền năm 2023 với tỷ lệ 25% vốn điều lệ và trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2023 với tỷ lệ 10%. Dự kiến cổ tức năm 2024 sẽ được chi trả bằng tiền với tỷ lệ 20% vốn điều lệ.
Giá bán đang thấp hơn từ 15 - 17% so với đối thủ
Câu hỏi được nhiều cổ đông Nhựa Tiền Phong nêu lên nhiều nhất tại Đại hội là khả năng sinh lời trong bối cảnh công ty có doanh số tiêu thụ lớn nhất thị trường nhưng lợi nhuận lại thấp hơn đối thủ.
Về vấn đề này, mặc dù không nêu đích danh đối thủ trên thị trường, ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong cho biết, giá bán sản phẩm của Nhựa Tiền Phong luôn thấp hơn 15 - 17% so với đối thủ khiến biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp.
Ông Đặng Quốc Dũng cũng chia sẻ thêm, nếu để giá bán ngang bằng với đối thủ thì lợi nhuận của Nhựa Tiền Phong “hoàn toàn có thể vượt 1.000 tỷ đồng” trong năm ngoái nhưng chiến lược của công ty là đồng hành với các đối tác, khách hàng để có thể phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng thì Nhựa Tiền Phong sẽ tăng giá bán sản phẩm trễ hơn, nhưng khi giá nguyên vật liệu giảm, công ty sẽ giảm giá rất nhanh để hỗ trợ đối tác.
“Nhựa Tiền Phong giữ mức giá thấp nhằm thực hiện trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp có vốn cổ phần của nhà nước, chia sẻ khó khăn với đối tác, với các đại lý phân phối, với người tiêu dùng... khi nền kinh tế còn nhiều áp lực”, Chủ tịch Nhựa Tiền Phong nói.
Triển khai tổ hợp giáo dục liên cấp tại Hải Phòng
Về câu hỏi tại sao Nhựa Tiền Phong quyết định “lấn sân” sang mảng giáo dục với việc đầu tư tổ hợp giáo dục liên cấp tại trụ sở chính của công ty, ông Đặng Quốc Dũng chia sẻ, đây vốn là mảnh đất gắn với lịch sử Nhựa Tiền Phong trong suốt 64 năm qua. Trước đó, công ty đã có quy hoạch 1/500 xây dựng tổ hợp thương mại nhưng gặp nhiều vướng mắc và quyết định dừng lại.
Nếu không có kế hoạch sử dụng, chính quyền thành phố Hải Phòng sẽ thu hồi mảnh đất này để xây dựng khu gửi xe cao tầng. Chính vì vậy, Nhựa Tiền Phong đề xuất kế hoạch xây tổ hợp giáo dục, Chủ tịch Nhựa Tiền Phong nói.
Đồng thời, ông Đặng Quốc Dũng khẳng định mảng việc mới này sẽ được Nhựa Tiền Phong thực hiện tốt, đóng góp tích cực cho xã hội, đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Hải Phòng.
"Nhựa Tiền Phong là doanh nghiệp quốc dân được sinh ra từ nhân dân và một phần cơ ngơi được dựng nên từ công sức của các cháu thiếu niên nhi đồng. Chúng tôi xây trường học là vì nghĩ đến trách nhiệm xã hội, đầu tư cho giáo dục cũng là đầu tư cho tương lai", Chủ tịch Nhựa Tiền Phong chia sẻ.
Ông Trần Ngọc Bảo cho biết thêm, sau khi được Đại hội thông qua chủ trương phát triển mảng giáo dục, công ty sẽ tiến hành các thủ tục tiếp theo với chính quyền thành phố Hải Phòng về dự án. Sơ bộ vốn đầu tư dự kiến là 600 tỷ đồng với 50% được tài trợ từ vốn chủ sở hữu, doanh thu dự kiến 180-200 tỷ đồng/năm và thu hồi vốn trong khoảng thời gian 8-10 năm.
Dự án Tổ hợp giáo dục Tiền Phong bao gồm đào tạo 3 bậc học: tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm bồi dưỡng năng khiếu và kỹ năng mềm, trung tâm thể thao, trung tâm ngoại ngữ. Dự án dự kiến được xây dựng trong giai đoạn 2024 - 2026, tổng vốn đầu tư khoảng 623,6 tỷ đồng.