Nhà máy Phú Mỹ sẽ giúp đón đầu chu kỳ phục hồi của thị trường
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu NKG - sàn HoSE) đã diễn ra trong ngày 26/4.
Báo cáo với cổ đông tham dự Đại hội, ông Hồ Minh Quang - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Thép Nam Kim cho biết, ngành tôn mạ Việt Nam đã có tín hiệu phục hồi từ quý 2/2023 nhưng mức tăng trưởng trong năm nay vẫn sẽ rất khiêm tốn, đặc biệt trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì nền lãi suất cao.
Với thị trường nội địa, sức mua vẫn đang là dấu hỏi, trong khi thị trường bất động sản cần thời gian để ngấm các chính sách hỗ trợ, công ty dự báo con đường phục hồi trong năm nay vẫn sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức.
Do đó, chiến lược kinh doanh chủ chốt trong năm nay của công ty sẽ là củng cố thị trường, tận dụng các cơ hội để gia tăng lợi nhuận, và tích cực mở rộng các đối tác mới, qua đó đạt được những lợi thế chiến lược trong dài hạn, Chủ tịch Thép Nam Kim nói.
Dựa trên việc phân tích triển vọng thị trường, Thép Nam Kim lập kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu mục tiêu doanh thu là 21.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 420 tỷ đồng, lần lượt tăng 13% và 137% so với năm 2023. Sản lượng tiêu thụ kỳ vọng ở mức 1 triệu tấn.
Chia sẻ thêm với cổ đông về triển vọng ngành thép, ông Võ Hoàng Vũ - Tổng Giám đốc Thép Nam Kim kỳ vọng, kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục và hoạt động đầu tư và tiêu dùng của thị trường quốc tế sẽ tốt lên kể từ năm sau. Do đó, đây là thời điểm tốt để Thép Nam Kim đầu tư mở rộng sản xuất nhằm đón đầu sự hồi phục này.
Ông Hồ Minh Quang nói: “Bước sang năm 2024, đây là năm bản lề để Thép Nam Kim tiến sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị ngành tôn mạ thông qua dự án nhà máy mới ở Phú Mỹ”.
Dự án Nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng (giai đoạn 1), bao gồm dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, hai dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm, và dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm.
Chủ tịch Thép Nam Kim cho biết dự án đã có giấy phép khởi công và dự kiến đi vào hoạt động từ quý 4/2025 hoặc quý 1/2026, công suất sẽ tăng dần và đạt 100% vào năm 2027. Khi đi vào hoạt động đầy đủ, tổng công suất của Thép Nam Kim sẽ đạt 1,6 triệu tấn/năm, so với mức 1 triệu tấn hiện nay.
Khác với các dòng sản phẩm tôn mạ xây dựng hiện nay, sản phẩm của Nhà máy Nam Kim Phú Mỹ là các dòng sản phẩm chất lượng cao, nhắm đến các phân khúc cao cấp vốn có mức độ cạnh tranh không quá gay gắt như: công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô, cơ khí phụ trợ, điện gia dụng…
Để chuẩn bị nguồn lực cho việc xây dựng nhà máy, HĐQT Thép Nam Kim đã trình và được cổ đông thông qua phương án chào bán tối đa 131,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động 1.580 tỷ đồng.
Đã hoàn thành 48% mục tiêu lợi nhuận cả năm chỉ sau quý 1/2024
Tại phần Thảo luận, vấn đề được nhiều cổ đông đặt ra nhất là chiến lược kinh doanh cụ thể năm nay và triển vọng hoàn thành mục tiêu kinh doanh.
Trả lời vấn đề trên, ông Võ Hoàng Vũ cho biết, nhu cầu nội địa hiện vẫn rất thấp, doanh nghiệp không mặn mà đầu tư xây dựng nhà xưởng của doanh nghiệp, trong khi nhu cầu xây dựng, sửa sang nhà cửa của người dân còn thấp.
Trong bối cảnh trên, Thép Nam Kim đang tập trung khai thác thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường châu Âu và Bắc Mỹ vốn chiếm tổng cộng 70% doanh số xuất khẩu.
“Với ưu thế chất lượng, kênh bán hàng đã xác lập, chúng tôi vẫn tự tin rằng kênh xuất khẩu vẫn bù đắp được cho thị trường nội địa”, Tổng Giám đốc Thép Nam Kim nói.
Đồng thời, ông Võ Hoàng Vũ tiết lộ, riêng quý 1/2024, Thép Nam Kim đã tiêu thụ được 254.000 tấn sản phẩm, thu về 5.300 tỷ đồng doanh thu và 150 tỷ đồng lãi sau thuế. Qua đó, công ty đã thực hiện được 25% mục tiêu doanh thu và 48% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Dự kiến, sản lượng bán hàng trong quý 2 sẽ tăng thêm 10%, tức khoảng 275.000 tấn, Tổng Giám đốc Thép Nam Kim chia sẻ.
Như Tạp chí Công Thương đã thông tin trước đó, Thép Nam Kim cho biết đã đảm bảo được lượng hàng xuất khẩu cho quý 2/2024. Mặc dù giá bán có thể thấp hơn quý 1/2024 nhưng sản lượng bán hàng được kỳ vọng sẽ tốt hơn. Do đó, Thép Nam Kim hoàn toàn có cơ sở để đạt được kế hoạch 420 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay.
Đáng chú ý, hiện tại mức chênh lệch giữa giá HRC tại EU và Mỹ với khu vực châu Á ở mức 200 - 250 USD/tấn. Đây được xem là mức khá hấp dẫn để khiến các nhà nhập khẩu tăng cường tìm kiếm nguồn cung từ khu vực châu Á.