Những năm gần đây, phong trào mua sắm ngày Black Friday - Thứ Sáu đen tối lan ra toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Hàng triệu người trên toàn thế giới dịp này vét sạch tiền trong túi, đổ đi mua sắm hàng hóa với mức giảm giá khủng từ 30-50%, thậm chí có giảm tới 80%.
Dù người tiêu dùng háo hức chờ đón ngày hội mua sắm lớn nhất năm, song, không ai hiểu rõ về những “bí mật đen tối” của Black Friday hơn các nhân viên tại cửa hàng. Dưới đây là những “bí mật đen tối” về ngày Black Friday:
Tăng giá trước đó để mức giảm có vẻ nhiều hơn
Đây là phát hiện của tờ The Wall Street Journal, New York. Theo đó, 1/5 số mặt hàng giảm giá mà tờ báo này theo dõi sẽ tăng giá 8% trước Black Friday. Thậm chí, đồ chơi và dụng cụ sẽ đội giá lên 23%.
Đây có lẽ chính là câu trả lời hoàn hảo nhất cho câu hỏi vì sao các nhãn hàng giảm giá khủng mà vẫn có lãi.
Thực tế, năm 2012, ông Johnson - CEO của Penney (thương hiệu thời trang nữ giới) thừa nhận, tại Công ty của ông, tỷ lệ bán được hàng ở "full price" (giá trị đủ) là cực thấp, chỉ 1/500 mà thôi. Nhưng đến mùa sale, khách hàng sẽ được hưởng mức ưu đãi khoảng 60%.
Cũng theo ông này, khoảng 10 năm trước đó, mức sale chỉ là 38%. Điều này không có nghĩa rằng cửa hàng của ông sale "khủng" hơn, mà chỉ là do mức giá ban đầu đã được đẩy lên khoảng 33%.
Hàng sale chủ yếu là hàng tồn, lỗi mốt
Đối với những thương hiệu được đánh giá là "hàng hiệu bình dân" - hàng hóa có chất lượng tốt mà giá cả hợp túi tiền, thì thường hàng mới về có thể hết trong vài nốt nhạc. Vậy là đến cuối mùa, chỉ những mẫu hàng tồn, cũ và lỗi mốt mới có thể giảm giá sâu 40-50%.
Trong khi đó, hàng mới chỉ giảm khoảng 10%-20% mà thôi. Việc giảm giá như vậy một phần cũng nhằm quảng bá hàng mới đến khách hàng.
Ngoài ra, những nhà bán lẻ có thể được nhãn hàng trợ giá khoảng 20-30% để giảm giá mạnh, đặc biệt là với mặt hàng đồ điện tử. Đây chính là lý do vì sao ngay cả các nhà phân phối tư nhân cũng có thể giảm giá cực kỳ sâu trong những dịp này.
Chính vì thế, dù gom tiền để mua hàng trong ngày Black Friday, bạn cũng khó có thể trông đợi những món hàng thời thượng, vì các nhãn hàng thường chỉ giảm các sản phẩm đã lỗi mốt để kích cầu, tránh tồn hàng, đọng vốn.
Có mặt hàng bán riêng cho ngày Black Friday, chất lượng thấp hơn
Hãng thông tấn CNN và Forbes cho hay, các hãng bán lẻ lớn thường bán hàng điện tử "đặc biệt", được sản xuất bởi thương hiệu lớn chỉ dành riêng trong Black Friday. Không may, những món đồ này có chất lượng thấp hơn bình thường.
Dịp Black Friday, nhiều nhà bán lẻ còn đặt hàng nhà sản xuất cả tivi, với giá khuyến mãi cực kì hấp dẫn cho kiểu dáng y hệt dòng sản phẩm mà bạn vẫn thấy. Nhưng chúng thường có chất lượng màn hình kém hơn hoặc thiếu những tính năng nổi bật.
Vì thế, nếu bạn nghĩ đến việc mua một chiếc tivi mới vào Black Friday, hãy nghiên cứu thật kỹ model của sản phẩm. Nếu model này chỉ có một nhà sản xuất duy nhất cung cấp, bạn hãy thay đổi quyết định. Đừng mua nó vào dịp này. Rất có thể, dòng tivi đó chỉ được sản xuất riêng cho đợt Black Friday mà thôi.
Thực tế, ở Việt Nam, những năm gần đây, nhiều nhà bán lẻ cũng thường xuyên đặt làm các sản phẩm nhãn hiệu riêng để có mức giá thấp hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Quần áo thời trang: Vài chục người đã thử
Nhân viên một số hãng thời trang tiết lộ, các sản phẩm quần áo được bán giảm giá tại cửa hàng thường là những mặt hàng bị “bỏ xó” trong kho lâu ngày nên rất nhiều bụi bẩn. Chưa kể, khi được đem ra bán giảm giá, vài chục khách hàng trước đó đã thử chúng trước khi bạn mua.
Chính vì vậy, nhân viên bán hàng khuyên nếu mua những món hàng này nhất định phải giặt sạch trước khi sử dụng.
Chiêu quảng cáo “số lượng có hạn”
Những mặt hàng được nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp quảng cáo nhiều nhất thường là những sản phẩm hạn chế về số lượng. Trong một số trường hợp, những sản phẩm này sẽ được bán hết vài phút trước giờ mở cửa.
Do đó, nếu bạn không thể đến cửa hàng sớm, xếp hàng dài dưới trời gió rét, bạn đừng nên chạy theo những quảng cáo này. Bởi khi bạn nhỡ không mua được đúng sản phẩm mà mình cần, hoặc là bạn sẽ ra về tay không trong thất vọng hoặc là bạn sẽ “đốt” thêm tiền vào đống sản phẩm khác mà bạn không hề có ý định mua ban đầu.
Đây chính là một trong những chiêu móc sạch tiền trong ví của người tiêu dùng được các nhà bán lẻ áp dụng vào ngày Black Friday hàng năm.