Những nữ "cửu vạn" ở chợ Long Biên

1h sáng, khu chợ dưới chân cầu Long Biên đông vui, nhộn nhịp khác hẳn với sự heo hút vắng vẻ của phố Trần Nhật Duật. Những cơn mưa phùn bất chợt càng làm thời tiết Hà Nội về đêm thêm lạnh buốt.

Từng đoàn xe tải loại 1,2 tấn, xe máy, xe đạp, xe kéo chạy rầm rầm, rau quả từ khắp nơi đổ về. Đây cũng là lúc những phụ nữ làm nghề gánh thuê bắt đầu một đêm làm việc. Hành trang của họ chỉ là chiếc đòn gánh và đôi dây thừng, người khấm khá hơn thì có một chiếc xe kéo.

1h sáng, chợ Long Biên sáng rực cả một góc trời. Người mua nhộn nhịp, người bán khẩn trương


Hành trang của những nữ lao động chỉ là chiếc đòn gánh và đôi dây thừng, người khấm khá hơn thì có một chiếc xe kéo

Chị Phùng Thị Hòa, quê ở Tam Dương, Vĩnh Phúc mỗi ngày phải đi 2 chặng xe bus khoảng 75 cây số để đến chợ làm thuê bốc vác

Cô Nguyễn Thị Liên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) tuổi đã ngoài 45, nước da đen sạm vì thức đêm liên tục, nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi khi cô kể về công việc của mình. Những lao động nữ ở trong nhóm đùa bảo “Nụ cười ấy là đặc sản của cô Liên”.

Những gánh hàng đến nửa tạ đè nặng trên đôi vai người phụ nữ

Cô Liên làm nghề bốc thuê, gánh mướn ở chợ Long Biên từ năm 1998, gần 20 năm lăn lộn ở đất Hà Thành, mọi nhọc nhằn, vất vả nơi đất khách cô... chẳng  lạ gì.


Những chiếc xe kéo chở được nhiều đồ hơn, thu nhập cũng cao hơn

Theo chân cô Liên trong mỗi chuyến bố hàng, chứng kiến cuộc mặc cả giữa cô Liên và những người thuê mới thấm được sự vất vả nhọc nhằn của họ.

- 30kg nặng thế này, cháu trả cô 35 ngàn.

- 30 ngàn được rồi.

- Cô phải vác ra ngoài đường lớn (Trần Nhật Duật) nữa mà, cháu tính cho cô 35 đấy.

- Ừ thì 35.

Mỗi đêm, hàng tấn hàng được những người lao động nữ nơi đây vận chuyển qua lại

Rồi lại:

- 3 thùng này chị trả bao nhiêu đây?

- 15 thôi.

- Không, 20 ngàn, to và nặng như này, có nhẹ đâu.

- Vài quả bưởi, 20kg chứ mấy. 15 ngàn thì gánh, không thì thôi.

Những giấc ngủ vội, chập chờn của những người lao động nữ

Cô Liên cho biết , “Nhiều chủ hàng kỳ kèo ghê lắm, 5 ngàn thôi cũng không được với họ. Mỗi chuyến vác, vận chuyển cũng được 20-25 ngàn đồng, mỗi đêm lao động, nhiều thì cô được 200, ít thì 100 ngàn. Tuần ngày rằm, mồng 1 thì được cao hơn vì số lượng chuyến vận chuyển nhiều”.

Những đôi quang gánh uốn cong vì sức nặng là thước đo niềm vui và thu nhập của người phụ lao động

Theo chân cô Liên về khu trọ ven bãi sông Hồng, người trong xóm trọ đều là những nữ cửu vạn ở chợ Long Biên, chợ Đồng Xuân. Họ ở đây với giá 13 ngàn đồng/ngày. Phòng trọ của cô Liên và người em chồng thủng nóc như một căn nhà hoang. “Ngày nắng còn đỡ chứ ngày mưa thì dột tứ bề” chị Hòa, em chồng cô Liên chia sẻ.

Cô Liên rất tươi, vì đêm qua cô kiếm được hơn 300 ngàn đồng

Bên trong nhà trọ, một cái bồn cầu đi vệ sinh chung nằm ở góc nhà đen ngòm, dường như chẳng bao giờ được cọ rửa. Xung quanh là 4 tấm ván ghép lại thành giường ọp ẹp, vẹo siêu.

Chỉ tay về phía “khu bếp tập thể”, cô Liên giới thiệu, đấy là bếp chung của mọi người. Ai có đồ gì thì mang ra nấu, thường thì mọi người ở đây hay nấu chung, ăn chung. Mỗi bữa 5, 10 ngàn. Ít rau, ít đậu, đôi khi chút thịt là đủ.

"Khu bếp tập thể" của nhà cô Liên

“Khu bếp tập thể” kia thực ra chỉ là chỗ có tấm bạt che tạm, vài hòn gạch dựng lại, tạo thành bếp. Chiếc thì nằm trong bạt, chiếc thì nằm ngoài trời, ngay bên cạnh... đống rác.

Thấy tôi ngó quanh nhà, cô Liên cười xòa “Nhà có thế thôi, đơn giản mà. Chỉ cần chỗ trú chân. Chứ chiều đi làm (làm thêm ở chợ Đồng Xuân), đêm tối cũng đi làm, chỉ cần chỗ để sáng ngả lưng, có cần gì nhiều đâu...”.

Trời đã rạng sáng, chợ đã vắng, những người phụ nữ phờ phạc hơn sau một đêm thức trắng

Trời đã rạng sáng, chợ đã vắng, những lao động nữ lại hối hả ra về. Phía bên kia cổng chợ, có những chị mắt ríu lại, vừa đẩy chiếc xe long sòng sọc trên con đường gồ ghề về xóm trọ .Một đêm vất vả nữa lại  đã qua.



Hoàng Hòa - Quang Minh