Những bước đi đầu tiên trong xóa bỏ bao cấp hàng phân phối

Cuối năm 1980, bắt đầu xóa bỏ chế độ cung cấp thuốc lá và bia, các mặt hàng này được bán theo một giá kinh doanh thương nghiệp; đồng thời mở rộng diện mặt hàng áp dụng chính sách hai giá.
xóa bỏ bao cấp
Quầy bán đồ gia dụng thập niên 80. (Ảnh: TTXVN)

Cung - cầu mất cân đối

Ở thị trường trong nước, cung - cầu những năm 1979 - 1985 ngày càng mất cân đối, giá theo chỉ đạo của kế hoạch Nhà nước tiếp tục thoát ly với giá trị thực tế, khiến nảy sinh một số hiện tượng tiêu cực.

Trong hoạt động nội thương, nông dân, hợp tác xã giấu sản lượng thực, không bán hết cho thương nghiệp theo kế hoạch; móc ngoặc tuồn hàng hóa có giá bán cung cấp ra thị trường tự do để ăn chênh lệch.

Ngay cả với các đơn vị kinh tế chủ lực của Nhà nước là xí nghiệp quốc doanh, hiện tượng tuồn hàng ra ngoài cũng khá phổ biến; vì thế Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 64-CP phê phán kịch liệt chuyện giao nộp sản phẩm của các xí nghiệp quốc doanh: “Nhiều xí nghiệp quốc doanh không giao nộp đầy đủ sản phẩm của Nhà nước, đã giữ lại một phần quan trọng sản phẩm để tự tiêu thu, đổi chác, phân phối ngoài chế độ quản lý của Nhà nước”.

Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến: “Trong quan hệ trao đổi sản phẩm giữa Nhà nước và nông dân ở miền Nam, Nhà nước phải chỉ ra một số tiền mặt rất lớn để đẩy mạnh thu mua lương thực, thực phẩm theo giá thỏa thuận, nhưng chưa thu về được hoặc thu về không đủ nguồn tiền bán hàng công nghiệp theo giá thỏa thuận”.

Đối với hàng tiêu dùng bán lẻ cung cấp, thương nghiệp quốc doanh đã trở thành kho hàng phân phối theo định lượng. Giá hàng công nghiệp cũng để bất động kéo dài, nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu và hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất. Mức giá trong nước đối với hàng nhập khẩu không bù được giá vốn. Cơ chế thu bù chênh lệch ngoại thương đã làm cho ngân sách nhà nước bù lỗ xuất khẩu, nhập khẩu ngày một tăng lên.

Xóa bỏ bao cấp qua giá bán

Trong bối cảnh ấy, các Bộ quản lý ngành Công Thương đã chủ động tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh giá thu mua và từng bước xóa bỏ bao cấp một số mặt hàng.

Sang năm 1979, Chính phủ cho phép thực hiện điều chỉnh giá thu mua tăng lên: thóc tăng 56%, ngô tăng 30%, đỗ tương tăng 82%, lạc tăng 67%, đay xanh ngâm tăng 55%, thuốc lào tăng 40%, thịt bò hơi tăng 82%, v.v... Trong khi tăng giá mua nông sản, thương nghiệp thực hiện bán tư liệu sản xuất theo mức giá không lấy lãi.

Năm 1980, bắt đầu thực hiện chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực đối với hợp tác xã và tập đoàn sản xuất (thuế và phần thu mua theo nghĩa vụ với giá chỉ đạo Nhà nước) và mua phần lương thực ngoài nghĩa vụ theo giá thỏa thuận.

Đối với hàng tiêu dùng, đến năm 1980 thực hiện hai giá (giá cung cấp và giá kinh doanh thương nghiệp) đối với một số mặt hàng tiêu dùng quan trọng. Giá cung cấp áp dụng đối với các mặt hàng: xe đạp và phụ tùng, thuốc lá; riêng bia và nước ngọt bán giá cung cấp qua căng tin cơ quan. Giá cao được áp dụng đối với những mặt hàng cao cấp, len, dạ, đồng hồ.

Cuối năm 1980, bắt đầu xóa bỏ bao cấp trong cung cấp thuốc lá và bia, các mặt hàng này được bán theo một giá kinh doanh thương nghiệp; đồng thời mở rộng diện mặt hàng áp dụng chính sách hai giá.

Năm 1982, tiếp tục có cuộc điều chỉnh đối với giá bán lẻ hàng tiêu dùng theo ba giá:

- Giá thứ nhất: “Giá cung cấp, gắn với tiền lương, áp dụng trong việc bán lẻ các mặt hàng thiết yếu, cung cấp theo định lượng cho lực lượng vũ trang, công nhân, viên chức, học sinh và các đối tượng khác được cung cấp theo chính sách”;

- Giá thứ hai: “Giá chỉ đạo bán lẻ mới, áp dụng cho các loại hàng thiết yếu với đời sống toàn dân”;

- Giá thứ ba: “Giá kinh doanh thương nghiệp, áp dụng đối với một số mặt hàng không thiết yếu và những hàng thuộc loại cao cấp, đắt tiền”.

Đào Mạnh Đức