Hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững để mở rộng thị trường trong nước

Sản xuất và tiêu dùng bền vững vừa là mục tiêu mang tính nhân văn, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, vừa là công cụ cạnh tranh để mở rộng thị trường trong nước, sẵn sàng vượt qua những ranh giới khắc nghiệt của thị trường, khi kinh tế thế giới ngày càng phụ thuộc vào các yếu tố địa chính trị, ngày càng trở nên khó đoán định.
tiêu dùng bền vững

Tổng cung và tổng cầu gặp khó

Nếu 2022 được nhìn nhận là năm “phức tạp, dị biệt của kinh tế thế giới”, thì năm 2023 này chắc chắn phải được xem là “khó đoán định” nhất trong nửa thế kỷ trở lại đây, kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu năm 1973. Khó đoán định vì chưa biết cuộc xung đột quân sự Nga - Ucraina bao giờ mới kết thúc; chưa biết bao giờ giá năng lượng trên thế giới trở lại bình thường; chưa rõ liệu lạm phát toàn cầu đã chạm đáy hay chưa; chưa biết khi nào nhu cầu tiêu dùng thế giới tăng trưởng trở lại…

Tất cả những cái “chưa biết”, “chưa rõ” ấy không chỉ làm đau đầu các chuyên gia kinh tế thế giới, mà còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng và tổng cầu, gây tác động trực tiếp tới các nước hội nhập sâu rộng như Việt Nam, với 89,2 điểm về độ mở thương mại, đứng thứ 2 trong Đông - Đông Nam Á và thứ 5 trên toàn cầu, theo Fitch Solutions - đơn vị nghiên cứu vĩ mô của hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings.

Trong Báo cáo và các ý kiến tham luận tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2023, đã cho thấy một bức tranh chung với nhiều sức ép từ những khó khăn, bất định của thế giới, từ nền kinh tế đang gặp khó khăn cả về tổng cung và tổng cầu, cùng những hạn chế nội tại trong Ngành cần phải khắc phục như sản xuất và xuất khẩu đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, năng lực sản xuất của các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt chậm cải thiện; sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế; xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI; đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm và việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm; sức mua trong nước hồi phục chậm.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những vấn đề cần phải tập trung giải quyết; đó là: Tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức thấp; kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu giảm so với cùng kỳ; các thị trường và mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều giảm; việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm. Cung ứng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn; có thời điểm đã phải điều hòa phụ tải và tiết giảm điện ở một số địa bàn. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm cạnh tranh… có lúc, có nơi còn diễn biến phức tạp.

Từ đó, Bộ trưởng nêu 6 giải pháp cho ngành Công Thương. Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2023. Hai là, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả, đúng quy định, không để chậm chễ. Ba là, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế trong các lĩnh vực Ngành quản lý. Bốn là, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới với các nước. Năm là, các Cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần chủ động nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường và thường xuyên cập nhật các quy định, chính sách mới của nước sở tại để tham mưu, đề xuất những phản ứng chính sách kịp thời, nhanh nhạy; đồng thời, giúp các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp. Sáu là, củng cố, duy trì kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành trong thực thi công vụ, nhất là việc đề cao trách nhiệm trước pháp luật, lãnh đạo Bộ và nêu gương của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp.

Hướng tới sản xuất tiêu dùng bền vững

Tinh thần của 6 nhóm giải pháp đã được các đơn vị trong Bộ quán triệt sâu sắc.  Đại diện Cục Công nghiệp cho biết, đã tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ, các Hiệp hội, ngành hàng trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là công tác tham mưu xây dựng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp về thuế, phí, lệ phí cho các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chủ lực, nền tảng.

Trong đó, đặc biệt là Cục đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để ban hành chính sách gia hạn thời hạn nộp Thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ cũng như gia hạn Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh phụ kiện phục vụ sản xuất ô tô trong nước. Đồng thời, tiếp tục chú trọng công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật làm cơ sở để thúc đẩy các hoạt động phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới. Cục đã và đang triển khai nghiên cứu xây dựng dự án Luật Phát triển công nghiệp, xây dựng/sửa đổi, bổ sung các Nghị định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, kinh doanh thuốc lá, kinh doanh khoáng sản, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; xây dựng và hoàn thiện các Quy hoạch, Chiến lược, Chương trình phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, chủ lực trong thời kỳ mới như khoáng sản, dệt may, da - giày, ô tô, giấy, nhựa, sữa…

Để mở rộng tiêu dùng trong nước, bên cạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, chú trọng tới việc phát triển đa dạng phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh thương mại trong nước; tổ chức và vận hành hiệu quả các hệ thống cung ứng, phân phối các nhóm hàng hóa chủ yếu trên thị trường; tiếp tục phát triển các doanh nghiệp đầu đàn trong nước có khả năng dẫn dắt thị trường, tạo sức lan tỏa đối với các doanh nghiệp vệ tinh và hạn chế sự phụ thuộc, chi phối của các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia; thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực thương mại trong nước theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh; tăng cường kết nối, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, các hệ sinh thái toàn cầu và khu vực.

 Đồng thời triển khai các  Chương trình, đề án về tiêu thụ nông sản, với mục tiêu chung là hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường (trong nước và quốc tế).

Mục tiêu cụ thể sẽ là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, đúng quy hoạch và yêu cầu của thị trường, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, truy xuất nguồn gốc nông sản; Gắn với đó là tổ chức thương mại trong nước, ngoài nước theo hướng hiện đại.

Đồng thời, củng cố và phát triển mô hình hợp tác xã thương mại và dịch vụ như là một trung gian cần thiết giữa người nuôi, trồng với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối và ngân hàng, để tổ chức cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho nông dân. Xây dựng cơ chế ràng buộc, gắn kết giữa các chủ thể chính trong kênh tiêu thụ nông sản; thiết kế các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các chủ thể liên kết hữu cơ với nhau từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Song song đó, phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… sẽ đặt trọng tâm vào phát triển hạ tầng thương mại và phương thức bán lẻ mới ở cả khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, và khu vực đồng bằng, đô thị. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, các siêu thị và trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm tại các trung tâm sản xuất và tiêu thụ hàng hoá lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đắk Lắk và các đô thị có cảng cửa ngõ, các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu và các trung tâm vùng khác; tập trung đầu tư phát triển các chợ đầu mối nông sản, các trung tâm phân phối lớn, trung tâm bán buôn theo nhóm hàng nông sản, các cửa hàng tiện lợi ở nông thôn, các cửa hàng chuyên doanh, siêu thị và trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm tại các thành phố tỉnh lỵ.

Theo đánh giá, những năm qua, hạ tầng thương mại đã được củng cố, có sự chuyển biến dần phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và quá trình hội nhập. Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại bước đầu đạt kết quả tích cực qua sự phát triển các siêu thị và trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm tại các khu vực tập trung sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, các chợ đầu mối nông sản, các trung tâm phân phối lớn, trung tâm bán buôn theo ngành hàng nông sản. Hệ thống chợ truyền thống được quy hoạch lại, nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới, nhất là các chợ nông thôn. Hệ thống hạ tầng thương mại đã từng bước góp phần hình thành nên kênh phân phối thông suốt theo hướng văn minh hiện đại, bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường.... phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Đặc biệt, có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ hệ thống thương mại truyền thống (như chợ) sang hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại (siêu thị và trung tâm thương mại). Tỷ trọng về số lượng hệ thống thương mại hiện đại trong hệ thống hạ tầng thương mại nói chung gia tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, các cơ sở kinh doanh (siêu thị, trung tâm thương mại…) cũng đẩy mạnh hình thức thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến.

Bên cạnh đó, mạng lưới chợ phát triển theo quy hoạch, hạn chế được tình trạng tự phát tại các địa phương, từng bước được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Chợ truyền thống tuy tốc độ gia tăng chững lại nhưng vẫn duy trì được cạnh tranh với các kênh phân phối hiện đại, với lưu lượng hàng hóa bình quân chiếm từ 35-40% (qua hệ thống phân phối hiện đại trung bình từ 22-25%) và tổng số chợ cả nước hiện có là 8.500 chợ trong quy hoạch. Về chợ đầu mối, cả nước có 61 chợ, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, các vùng tiêu thụ tập trung, có phạm vi lan tỏa rộng liên vùng. Các chợ đầu mối đã thể hiện và khẳng định chức năng của mình trên thị trường, đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và thương mại nói riêng, vừa góp phần khuyến khích sản xuất vừa góp phần kích thích, điều tiết và gắn kết thị trường.

Cũng với tinh thần quán triệt 6 nhóm giải pháp của ngành Công Thương, trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước đòi hỏi ngày càng cao, tất cả các lĩnh vực thuộc ngành Công Thương đều chủ động hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững. Trong tiêu dùng là đẩy mạnh liên kết bền vững giữa sản xuất - phân phối - tiêu dùng, tăng sự hiện diện của sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường tại cơ sở phân phối hiện đạị và cơ sở phân phối truyền thống. Trong xúc tiến thương mại là, khuyến khích các hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy nhập khẩu thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ nguồn, nguyên liệu đầu vào phục vụ cho chế biến sâu, có hàm lượng giá trị gia tăng cao phục vụ xuất khẩu.

Trong khoa học công nghệ là triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó chú trọng các giải pháp về tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình nhà máy thông minh, chuyển đổi số, sản xuất xanh, sản xuất sạch.

Sản xuất và tiêu dùng bền vững vừa là mục tiêu mang tính nhân văn, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, vừa là công cụ cạnh tranh để mở rộng thị trường trong nước, sẵn sàng vượt qua những ranh giới khắc nghiệt của thị trường, khi kinh tế thế giới ngày càng phụ thuộc vào các yếu tố địa chính trị, ngày càng trở nên khó đoán định.

Nguyễn Ngọc Thăng