Tôi sinh ra và lớn lên ở đất Quảng Bá. Tuổi thơ trong tôi là đứa trẻ chỉ mong chờ đến Tết. Không phải chỉ để nhận tiền mừng tuổi, để được ngồi canh bánh chưng đêm giao thừa, mà còn vì cái không khí nhộn nhịp của Tết ở Quảng Bá.
Tôi từng bắt gặp nhiều câu chuyện, của nhiều mảnh đời ở đây. Đôi vợ chồng trẻ háo hức với cây mai trắng đón cái Tết đầu tiên bên nhau. Anh công nhân ngành điện tranh thủ chọn mua cây quất về tặng vợ trước khi quay lại ca trực xuyên Giao thừa. Chị bán hàng mong chờ người khách nào đến lựa cành đào cuối cùng để kịp chuyến xe về quê ăn Tết. Bác gái lớn tuổi bồi hồi ngắm cây quất thế cao lớn, “ông nhà tôi thời còn sống là thích cái món này lắm”.
Với tôi, Tết ở Quảng Bá khác với nhiều chỗ khác ở Hà Nội. Tết ở Quảng Bá đến sớm hơn, tràn ngập những màu sắc của mùa xuân, và nườm nượp những chuyến xe chở các sắc xuân ấy về tổ ấm của biết bao người.
Xe máy thì chất 1-2 cành, ô tô bán tải, nóc xe to thì chất không biết là bao nhiêu hoa Tết, cao quá đầu người, thêm cả cây cảnh có chậu. Nghe bảo, buộc cây là cũng phải có kỹ thuật điệu nghệ lắm, không là đi đường Hà Nội đông đúc lại hỏng như chơi.
Tôi ấn tượng mãi với một bác tài xế chạy xe ôm cho Grab vẫn cần mẫn chạy từng cuốc “chở xuân” đi khắp thành phố. Bác không mặc áo đồng phục, cũng không đội mũ đồng phục.
“Sao bác không mặc đồng phục, người ta phạt đấy!”
“Đêm qua chạy cố một chuyến mà mưa to quá, đồ của tôi ướt hết rồi cô ạ”, bác cười nhẹ khi tôi hỏi bác chạy đến bao giờ nghỉ Tết, bảo ngày nào cũng vui như Tết, nên không cần nghỉ. Rồi bác lên xe chở cành đào đi đầy hứng khởi, hạnh phúc vì mình đang mang sắc Tết đến cho một ai đó.
Năm nay hay năm xưa thì cũng vậy, Quảng Bá của tôi vẫn chứng kiến bao chuyến xe mang sắc xuân đi khắp Hà Nội. Không khí Tết hiện diện trên từng yên xe máy, từng nóc xe, thùng xe ô tô, và rồi len lỏi trong từng ngõ ngách phố phường Hà Nội lúc nào không ai hay...
Quảng Bá, sáng 27 Tết Canh Tý 2020.