Lớn tiếng ở nơi công cộng: Người Nhật có xu hướng sử dụng điện thoại di động của họ một cách kín đáo. Họ giữ cuộc nói chuyện qua điện thoại ngắn gọn và im lặng nhất có thể khi ở nơi công cộng. Nếu bạn phải sử dụng điện thoại ở khu vực công cộng, hãy di chuyển đến một nơi yên tĩnh, ít người để nói chuyện vì người Nhật không thích bị làm phiền.
Lưu ý về cách dùng đũa: Người Nhật có những quy tắc khắt khe khi sử dụng đũa trong bữa ăn mà bạn cần lưu ý. Cắm đũa dọc bát cơm được coi là biểu tượng cho tang lễ, đây là điều cấm kỵ trong bữa ăn. Ngoài ra, bạn nên sử dụng giá đỡ đũa, tránh việc dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác, việc cọ xát đũa được coi là hành động thô lỗ.
Không trộn nước tương với cơm: Tại xứ Phù Tang, nước tương thường được đặt riêng trong bát nhỏ và không trộn cùng cơm hay các món ăn khác. Nước tương có thể được trộn cùng mù tạt hoặc gừng hồng, dùng làm gia vị chấm các món ăn.
Không để lại tiền tip: Tại các nước phương Tây, để lại tiền tip là hành động lịch sự còn ở Nhật thì ngược lại. Thậm chí những người phục vụ ở nước này còn coi đó là sự xúc phạm. Mọi dịch vụ đều được tính trong hóa đơn của bạn. Vì vậy, nếu bạn để lại tiền thừa, nhân viên nhà hàng sẽ chạy theo trả lại.
Văn hóa xếp hàng: Xếp hàng được xem là nét văn hóa đẹp của Nhật Bản. Tại các thành phố lớn, đông đúc ở xứ Phù Tang không hề có cảnh tượng nháo nhác, chen chúc, thay vào đó là hàng dài người kiên nhẫn xếp hàng chờ lên tàu, mua đồ, vào thang máy...
Không ăn khi đang di chuyển: Tại một số nước phương Tây, việc vừa đi đường vừa uống cà phê hay cắn miếng hamburger là hình ảnh quen thuộc. Tuy nhiên, việc vừa ăn vừa đi đường là hành động kém lịch sự khi bạn ở Nhật. Người Nhật có thói quen dùng đồ ăn ngay tại địa điểm mua hàng.
Nhận đồ bằng 2 tay: Người Nhật rất coi trọng lễ nghi. Việc nhận đồ bằng cả 2 tay thể hiện sự lịch sự, tôn trọng người đối diện trong giao tiếp. Bất kỳ ai đưa đồ vật cho bạn, dù là món đồ nhỏ nhất như hóa đơn hay danh thiếp, đừng quên nhận lại bằng 2 tay và bày tỏ sự cảm ơn.
Cởi dép khi vào nhà: Khi ghé thăm nhà một người Nhật, trước khi bước vào trong, bạn phải cởi bỏ giày, dép. Người bản địa cho rằng mang giày, dép đi đường vào trong nhà là đem theo sự ô uế, tạp nham. Tại các đền, chùa, bệnh viện, trường học, khách sạn... bạn cũng sẽ thấy tấm biển yêu cầu cởi bỏ giày dép khi vào trong.