Những không gian mới
Ngày 9/10/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương ra thông báo về Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong đó, nói về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Chấp hành Trung ương nhận định: “Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài”.
“Chiến lược, cơ bản và lâu dài” vì Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) là căn cứ pháp lý, công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển cho đất nước. QHTTQG cũng là căn cứ để lập quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương và quy hoạch ngành.
Bộ Công Thương được giao tổ chức lập 5 quy hoạch ngành. Đến nay, Bộ đã tổ chức lập 4 quy hoạch, gồm: Quy hoạch năng lượng quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực (thường gọi là Quy hoạch điện 8); Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản và Quy hoạch hạ tầng dự trữ xăng dầu, khí đốt. Còn Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng phóng xạ chưa được triển khai vì đang chờ kết quả đánh giá tiềm năng tài nguyên Urani do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện.
4 quy hoạch về Năng lượng, Điện lực, Khai thác khoáng sản và Hạ tầng dự trữ xăng dầu hiện đã đủ điều kiện trình Chính phủ phê duyệt, đều mở ra một không gian phát triển mới, có những đề xuất cơ chế được đánh giá là chưa từng có từ trước đến nay.
Điển hình trong dự thảo Quy hoạch điện 8 đã đề xuất cơ chế đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện, tách bạch với độc quyền nhà nước về truyền tải điện. Trước nay, quy định về đầu tư truyền tải do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia chịu trách nhiệm.
Với cơ chế mới theo Quy hoạch điện 8, chúng ta sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho phép các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hạ tầng truyền tải đối với các dự án nguồn điện, cụm nguồn điện. Chỉ với hệ thống truyền tải điện quốc gia, đóng vai trò đặc biệt quan trọng quyết định trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, nhà nước mới độc quyền trong đầu tư và quản lý vận hành
Tương tự như vậy, dự thảo Quy hoạch năng lượng quốc gia đề xuất một loạt cơ chế mới mang tính đột phá mạnh mẽ. Cụ thể: “Hoàn thiện khung pháp lý, khuyến khích và đẩy mạnh triển khai mô hình các công ty dịch vụ năng lượng”; “tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực năng lượng”; “có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư dự án năng lượng ở nước ngoài, trước hết là với các dự án nguồn điện tại một số nước láng giềng để chủ động nhập khẩu điện về Việt Nam”…
Trong dự thảo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia, tại cuộc họp ngày 30/3/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá “Bộ Công Thương đã triển khai các bước lập Quy hoạch hết sức kịp thời, bài bản, khoa học”. Trong đó đề xuất: Xoá bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý trong sử dụng cơ sở vật chất và dịch vụ hạ tầng năng lượng; thực hiện xã hội hoá tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh; công khai quy hoạch, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, khuyến khích các thành phần tham gia đầu tư vào hạ tầng dự trữ xăng dầu, khí đốt quốc gia.
Đối với dự thảo Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản, ban soạn thảo đã phân loại cụ thể các nguồn vốn, gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn quốc tế, vốn tư nhân dành cho từng lĩnh vực. Cụ thể, vốn từ ngân sách nhà nước chỉ dành cho hoạt động điều tra tài nguyên, xây dựng dữ liệu về khoáng sản, hoặc nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới. Trong khi nguồn vốn của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế dành cho khai thác, chế biến, đầu tư công nghệ mới…
Điểm qua 4 dự thảo quy hoạch các phân ngành năng lượng cho thấy, đã hình thành những không gian phát triển mới. Đó là không gian dành cho các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào hạ tầng truyền tải điện quốc gia, hệ thống kho dự trữ xăng dầu, khí đốt, thành lập các công ty dịch vụ năng lượng…
Một không gian mới khác là dự thảo quy hoạch các phân ngành năng lượng đã tạo dựng mối kết ngành, liên kết vùng; thiết kế đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng tổng thể các ngành năng lượng trong nước với khu vực và quốc tế, được tổ chức khoa học, thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của từng vùng, từng địa phương, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của toàn nền kinh tế.
Hướng tới năng lượng “xanh”
4 dự thảo quy hoạch các phân ngành năng lượng nói trên đều đáp ứng yêu cầu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, bảo vệ môi trường sinh thái.
Điểm nổi bật của các dự thảo quy hoạch này là tuân thủ nghiêm ngặt các văn bản pháp quy về bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tiêu biểu như: Chương trình nghị sự 2030 của Việt Nam vì sự phát triển bền vững, được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tại kỳ họp lần thứ 70; Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí khậu; Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Việc tuân thủ được thực hiện đồng thời trên cả 5 nội dung.
Thứ nhất, ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đầy chuyển đổi số, từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất phần lớn các thiết bị năng lương.
Thứ hai, áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường kiểm toán năng lượng; đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.
Thứ ba, hoàn thiện các công cụ tài chính đối với các loại phát thải trong sản xuất năng lượng. Đó là các công cụ thuế và phí đối với phát thải trong sản xuất năng lượng nhằm tạo điều kiện cho các loại hình sản xuất năng lượng sạch như khí thiên nhiên, LNG, hydrogen… có thể cạnh tranh được trên thị trường.
Thứ tư, điều chỉnh cơ cấu nguồn điện. Cụ thể, giảm tỷ lệ nhiệt điện than, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo.
Thứ năm, cân đối cung - cầu các vùng miền tối ưu, hợp lý để giảm khối lượng đầu tư, chi phí cho xây dựng lưới điện truyền tải, giảm tổn thất điện năng và có giá điện hợp lý nhất.
Những không gian mới dành cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, cùng với việc phát triển năng lượng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được xem là những điểm nhấn nổi bật trong 4 dự thảo quy hoạch các phân ngành năng lượng.