Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và ông Nicholai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam đồng chủ trì cuộc họp.
Cùng tham dự cuộc họp, về phía Bộ Công Thương có lãnh đạo các đơn vị tham gia thực hiện Chương trình DEPP3 bao gồm Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Cục Điều tiết điện lực. Về phía Đan Mạch có đại diện lãnh đạo Cục Năng lượng Đan Mạch, các đại diện nhóm chuyên môn của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam. Cuộc họp nhằm báo cáo, đánh giá kết quả đạt được năm 2022; cho ý kiến, thông qua Kế hoạch hoạt động năm 2023 và thảo luận một số nội dung liên quan để triển khai Chương trình DEPP3.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cảm ơn sự ủng hộ tích cực và hợp tác chặt chẽ của Chính phủ Đan Mạch, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch và cá nhân ngài Đại sứ trong thời gian qua đã góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác giữa hai nước và thúc đẩy cho sự phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam.
Nhiều kết quả tích cực trong hợp tác năng lượng
Chương trình DEPP3 được triển khai chính thức từ tháng 10/2021, bao gồm 3 hợp phần, gồm hợp phần 1: Nâng cao năng lực về Quy hoạch ngành năng lượng dài hạn; hợp phần 2: Nâng cao năng lực tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện; hợp phần 3: Phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp.
Báo cáo tiến độ thực hiện các hợp phần trong năm 2022, đại diện Quản lý dự án quốc gia, Cục Năng lượng Đan Mạch cho biết, ở hợp phần 1: Nâng cao năng lực về Quy hoạch ngành năng lượng dài hạn do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, Chương trình đã hoàn thành và công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng 2021 theo kế hoạch; triển khai các hoạt động chuẩn bị để xây dựng Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2023; tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về điện gió ngoài khơi vào tháng 9/2022; Tổ chức hội nghị bàn tròn về điện gió ngoài khơi vào tháng 11/2022...
Ở hợp phần 2: Nâng cao năng lực tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện do Cục Điều tiết điện lực chủ trì, Chương trình đã xây dựng dự thảo đề xuất về yêu cầu kết nối lưới điện đối với hệ thống lưu trữ năng lượng: bổ sung các yêu cầu phù hợp và nâng cao năng lực về phương pháp luận xây dựng các quy định nhằm đáp ứng nhu cầu của hệ thống điện; tổ chức các cuộc họp chia sẻ kinh nghiệm chuyên gia về các chủ đề: thị trường điện Bắc Âu, các bên liên quan chịu trách nhiệm về cân bằng hệ thống điện, mức độ linh hoạt vận hành nhà máy nhiệt điện; nghiên cứu, đề xuất các biện pháp khuyến khích cho thị trường điện Việt Nam nhằm thúc đẩy vận hành linh hoạt các nhà máy điện. Đồng thời tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm của Đan Mạch về công tác dự báo và quản lý dữ liệu trong vận hành hệ thống điện tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo; kinh nghiệm về lập kế hoạch cắt điện và các công cụ vận hành hệ thống điện...
Ở hợp phần 3: Phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững chủ trì, Chương trình đã tổ chức các đoàn công tác bao gồm chuyên gia, tư vấn trong nước và quốc tế đến làm việc với 04 doanh nghiệp ngành chế biến gỗ để tìm hiểu về các hệ thống tiêu thụ năng lượng trong nhà máy và các công nghệ được áp dụng trong ngành; tổ chức tham qua, học tập về các chính sách của Đan Mạch và các biện pháp cải thiện tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng; xây dựng dự thảo thiết kế Chương trình thỏa thuận tự nguyện (gọi tắt là Chương trình VAS) nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam và kế hoạch triển khai Chương trình này...
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình
Về Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Chương trình DEPP3, đại diện các đơn vị tham gia thực hiện các hợp phần đã trình bày những nội dung cụ thể, chi tiết.
Theo đó, các hoạt động chính được đề xuất triển khai trong năm 2023 bao gồm: Xây dựng, hoàn thành và công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2023; xây dựng các Cẩm nang Công nghệ về lưu trữ điện năng, chuyển đổi điện năng sang năng lượng X và điện hạt nhân Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm của Đan Mạch, nâng cao năng lực cho cán bộ về các tiêu chuẩn và chứng nhận cho các dự án điện gió ngoài khơi; xây dựng đề xuất sơ bộ về định mức tiêu hao năng lượng cho một ngành mới (ngành chế biến gỗ); xây dựng khung pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoàn thiện dự thảo cuối cùng cho chương Công nghệ lò hơi trong Cẩm nang công nghệ tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp…
Sau khi thảo luận, Ban chỉ đạo đã thống nhất phê duyệt Kế hoạch năm 2023. Cuộc họp cũng lắng nghe, góp ý và thống nhất phê duyệt Dự thảo thiết kế Chương trình VAS. Đồng thời thảo luận các vấn đề liên quan đến điện gió ngoài khơi; lưu trữ năng lượng; bổ sung nguồn tài chính cho hoạt động của chương trình trong thời gian tới cũng như các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz đánh giá cao những kết quả đạt được của Chương trình DEPP3 trong năm 2022. Tuy nhiên, Đại sứ cho rằng tiến độ một số nội dung công việc còn chậm so với kế hoạch đã đề ra, các đơn vị thực hiện cần phải cố gắng để cải thiện những nội dung này.
Đồng quan điểm với Đại sứ Nicolai Prytz, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhận định: Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian đầu triển khai Chương trình, với sự nỗ lực của các đơn vị liên quan của Việt Nam và Đan Mạch trong việc phối hợp triển khai các hoạt động, Chương trình đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan phải đẩy nhanh tiến độ trong triển khai thực hiện Chương trình, trong đó có việc đảm bảo thực hiện Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2023 để hoàn thành đúng thời hạn vào cuối năm 2023.
Các đơn vị cũng cần có giải pháp tăng cường nhân lực tham gia thực hiện Chương trình, nâng cao chất lượng công việc của đơn vị tư vấn; đánh giá để có ý kiến đề xuất giải quyết vấn đề bổ sung nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động của Chương trình trong thời gian tới; phối hợp và phản hồi các nội dung công việc nhanh hơn để đạt được nhiều kết quả tốt hơn trong năm 2023…
Chương trình hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020-2025 (gọi tắt là Chương trình DEPP3) do Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản, chủ dự án là Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. Chương trình có tổng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 60,29 triệu Krone Đan Mạch (tương đương 8,96 triệu USD) và vốn đối ứng trong nước là 7,593 tỷ đồng (tương đương gần 326,514 ngàn USD).
Chương trình DEPP3 được xây dựng trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Đối tác Năng lượng của Đan Mạch với 04 quốc gia Việt Nam, Trung Quốc, Nam Phi và Mêhicô nhằm hỗ trợ các quốc gia thực hiện cam kết đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) về giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris.
Chương trình DEPP3 được thiết kế nhằm tiếp tục phát huy các kết quả hợp tác đạt được giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng giai đoạn trước thông qua “Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2017 - 2020” (Chương trình DEPP2), được triển khai thực hiện từ tháng 12/2017 đến hết tháng 10/2020.
Kết quả thực hiện Chương trình DEPP2 được đánh giá là rất có giá trị, đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nâng cao tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo tích hợp vào hệ thống điện, đào tạo nâng cao năng lực kèm các công cụ cho các cơ quan quản lý và các bên liên quan của Việt Nam nhằm thực thi đồng bộ từ khâu lập quy hoạch cho đến vận hành thời gian thực hệ thống điện với tỷ lệ cao nguồn năng lượng tái tạo và tăng cường thực thi quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình DEPP3 là hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển carbon thấp cho ngành năng lượng phù hợp với cam kết NDC, nâng cao mục tiêu NDC và tăng cường các giải pháp liên quan vào năm 2025.