Hiện Washington đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu khí của Venezuela, một động thái có thể "khóa" dòng dầu xuất khẩu lên tới 740.000 thùng dầu/ngày vào thị trường Mỹ.
Trong khi đó, các nhà lọc dầu châu Á sẽ rất “hoan nghênh” loại dầu nặng của Venezuela giữa bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) chủ yếu cắt giảm sản lượng loại dầu này.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ, hai nhà nhập khẩu dầu lớn của Venezuela, sau Mỹ, sẽ có cơ hội gia tăng nhập khẩu, khi các nhà máy lọc dầu ở Bắc Á thúc đẩy sử dụng nguồn cung dầu từ quốc gia châu Mỹ này.
Trong quý I/2017, Venezuela đã xuất cho các công ty Trung Quốc khoảng 485.000 thùng/ngày (dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ), để thanh toán các khoản vay kể từ năm 2007. Các công ty dầu khí của Nga là Rosneft và Lukoil cũng nhận được khoảng 250.000 thùng dầu/ngày, để trừ nợ. Theo một nguồn tin, Rosneft có thể chuyển dầu của Venezuela cho nhà máy lọc dầu Essar Oil tại Ấn Độ.
Venezuela là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Hoạt động xuất khẩu “vàng đen” mang lại 96% nguồn thu ngoại tệ và chiếm khoảng 50% tổng thu nhập của chính phủ nước này.
Ngày 9/8 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã quyết định mở rộng lệnh trừng phạt kinh tế chống Venezuela, theo đó có thêm 8 quan chức chính phủ quốc gia Nam Mỹ này bị phong tỏa tài sản tại Mỹ. Sau cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến hôm 30/7, Mỹ đã liệt Tổng thống Venezuela vào “danh sách đen” những người bị Nhà Trắng trừng phạt, bao gồm cả việc cấm nhập cảnh vào Mỹ, cấm các công ty nước này làm ăn với những người có tên trong danh sách. Trước đó, ngày 26/7, Mỹ cũng đã ra lệnh trừng phạt 13 quan chức khác của Venezuela. Chính quyền Caracas đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ các lệnh trừng phạt này.
Những tác động đến châu Á nếu Mỹ trừng phạt ngành dầu mỏ của Venezuela
TCCT
Theo các nhà phân tích, châu Á sẽ trở thành khu vực được hưởng lợi lớn nhất nếu Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Venezuela (Vê-nê-xu-ê-la).