Cấp tập đổ bộ
Trong vòng 3 - 4 năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh nhượng quyền thương hiệu đi vào giai đoạn nhộn nhịp ở nước ta. Nhưng phải đến năm 2016 này, nhượng quyền thương hiệu, đặc biệt là nhượng quyền thương hiệu trong lĩnh vực F&B sôi động đến độ “bất thường”.
Nếu những năm trước, mỗi năm có một vài thương hiệu F&B mời chào nhượng quyền tại nước ta như chuỗi nhà hàng Golden Gate, Subway, Lotteria, The Coffee Bean hay Starbucks, Pizza Hut… Đến 2016 đã biến thành một làn sóng mạnh mẽ. Đầu năm là chuỗi cửa hàng Munch của Singapore chuyên cung cấp các sản phẩm salat, sandwich và các đồ uống, món ăn nhẹ giới thiệu cơ hội nhượng quyền cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tiếp theo là hàng loạt các đại gia nổi tiếng trên thế giới đổ bộ vào như The Tilted Kilt thuộc top 500 doanh nghiệp lớn nhất Hoa Kỳ, mời chào đối tác nhượng quyền nước ta đang hoạt động trong lĩnh vực F&B, có kinh nghiệm quản lý nhà hàng, quầy bar; số vốn nhượng quyền 5 triệu USD.
Tập đoàn Denny’s nổi danh với chiến thuật “bầy sói” có 2.100 nhà hàng trên toàn thế giới, phục vụ 26 triệu khách hàng mỗi tháng, doanh thu mỗi năm 2,5 tỷ USD, chỉ mời chào những đối tác hạng sao (phải là tập đoàn thực phẩm lớn mạnh, có kinh nghiệm bán lẻ trong nhà hàng, khách sạn, lợi nhuận ròng tối thiểu 5 triệu USD/năm).
Tập đoàn Donut King đã có mặt ở nước ta lâu năm, với chuỗi nhà hàng cà phê và bánh donut nhưng đến tháng 4 vừa qua mới rao mời nhượng quyền thương hiệu, điều kiện dành cho đối tác cũng “dễ chịu” hơn: có đủ năng lực tài chính, vốn chuyển nhượng tối thiểu 2 triệu USD.
V.v và v.v… Trong số các đại gia nói trên, có đủ thành phần từ các thị trường trong khu vực như Singgapore, Hong Kong, Philipines, đến các nước xa xôi từ khu vực Bắc Mỹ, châu Úc, châu Mỹ la tinh, châu Âu, khu vực Bắc Á đến các nước vùng Caribe, vùng Địa Trung Hải.
Liệt kê một cách dài dòng như vậy để nói rằng, vượt qua khoảng cách địa lý và khẩu vị thuộc các vùng miền khác nhau, sự hội tụ các thương hiệu ẩm thực hầu khắp trên thế giới cho thấy, nhượng quyền thương hiệu F&B đã bước vào giai đoạn sôi động nhất tại Việt Nam.
Vì sao là F&B?
Nhìn lại lịch sử trong 9 năm qua, Việt Nam đã đón nhận 144 thương hiệu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đến đăng ký nhượng quyền thương hiệu. Trong đó, lĩnh vực F&B gồm thức ăn nhanh, bánh, cà phê, đồ uống, nhà hàng, lẩu nướng chiếm tới 43,7% số thương vụ nhượng quyền. Tại sao lại là F&B?
Theo lý giải của các chuyên gia ẩm thực, Việt Nam là thị trường đông dân, đứng thứ 13 trên thế giới, đang ở thời kỳ dân số vàng, tức là số người trong độ tuổi lao động cao hơn số người phụ thuộc, kéo dài đến năm. Điều đó đồng nghĩa với cơ cấu dân số đa số là “trẻ”, dễ dàng vượt qua khẩu vị truyền thống để đón nhận sản phẩm mới hơn so với nhiều quốc gia khác; và do đó tỷ lệ thành công trong nhượng quyền F&B ở Việt Nam khá cao, hấp dẫn nhiều thương hiệu có tiếng khắp nơi trên thế giới đổ về tìm kiếm cơ hội.
Một lý do khác nữa là thời gian gần đây, thông tin không mấy tốt đẹp về vệ sinh an toàn thực phẩm đã mở ra cơ hội lớn cho các tập đoàn thực phẩm lớn trên thế giới, có kinh nghiệm quản trị về chuỗi nuôi trồng, thu hoạch, chế biến thực phẩm sạch, nguồn gốc tự nhiên. Vì thế, 2 thương hiệu lớn nhất nhì thế giới là Mc Donald và Subway mới “cả gan” đặt kế hoạch chuyển nhượng 50 - 60 cửa hàng trong năm nay.
Cuối cùng, cũng phải nói tới yếu tố… địa hình nước ta. Với chiều dài gấp hàng chục lần chiều rộng, nước ta có dải khí hậu được coi là rộng, rất khác nhau từ Bắc vào Nam. Nhờ đó, sản vật mang tính đặc trưng của vùng miền hết sức đa dạng. Chủ nhân của các thương hiệu chuyển nhượng chẳng phải lo nhiều đến việc nhập khẩu thực phẩm vào Việt Nam.
Một thí dụ điển hình là Loteria, các nguyên liệu đầu vào phần lớn đều của Việt Nam như thịt gà ở Đồng Nai, gạo đặc sản tại Cần Thơ, rau củ từ Đà Lạt, tôm từ Cà Mau… Cái họ mang đến chủ yếu là công nghệ chế biến và phương thức quản trị.
Theo con số thống kê của AC. Nielsen, tốc độ tăng trưởng chuyển nhượng thương hiệu F&B của Việt Nam trong 4 năm qua cao nhất khu vực Đông Nam Á với 25%/năm và là kênh đầu tư sôi động nhất trên thị trường bán lẻ Việt Nam.