Quảng bá sâu rộng tiềm năng, lợi thế địa phương
Hội nghị được tổ chức nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; giới thiệu, quảng bá hình ảnh của Tỉnh, các tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi, định hướng phát triển của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thông qua đó để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh; đồng thời nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các tổ chức, cá nhân có liên quan để tổ chức thực hiện và giám sát quá trình thực hiện Quy hoạch tỉnh.
Hội nghị cũng trao Chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; trao Biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư dự án giữa UBND tỉnh và các nhà đầu tư (Các dự án trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định Chủ trương đầu tư đồng thời Chấp thuận nhà đầu tư, các dự án trao Biên bản Ghi nhớ là những dự án nằm trong 5 nhóm ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh có quy mô lớn, tạo động lực phát triển bền vững cho tỉnh).
Bên lề hội nghị sẽ diễn ra chuỗi sự kiện quan trọng gồm: Lễ Khánh thành tuyến Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Hội thảo về Năng lượng xanh, Hydro xanh và Khu công nghiệp trung hòa Carbon; Gian hàng xúc tiến đầu tư kết hợp trưng bày sản phẩm đặc trưng của tỉnh Ninh Thuận.
Dự kiến sẽ có 500 đại biểu tham dự hội nghị gồm đại diện Chính phủ; Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; các Bộ ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, hiệp hội…
Kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng
Quyết định số 1319/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chỉ rõ, Quy hoạch tỉnh phải phù hợp với các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước giai đoạn 2021 - 2030, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030.
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển, kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng; phát triển trọng tâm tại khu vực phía Nam tỉnh tạo tiền đề cơ sở hình thành khu kinh tế ven biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu đặc biệt là nguồn tài nguyên nước cần được đảm bảo nhu cầu sử dụng, điều hòa, phân phối hợp lý đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Thuận trở thành tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển mạnh về kinh tế biển, với khu kinh tế ven biển hiện đại, kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của tỉnh, chiếm trên 55% tổng sản phẩm nội tỉnh, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 65%; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, rừng được bảo tồn và phát huy…
Quy hoạch đã xác định các vùng động lực phát triển của Ninh Thuận. Theo đó, 4 vùng lãnh thổ của Ninh Thuận gồm: vùng trung tâm (TP Phan Rang - Tháp Chàm và phụ cận); phía Bắc (huyện Thuận Bắc, Ninh Hải); phía Tây (huyện Ninh Sơn, Bác Ái) và phía Nam (huyện Ninh Phước, Thuận Nam).
3 vùng động lực phát triển gồm: Vùng đô thị động lực Phan Rang - Tháp Chàm bao gồm thành phố này và các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước. Đây là vùng phát triển tổng hợp đa ngành với đô thị Phan Rang - Tháp Chàm là trung tâm.
Những đô thị vệ tinh phụ trợ có chức năng riêng biệt như: Lợi Hải - công nghiệp; Thanh Hải - du lịch; Phước Dân - thương mại dịch vụ, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 2 huyện Thuận Nam và Ninh Phước, là vùng phát triển công nghiệp - cảng biển - năng lượng, thương mại dịch vụ và du lịch.
Trong đó, đô thị Phước Nam là trung tâm vùng, các đô thị phụ trợ với chức năng riêng biệt như: Cà Ná - công nghiệp, cảng biển; Sơn Hải - du lịch - dịch vụ.
Vùng phát triển phía Tây bao gồm 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái, là vùng phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng, du lịch.
Trong đó, trung tâm vùng phát triển phía Tây là đô thị Tân Sơn, các đô thị phụ trợ với chức năng riêng biệt gồm: Lâm Sơn - thương mại dịch vụ và năng lượng; Phước Đại - thương mại dịch vụ, đào tạo và điều phối năng lượng.
3 hành lang kinh tế gồm: Hành lang phát triển đa dạng bám dọc theo quốc lộ 1, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Đây là hành lang có tiềm năng phát triển quan trọng và đa dạng nhất, kết nối hệ thống đô thị, công nghiệp, cảng biển của Ninh Thuận.
Hành lang phát triển sinh thái bám dọc theo trục Đông - Tây, quốc lộ 27, 27B và dọc sông Dinh, Vườn quốc gia Phước Bình; nhằm kết nối phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các cụm công nghiệp phụ trợ, năng lượng...
Hành lang phát triển ven biển bám dọc theo tuyến đường ven biển từ Bắc đến Nam và khu vực vùng bờ. Đây là khu vực có mật độ thấp, phát triển du lịch là chủ đạo gắn với khu dự trữ sinh quyển thế giới Vườn quốc gia Núi Chúa.