Nối bước truyền thống cha ông, tiếp tục viết nên những trang sử mới

Xã Phú Yên nằm ở phía nam của huyện Phú Xuyên, với diện tích tự nhiên 411,19 ha, đất nông nghiệp 281 ha, dân số là 4.760 người, trong đó số ở độ tuổi lao động là 2.875 người. Đường vào xã Phú Yên nằ

Lịch sử của nghề Da-Giầy.

     Theo những người có thâm niên trong nghề giầy kể lại thì trước thế kỷ XVI, nghề Da-Giầy ở nước ta chưa phát triển, thường chỉ làm những loại dép thô sơ, đơn giản, còn những loại giầy dép tinh xảo đều phải mua từ Trung Quốc đưa sang với giá rất đắt, mà chỉ xuất hiện ở những thành phố lớn...

     Vào năm 1565, đời vua Mạc Mậu Hợp, có ông Nguyễn Thời Trung người làng Phương Lâm huyện Tứ Kỳ (nay là xã Hoàng Diên, huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Dương) thi đỗ tiến sỹ. Nguyễn Thời Trung được làm Chánh sứ sang Trung Quốc, khi đi ngang qua tỉnh Hàng Châu, thấy nghề thuộc da đóng giầy ở đây rất tinh xảo, ông tìm cách học lỏm ở cửa hiệu nhà họ Hứa. Khi trở về nước, ông đã ghi chép lại thành sách, đồng thời mua da sống về thuộc và làm được nhiều loại da có màu sắc khác nhau. Ông đã làm thử giầy dép mỗi loại vài đôi. Sau đó, ông nhận thấy rằng, kết quả không thua kém gì giầy dép Trung Quốc nên đã dâng lên vua và xin phép được truyền dạy cho dân nhằm mở mang một công nghệ mới “nghề Da-Giầy”.

     Ông được vua cho về quê cũ để truyền dạy cho nhân dân ba làng Phong Lâm, Vân Lâm, Trúc Lâm (tên cũ gọi là ba làng Trắm). Công nghệ thuộc da và làm giầy dép dần dần phát triển sang làng Nghĩa Hy. Khi ông tạ thế, để đền đáp công ơn của ông, bốn làng đã lập đền thờ và suy tôn ông là ông tổ của nghề da giầy được truyền lại cho đến ngày nay

     Trước năm 1883, ở nước ta chỉ có giầy Gia Định và giầy An Nam, một loại giầy mũi kín đến nửa bàn chân, đế thấp như dép lê. Những loại giầy này ngày xưa chỉ có chánh tổng, lý trưởng mới đủ tiền mua, mà chỉ dám đi trong những ngày hội hè đình đám. Đến năm 1883, một số loại giầy ở các nước phương tây xuất hiện ở nước ta, giầy dép mới được làm hoàn chỉnh như bây giờ và phát triển theo hai khuynh hướng cho phù hợp, đó là giầy mùa đông và dép mùa hè.

     100 năm một làng nghề.

     Xã Phú Yên được thiên nhiên ưu đãi cho “nhất cận thị, nhị cận giang, ba cận đàng”, nhờ đó mà nhân dân sớm được giao lưu tiếp xúc với nhiều nghề thủ công. Vào khoảng năm 1918 ở thôn Giẽ Hạ, có cụ Nguyễn Lương Nghé tức Hai Nghé đã quyết định ly hương đến vùng Thăng Long đô hội để tìm “hương sống mới”. Tại nơi đây, cụ đã bị hút hồn bởi những đôi giầy tây mới mẻ và quyết tâm trở thành thợ giầy, cụ đã xin học làm giầy ở phố Tràng Tiền - Hà Nội. Lúc bấy giờ, để làm hoàn chỉnh một sản phẩm phải mất một thời gian học khá dài và mất nhiều công đoạn mới làm ra được sản phẩm:

     Các công đoạn làm giầy da:

     Da: Mua con da về lọc lấy da (hoặc da nhập khẩu), sau đó thuộc da.

     Mẫu: Người thợ vạch mẫu ra giấy, sau đó đặt lên da vạch theo khuôn vẽ.

     Đế: Đế đúc bằng cao su, mua sẵn ở Tp.Hồ Chí Minh hoặc Đài Loan.

     Gia công mũ giầy: Cắt mũ giầy theo mẫu (làm bằng tay hoặc máy), sau đó dán lại và khâu theo khuôn bằng gỗ, mẫu mã định sẵn.

     Gò  giầy: Mũ giầy sau khi được quấn vào khuôn gỗ, đưa vào đế giầy, ép keo, để khô, sau khi keo đã khô thì khâu lại bằng máy hoặc bằng tay, hoàn thành sản phẩm.

     Sau 3 năm miệt mài, cụ đã trở thành người thợ có tay nghề giỏi được xuất chinh ra nghề, đồng thời cùng người cháu là cụ Nguyễn Lương Mạc xuống Quảng Yên, Quảng Ninh mở cửa hiệu đóng giầy. Do nền kinh tế lúc bấy giờ chưa phát triển, nhu cầu tiêu thụ giầy dép ít, nên sau 3 năm duy trì cửa hiệu, cụ đã nghỉ bán hàng và đi vào Sài Gòn lập nghiệp.

     Năm 1924, cụ Nguyễn Lương Mạc về Hải Phòng mua nhà ở phố Cầu Đất mở hiệu Hài Xưởng Nguyễn Mạc. Từ năm cụ Nguyễn Mạc mở cửa hiệu giầy da Hài Xưởng, buôn bán ngày càng phát đạt do có nhiều mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo, đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Cửa hàng của cụ thường xuyên có từ 30 đến 40 thợ làm việc, người giúp việc chính cho cụ phải có vốn Tây học, giỏi tiếng Pháp để giao dịch với khách ngoại quốc cho thuận tiện hơn. Để quảng cáo cho sản phẩm giầy dép của mình, cụ thuê in các tờ giấy loại nhỏ, giới thiệu mặt hàng mới, cứ vào sáng chủ nhật hàng tuần, cụ cho người đi dọc các phố chính, phân phát cho người qua lại. Sau khi thấy Hài Xưởng đã có uy tín trên thị trường, cụ Nguyễn Mạc đã mở rộng buôn bán, trực tiếp mua da từ Pháp về và xuất hàng cho một số nước trong khu vực. Sau này, ông đã được vinh danh là “ông tổ” của một trong những làng nghề làm ăn phát đạt hàng đầu miền Bắc, làng nghề Da-Giầy Phú Yên. Cũng chính từ đây, đã đào tạo được nhiều thế hệ thợ giầy tài hoa của xã Phú Yên như, cụ Trần Hữu Tiễu, cụ Đỗ Quang Gia, cụ Lê Văn Thịnh... Những người này đã kế thừa và phát huy nghề giầy da đến độ tinh hoa, tiếp tục truyền dạy cho con cháu, sau này phát triển trở thành nghề mũi nhọn của xã Phú Yên.

     Nghề  Giầy-Da, những bước thăm trầm.

     Từ khoảng năm 1930, nhiều lớp thợ giầy của hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ được đào tạo từ hiệu giầy của cụ Nguyễn Mạc đi mở cửa hàng hoặc làm thuê từ ngoài Bắc đến trong Nam, mặc dù thời ấy, tay nghề của những người thợ này rất giỏi, nhưng do nền kinh tế lúc bấy giờ chưa phát triển, nên thu nhập của họ cũng chỉ đủ ăn.

     Năm 1945, sau Cách mạng Tháng 8, nhiều thợ giầy của xã Phú Yên từ khắp nơi lại trở về quê chờ dịp trở lại với nghề. Năm 1947, nhân dân Hà Nội sơ tán về xã Phú Yên rất đông, lập nên phố Cống Thần, tại đây, cụ Nguyễn Văn Xoa, người thôn Thượng Yên đã mở cửa hiệu đóng giầy. Năm 1950, khi giặc Pháp tràn về đóng bốt ở Cầu Giẽ, cụ Xoa và một số người khác chạy tản cư vào Khu Cháy, tiếp tục mở cửa hàng bán giầy để sinh sống.

     Năm 1957, đất nước ta từng bước khôi phục kinh tế, giầy da sản xuất trong nước được xuất khẩu sang một số nước Đông Âu, những người thợ giầy có tay nghề giỏi đi Hà Nội tìm việc làm ở các tổ hợp sản xuất và các hợp tác xã (HTX). Từ năm 1962 đến năm 1963 do biến động của thị trường Đông Âu, giầy da không xuất khẩu được, đời sống của thợ giầy gặp nhiều khó khăn, Nhà nước vận động nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới và vùng nông thôn mới trở về để xây dựng quê hương. Hầu như toàn bộ thợ giầy của xã Phú Yên đều tình nguyện trở về góp sức xây dựng quê hương mình.

     Năm 1965, HTX Giầy - Da của Phú Yên được thành lập, có 18 xã viên, sau này tăng lên 24 người. Ông Nguyễn Văn Dần ở thôn Thượng Yên được bầu làm chủ nhiệm. HTX Giầy - Da Phú Yên được thành lập không những tập hợp được những người thợ có tay nghề trong xã vào làm, kết hợp đào tạo một số thợ trẻ, mà còn thu hút được thợ giầy của xã Vân Từ, xã Minh Đức, thôn Hòa Tranh của huyện Ứng Hòa. HTX Giầy - Da Phú Yên đã duy trì hoạt động được trên 20 năm, sản xuất cho Tổng công ty Giầy da xuất khẩu tại Hà Nội được trên 15 vạn đôi giầy, nhưng do không trụ được trong cơ chế thị trường, nên năm 1988, HTX phải giải thể.

     Lối  đi mới cho nghề Da-Giầy Phú  Yên

     Từ cuối những năm 80, nhờ có đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, nền kinh tế của cả nước nói chung và của Phú Yên nói riêng đã có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao, nhiều nghề thủ công truyền thống được khôi phục và phát triển, những người thợ giầy của xã Phú Yên lại quy tụ về Hà Nội mở cửa hiệu làm giầy dép hoặc nhận hàng làm gia công. Một số thanh niên có nghề mạnh dạn đi các tỉnh Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa tham khảo thị trường, mở cửa hàng bán giầy dép. Những gia đình không có điều kiện đi mở cửa hàng thì lập tổ hợp sản xuất đầu tư tiền mua sắm máy dẫy, máy may công nghiệp làm hàng vừa nhanh, vừa đẹp. Nghề giầy da nhanh chóng phát triển ở 2 thôn Giẽ Thượng, Giẽ Hạ, các thôn Thượng Yên, Thuỷ Phú đã tạo ra nhiều dịch vụ để đáp ứng cho làng nghề như các cửa hàng bán nguyên liệu da giầy, nghề đẽo phoom, bóc đế... tạo nên một xã Phú Yên đa nghề, thu hút được hơn 1.000 lao động từ khắp nơi đổ về.

     Mỗi năm, xã Phú Yên sản xuất được 6 đến 7 triệu đôi giầy, cung cấp cho Hà Nội và nhiều tỉnh khác trên miền Bắc, tương đương với một nhà máy sản xuất da-giầy lớn. Năm 2000, tổng thu nhập TTCN đạt trên 50% so với tổng thu của toàn xã, trong đó, nghề da giầy chiếm 64%. Năm 2002, thu nhập TTCN đạt trên 70%, trong đó thu từ sản xuất kinh doanh dịch vụ giầy da chiếm trên 80%. Cứ thế, nghề giầy da ngày càng phát triển, đến nay đã thu hút được hơn 70% hộ làm nghề giầy, năm 2009, toàn xã sản xuất được khoảng 10 triệu đôi giầy. Yếu tố đầu tiên tạo chỗ đứng cho nghề Da-Giầy Phú Yên trên thị trường là giá cả. So với các chủng loại giầy dép khác thì giầy da ở Phú Yên có giá rẻ bằng 2/3, thậm chí một nửa. Giá cả cạnh tranh được vì làng nghề đã tận dụng được nhiều lợi thế về thời gian, nguồn nhân lực nhàn rỗi ở địa phương, không mất tiền thuê mặt bằng và sử dụng nguyên liệu trong nước... Ngoài ra, làng nghề còn thường xuyên được Hiệp hội Da-Giầy Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn, giúp cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm và tay nghề của người lao động.

     Trong công cuộc phát triển kinh tế thời kỳ đổi mới, xã Phú Yên đã biết phát huy các nghề thủ công truyền thống và chọn nghề Da-Giầy có thế mạnh làm mũi nhọn để nhân rộng ra toàn xã hội. Nghề Da-Giầy xã Phú Yên phát triển đã biến “đồng đất chiêm trũng” của một vùng quê nghèo trở nên trù phú, đưa cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng trở nên khấm khá...

     Với truyền thống của nghề Da-Giầy được đúc kết từ gần một thế kỷ qua và những thành quả to lớn đã đạt được, Phú Yên quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra, góp phần đổi mới quê hương đất nước, đồng thời nối bước truyền thống cha ông, tiếp tục viết nên những trang sử mới về nghề Da-Giầy Phú Yên.

Mời xem tiếp bài Người phục chế những mẫu lụa cổ

http://www.tapchicongnghiep.vn/congnghieponline/khuyencong/2009/10/22629.ttvn