Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng mua bán hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Tuy nhiên, “mặt trái” của nó là những hành vi gian lận, buôn bán hàng giả, hàng nhái đang ngày càng gia tăng phức tạp, tinh vi hơn.
Internet - kênh tiêu thụ chính hàng giả, hàng nhái
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án hình sự đầu tiên đối với hành vi buôn bán thực phẩm chức năng giả do lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) bắt giữ trên không gian mạng.
Trước đó, ngày 6/6/2023 sau thời gian dài theo dõi việc kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội, Đội QLTT số 24, Cục QLTT Hà Nội đã phát hiện dấu hiệu vi phạm tại một địa điểm ở Tòa nhà Time coffee, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức. Tiến hành kiểm tra đột xuất, lực lượng chức năng ghi nhận có 12 nhân viên đang thực hiện đăng bài, chốt đơn và đóng gói hàng hóa.
Các hoạt động kinh doanh được thực hiện chủ yếu trên mạng xã hội với tài khoản “Viên sủi Lady - chính hãng”. Thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến 70 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe LADY hỗ trợ săn chắc vòng ngực (20 viên/hộp) thu được.
Trên nhãn sản phẩm thể hiện Thương nhân chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm: CÔNG TY TNHH SUPHARMCO. Tuy nhiên, có mặt cùng lực lượng chức năng tại thời điểm kiểm tra, đại diện Công ty TNHH SUPHARMCO khẳng định 70 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe LADY trên không phải là sản phẩm của Công ty và Công ty cũng không ủy quyền phân phối sản phẩm trên cho chủ số hàng này.
Cùng thời điểm trên, lực lượng chức năng đã phát hiện 01 thanh niên vận chuyển 01 thùng carton có biểu hiện nghi vấn tại khu đô thị Goldmark City, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Kiểm tra thực tế, hàng hóa trong thùng chứa 30 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe LADY không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Công ty TNHH SUPHARMCO. Người vận chuyển khai, nhận số hàng trên tại địa chỉ Tòa nhà Time coffee để giao cho khách hàng.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng xác định, chủ của toàn bộ lô hàng là ông Lê Văn Hữu và bà Trương Thị Thảo (quản lý kinh doanh hệ thống bán hàng online), thuê địa điểm tại Tòa nhà Time Coffee để kinh doanh online trên mạng xã hội facebook.
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm về buôn bán hàng giả là thực phẩm, Đội QLTT số 24 đã bàn giao hồ sơ vụ việc và hiện trạng hàng hóa tại điểm kinh doanh cho Cơ quan điều tra - Công an quận Bắc Từ Liêm tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định. Ngày 13/6/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Bắc Từ Liêm đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự buôn bán hàng giả là thực phẩm, khởi tố bị can với chủ của toàn bộ lô hàng.
Đây chỉ là một dẫn chứng cụ thể cho tình hình cấp bách, nóng bỏng của “mặt trận” chống hàng giả trên môi trường internet hiện nay ở các địa phương, địa bàn trên cả nước.
Trao đổi tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ” do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 30/6/2023, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương cho biết, sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và nửa đầu năm 2023, tốc độ phát triển của thương mại điện tử ngày càng mạnh mẽ, hoạt động mua bán trên mạng của người dân trở nên rất phổ biến.
Các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) như: Lazada, Shopee, Tiki… thu hút rất nhiều người dân mua hàng thường xuyên; hình thức bán hàng trực tiếp (livestream) trên những mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram và gần đây nhất là Tiktok trở nên phổ biến với không ít sản phẩm là hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng. Các nền tảng mạng xã hội và các sàn giao dịch TMĐT bây giờ được đánh giá là kênh tiêu thụ chính hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
“Internet đang là một mặt trận mới trong công tác chống hàng giả, mặt trận rất nóng bỏng, có lẽ phải đến 80-90% hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay được tiêu thụ, mua bán trên mạng. Đây là một mặt trận rất khó khăn, bởi bắt giữ ở ngoài thực tế đã khó, bắt giữ trên mạng còn khó hơn rất nhiều vì những đặc thù của internet”, ông Linh chia sẻ.
Đồng bộ các hoạt động chống hàng giả trên thương mại điện tử
Khó xác định người bán, người mua ở chỗ nào; việc đặt mua hàng rất dễ dàng; hàng hóa cất trữ tại nhiều địa điểm khác nhau như: kho bãi, nhà dân, kể cả những chung cư cao cấp… là những khó khăn mà lực lượng thực thi như lực lượng QLTT đang gặp phải khi đương đầu với “vấn nạn” kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên internet. Mặc dù lực lượng chức năng đã, đang nỗ lực kiểm tra, kiểm soát tuy nhiên vấn nạn này vẫn diễn ra hết sức phức tạp, tinh vi.
Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT, ngày 29/3/2023 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 319/QĐ-TTg về Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Lực lượng QLTT được giao chủ trì triển khai Đề án này.
Triển khai nhiệm vụ được giao, Tổng cục QLTT - Bộ Công Thương đang khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan như: Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính… để cùng triển khai đồng bộ các hoạt động chống hàng giả trên môi trường TMĐT; từ làm sao để chống thất thu thuế trên TMĐT đến làm thế nào dùng những biện pháp kỹ thuật internet để truy tìm được dấu vết của những người bán hàng trên mạng; kiểm tra các đối tượng bán hàng trên mạng....
“Chúng tôi coi đấy là mặt trận nóng bỏng, rất khó nhưng với nghĩa vụ, trách nhiệm vẫn phải làm. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng khác tập trung vào nội dung này”, Lãnh đạo Tổng cục QLTT cho biết và khẳng định chống hàng giả và hàng giả trên mạng sẽ là ưu tiên số một của lực lượng QLTT từ nay đến năm 2025.