Trong ngày 9/3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021 lên mức 5,6%, tăng mạnh 1,4% so với dự báo hồi tháng 12/2020.
OECD cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện rõ rệt trong bối cảnh việc tiêm chủng mở rộng vaccine ngừa Covid-19 được triển khai tại nhiều nơi trên thế giới cũng như Hoa Kỳ chuẩn bị triển khai gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá 1.900 tỷ USD.
Bên cạnh đó, một số quốc gia cũng công bố các biện pháp hỗ trợ kinh tế bổ sung cùng với việc các nền kinh tế đang đối phó tốt hơn với các tác động từ đại dịch Covid-19. Những điều này đã giúp cải thiện bức tranh kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, OECD nhấn mạnh sự phục hồi kinh tế toàn cầu “phụ thuộc lớn” vào cuộc đua giữa tiêm chủng vaccine với các biến chủng virus Covid-19 mới.
Bà Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của OECD, nhận định sự phục hồi kinh tế toàn cầu lần này sẽ do Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới dẫn dắt, chủ yếu nhờ gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD dự kiến sẽ được công bố trong những ngày tới đây.
Theo dự báo của OECD, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng đến 6,5% trong năm nay, tăng 3,3% so với dự báo trước đó. Sự phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ sẽ đóng góp tới 1% trong dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã được điều chỉnh, theo bà Laurence Boone. Trước đó, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu chủ yếu được hỗ trợ bởi Trung Quốc.
OECD cho biết sản lượng toàn cầu có thể tăng vượt mức trước khi đại dịch xảy ra vào giữa năm nay. Hiện tại, đã có Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận mức sản lượng kinh tế vượt mức trước khi đại dịch xảy ra.
OECD dự báo tăng trưởng kinh tế của Vương quốc Anh sẽ đạt 5,1% trrong năm nay, tăng 0,9% so với dự báo trước đây. Trong khi đó, khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) được dự báo sẽ tăng trưởng 3,9%, tăng 0,3% so với dự báo cũ. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng của Pháp và Italy, hai nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 của khu vực Eurozone, lại bị điều chỉnh giảm do tốc độ phục hồi chậm tại hai quốc gia này.
OECD cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay xuống mức 7,8%, giảm 0,2% so với dự báo trước đây.
Bên cạnh đó, OECD cũng nhấn mạnh ngày càng xuất hiện những dấu hiệu cho thấy sự phân tách phục hồi kinh tế trong bối cảnh một số quốc gia triển khai tiêm chủng nhanh hơn và nhiều nước khác vẫn đang phải áp dụng các biện pháp phong toả để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Ưu tiên chính sách hàng đầu của các quốc gia hiện nay là triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 càng nhanh càng tốt nhằm đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người dân cũng như tăng tốc mở cửa trở lại nền kinh tế.
OECD kêu gọi các quốc gia phát triển tăng cường hỗ trợ các nước thu nhập thấp tiếp cận vaccine ngừa Covid-19. OECD nhấn mạnh các nguồn lực cần thiết để hỗ trợ các nước nghèo hơn tiếp cận vaccine là rất nhỏ so với lợi ích thu được từ việc nền kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh và mạnh mẽ.
Trong bối cảnh nhiều chuyên gia phân tích lo ngại nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với rủi ro lạm phát, OECD nhận định áp lực giá cơ bản vẫn ở mức vừa phải và đang được kiểm soát tốt trên toàn cầu.