Vào lúc 9h30 sáng nay ngày 15/7, giá dầu thô Brent giao tương lai tiếp tục giảm 0,8% còn 74,14 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm còn 72,47 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 14/7, giá dầu thô quốc tế đã giảm mạnh hơn 2,8% sau khi hãng tin Reuters (Anh) cho biết Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Ả-rập Xê-út đã đạt đồng thuận về việc nâng sản lượng khai thác, mở đường cho việc liên minh OPEC+ tăng nguồn cung dầu thô ra thị trường trong thời gian tới. Thông tin này đã khiến giới đầu tư nhanh chóng thực hiện chốt lời, đẩy mạnh bán tháo các hợp đồng kỳ hạn dầu thô trước khi các thông tin chi tiết hơn về thoả thuận giữa UAE và Ả-rập Xê-út được công bố.
Trong hơn 1 tuần qua, giá dầu thô đã dao động trong biên độ rộng khi thị trường lo ngại các bất đồng nghiêm trọng giữa UAE và Ả-rập Xê-út về việc nâng sản lượng khai thác dầu thô có thể khiến liên minh OPEC+ tan vỡ.
Đầu tuần trước, Ả-rập Xê-út đã buộc phải tuyên bố huỷ phiên họp điều hành chính sách khai thác dầu thô tháng 8/2021 của liên minh OPEC+ khi UAE kiên quyết đòi được nâng sản lượng khai thác thay vì tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện nay.
Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga dẫn đầu. Trong đó, UAE là quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ ba trong khối OPEC và là quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn thứ 7 thế giới.
Ông Edward Moya, chuyên gia phân tích tại hãng chứng khoán OANDA (Hoa Kỳ), nhận định sẽ mất một khoảng thời gian để UAE và Ả-rập Xê-út đạt thoả thuận cuối cùng nhưng tình hình hiện tại cho thấy UAE có thể sẽ được nâng sản lượng khai thác trong năm 2022.
“Các dấu hiệu cho thấy liên minh OPEC+ sẽ sớm có kế hoạch nâng sản lượng khai thác và đây là tin tốt khi nhu cầu sử dụng dầu thô đang tăng mạnh và nguồn cung dầu trên thị trường đang ở mức rất thấp”, ông Edward Moya cho biết.
Dữ liệu mới nhất của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước tiếp tục giảm xuống, xác lập tuần giảm thứ 8 liên tiếp. Lượng tồn trữ dầu thô tại Châu Âu và Nhật Bản cũng có xu hướng giảm trong thời gian gần đây.