Chốt phiên giao dịch ngày 13/7, giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) tiếp tục tăng mạnh 3,3% lên 1.225 Nhân dân tệ (189,49 USD)/tấn. Giá quặng sắt giao tháng 8/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Singapore (SICOM) cũng tăng 1,4% lên mức 210,80 USD/tấn.
Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho biết giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt nhập khẩu tại miền Bắc Trung Quốc (giá CFR tại cảng Thanh Đảo) trong phiên giao dịch ngày hôm qua tiếp tục tăng nhẹ 0,3% lên 218,48 USD/tấn.
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh trở lại trong 2 phiên giao dịch gần đây khi các dữ liệu mới nhất cho thấy lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 6 vừa qua ở mức thấp kỷ lục trong khi hoạt động sản xuất thép tại nước này đang tăng trở lại. Đồng thời, các dữ liệu kinh tế mới của Trung Quốc tích cực hơn dự báo của giới phân tích cũng hỗ trợ thị trường hàng hoá, bao gồm cả quặng sắt tăng lên.
Cụ thể, dữ liệu cho thấy lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 6/2021 chỉ đạt 89,42 triệu tấn - mức thấp nhất trong 13 tháng trở lại đây. Con số này giảm tới 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động cung ứng của các hãng khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới ở mức thấp.
Dữ liệu của hãng tư vấn thị trường thép Mysteel (Trung Quốc) cho thấy công suất hoạt động lò cao của 247 nhà máy sản xuất thép trên khắp Trung Quốc tính đến ngày 9/7 đã đạt 86%, cao hơn mức 81% hồi đầu tháng nay. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, lượng quặng sắt được Trung Quốc nhập khẩu đạt 560,7 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu quặng sắt của nước này đã tăng tới 71,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng thép của Trung Quốc đã tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay khi nhu cầu trên thị trường nội địa tăng cao. Điều này kết hợp với các nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng quặng sắt toàn cầu xuất hiện đã đẩy giá quặng sắt trên thị trường quốc tế lên mức cao kỷ lục mọi thời đại.
Cơ quan hải quan Trung Quốc cho biết kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 6 vừa qua đã tăng tới 36,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo tăng 29,5% của giới phân tích. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu của nước này cũng tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức dự báo tăng 23% được đưa ra. Điều này giúp thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 6/2021 đạt 51,5 tỷ USD – mức cao nhất trong 6 tháng trở lại đây.
Giá quặng sắt còn được hỗ trợ bởi thông tin Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng tại nước này kể từ ngày 15/7 nhằm tăng cường nguồn cung tín dụng, kích thích tăng trưởng kinh tế. Một số nhà đầu tư kỳ vọng nhu cầu sử dụng thép sẽ tăng lên khi Trung Quốc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo đà tăng giá của quặng sắt và thép lần này sẽ không kéo dài lâu khi nhu cầu sử dụng quặng sắt tại Trung Quốc sẽ giảm xuống trong nửa cuối năm nay. Trung Quốc dự kiến sẽ đẩy mạnh kiểm soát và cắt giảm sản lượng thép nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong năm nay.
Đồng thời, Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục kiểm soát chặt đà tăng giá của các loại hàng hoá cơ bản, nguyên liệu thô; qua đó, giảm tình trạng đầu cơ giá lên trên thị trường quặng sắt và thép.
Ông Wang Yingsheng, nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc (CISA), cho biết “Tăng trưởng nhu cầu thép của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay sẽ chậm hơn so với nửa đầu năm".
Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết bất lợi đang khiến hoạt động xây dựng tại Trung Quốc diễn ra chậm lại, làm giảm nhu cầu các sản phẩm thép xây dựng. Đồng thời, nhu cầu sử dụng thép cho hoạt động sản xuất công nghiệp cũng được dự báo sẽ giảm xuống do số đơn đặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc đang có dấu hiệu giảm, theo ông Wang Yingsheng.
Ông Rohan Kendall, trưởng ban nghiên cứu thị trường quặng sắt tại hãng tư vấn Wood Mackenzie (Anh), nhấn mạnh “Thị trường đang bước vào nửa cuối năm 2021 và sẽ tập trung theo dõi sự suy giảm tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng quặng sắt của Trung Quốc, đồng thời, nguồn cung quặng sắt từ Brazil sẽ tăng lên”.
Tuy nhiên, tập đoàn tài chính Goldman Sachs lại vừa nâng mạnh dự báo giá quặng sắt trung bình trong nửa cuối năm nay từ mức 117 USD/tấn lên 195 USD/tấn. Goldman Sachs cho biết nhu cầu sử dụng thép của Trung Quốc trong năm nay hiện ở mức cao kỷ lục và điều này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giá quặng sắt tăng vọt. Goldman Sachs cũng cho biết thị trường vẫn chưa xuất hiện các dấu hiệu rõ ràng về tình trạng dư cung quặng sắt cho ít nhất tới năm 2023.