Giá thép Châu Á lập đỉnh 8 tuần, Trung Quốc đẩy mạnh kích thích kinh tế

Chốt phiên giao dịch ngày 12/7, giá thép tại Trung Quốc đã chạm mức cao nhất trong 8 tuần trở lại đây; giá quặng sắt tại khu vực Châu Á cũng phục hồi sau 4 tuần giảm liên tục sau khi Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Giá thép
Diễn biến giá thép thanh xây dựng giao tháng 10/2021 trên sàn SHFE trong 6 tháng gần đây (Đồ hoạ: Barchart.com)

Chốt phiên giao dịch ngày 12/7, giá thép thanh xây dựng trên Sàn giao dịch Tương lai Thượng Hải (SHFE) đã bật tăng 1,4% lên mức 5.432 Nhân dân tệ (839 USD)/tấn. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá thép thanh xây dựng đạt 5.532 Nhân dân tệ - mức cao nhất trong vòng 8 tuần trở lại đây.

Trong khi đó, giá thép cuộn cán nóng (HRC) vốn được sử dụng nhiều trong các lĩnh vực công nghiệp cũng chốt phiên giao dịch tại mức 5.828 Nhân dân tệ/tấn, tăng 1,4% so với phiên giao dịch liền trước. Giá thép không gỉ cũng tăng 0,6% lên 17.305 Nhân dân tệ/tấn. Giá các loại thép trên sàn SHFE thường được dùng làm giá tham chiếu các loại thép tại khu vực Châu Á.

Giá quặng sắt
 Diễn biến giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên sàn DCE trong vòng 6 tháng gần đây (Đồ hoạ: Barchart.com)

Giá các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất thép cũng tăng mạnh. Trong đó, giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) tăng 1,5% lên 1.188,5 Nhân dân tệ/tấn; trong phiên giao dịch, đã có lúc đạt tới 1.213 Nhân dân tệ/tấn. Giá quặng sắt giao tháng 8/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Singapore (SICOM) cũng tăng 1,9% lên 208,10 USD/tấn.

Dữ liệu của hãng tư vấn thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho thấy giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt nhập khẩu tại miền Bắc Trung Quốc (giá CFR tại cảng Thanh Đảo) trong phiên giao dịch ngày hôm qua đã tăng 1,4% lên 217,85 USD/tấn.

Thị trường sắt thép bất ngờ khởi sắc trở lại sau nhiều phiên giảm giá liên tiếp chủ yếu do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa thông báo sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng tại nước này với mức giảm 50 điểm cơ bản kể từ ngày 15/7. Động thái này sẽ giúp giải phóng khoảng 1.000 tỷ Nhân dân tệ khỏi các ngân hàng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi Trung Quốc đối mặt các dấu hiệu phục hồi kinh tế đang chậm lại.

Việc cắt giảm tỷ lệ RRR được xem là công cụ điều hành chính sách tiền tệ khá mạnh do tác động trực tiếp đến lượng tiền trong lưu thông. Lần gần nhất Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ RRR là vào tháng 4/2020 khi nước này nỗ lực đối phó các tác động của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế.

Giá quặng sắt đã liên tục giảm trong 4 tuần vừa qua khi Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh việc điều tra thao túng và đầu cơ giá trên thị trường cũng như giới đầu tư lo ngại hoạt động sản xuất thép sẽ bị giới chức nước này siết chặt trong thời gian tới nhằm đạt được mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, nguồn cung quặng sắt trong nửa cuối năm nay được dự báo sẽ tăng mạnh khi các hãng khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới tăng cường sản lượng cung ứng.

Một số nhà đầu tư kỳ vọng việc Trung Quốc đẩy mạnh kích thích kinh tế sẽ tiếp tục giữ nhu cầu sử dụng thép và quặng sắt ở mức cao. Tính từ đầu năm đến nay, giá thép thanh xây dựng tại Trung Quốc đã tăng 21,7%, giá thép HRC tăng tới 33,8% mặc dù có giai đoạn lao dốc mạnh trong tháng 6 vừa qua khi Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh kiểm soát, kìm hãm đà tăng của giá hàng hoá cơ bản, nguyên liệu thô.

Các nhà phân tích hiện vẫn giữ quan điểm thận trong về diễn biến giá trên thị trường trong thời gian tới. Ông Atilla Widnell, giám đốc điều hành hãng dữ liệu thị trường hàng hoá Navigate Commodities (Singapore), nhận định “Thực tế có thể mất từ 6 – 9 tháng để việc cắt giảm tỷ lệ RRR có tác động trực tiếp đến việc sản xuất thép và tiêu thụ quặng sắt tại Trung Quốc. Với mức thời gian lâu như này thì tâm lý phấn khích trên thị trường về chính sách của PBoC có thể đã tan biến. Sớm muộn gì thì Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ phải kiềm chế sản lượng thép của nước này trong năm nay nhằm hạn chế rủi ro bong bóng đầu cơ tài sản”.

Trong tháng 6 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã liên tục cảnh báo sẽ không khoan nhượng với tình trạng đầu cơ, thao túng giá các loại hàng hoá cơ bản, nguyên liệu thô bao gồm cả thép và quặng sắt và áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát hoạt động đầu cơ. Việc giá các loại hàng hoá cơ bản tăng mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp nước này.

Quang Đặng