Năm 2021 là một năm có nhiều khó khăn với kinh tế Việt Nam nói chung và ngành kinh doanh xăng dầu nói riêng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song cũng là năm khẳng định bản lĩnh và khả năng chống chịu, sức sáng tạo của Tập đoàn trong việc chủ động, linh hoạt thích ứng, từng bước vượt qua khó khăn trong bối cảnh bình thường mới.
Với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống; từ sự chỉ đạo thống nhất, đoàn kết và quyết liệt từ Hội đồng quản trị, Ban điều hành cho đến sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn thể các cán bộ nhân viên tại Petrolimex đã giúp Tập đoàn hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, tác động tiêu cực, Petrolimex tiếp tục phát huy bản lĩnh của doanh nghiệp thuộc nhóm VN30 trên sàn chứng khoán. Tập đoàn lần thứ 5 liên tiếp được Forbes Việt Nam vinh danh top các công ty niêm yết tốt nhất , là quán quân doanh thu trên sàn chứng khoán; và đặc biệt được Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh vinh danh “Giải tiến bộ vượt trội Quản trị Công ty” và giải thưởng về “Báo cáo phát triển bền vững” dành cho các doanh nghiệp niêm yết tốt nhất thị trường.
Đây tiếp tục là một sự khẳng định, ghi nhận từ phía cơ quan quản lý, từ thị trường đối với mô hình quản trị doanh nghiệp của Petrolimex khi đang tiệm cận theo các tiêu chuẩn cao nhất, minh bạch hơn, hiện đại hơn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh tế với các mục tiêu xã hội, môi trường.
Cùng chung bối cảnh khó khăn của đại dịch, nhưng Petrolimex vẫn giữ vững vai trò, trách nhiệm tiên phong của donah nghiệp nhà nước trong thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội bằng nhiều chương trình hoạt động, đóng góp thiết thực từ cấp Tập đoàn cho tới các đơn vị thành viên.
Cụ thể, Petrolimex là doanh nghiệp tiên phong hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong việc thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội bằng việc đóng góp gần 300 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid – 19, trong đó đóng góp vào Quỹ vaccine phòng Covid-19 là hơn 250 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn nhiều hoạt động khác như: Ủng hộ 30 tỷ đồng hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”, hỗ trợ kinh phí, mua sắm thiết bị y tế, ủng hộ lương thực, thực phẩm nhằm chung sức cùng người dân phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố phía Nam; là doanh nghiệp duy nhất tự giảm giá bán xăng dầu để hỗ trợ người dân và các lực lượng chống dịch Covid-19,...
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn. Tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo không đồng đều.
Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân giảm sút. Nghị định số 95/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/11/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2021 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ ngày 02/01/2022, sẽ có tác động nhất định đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.
Trên cơ sở đánh giá, dự báo tình hình năm 2022, Petrolimex đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và phấn đấu hoàn thành thắng lợi là:
(1) Đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình SXKD, tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19;
(2) Triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch SXKD 2020;
(3) Tập trung đẩy mạnh hoạt động SXKD xăng dầu cốt lõi, trong đó tập trung phát triển hệ thống bán lẻ xăng dầu, đầu tư mới, hiện đại hóa hệ thống cửa hàng hiện hữu gắn liền với triển khai nhận diện thương hiệu mới, tổ chức kinh doanh có hiệu quả nhiên liệu chất lượng cao theo tiêu chuẩn khí thải Euro 5;
(4) Nâng cao hiệu quả SXKD thông qua nền tảng công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;
(5) Hoàn thành xây dựng Chiến lược phát triển Tập đoàn giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045 thông qua chiến lược chuyển đổi số và chiến lược phát triển thương hiệu;
(6) Tăng cường công tác tái cơ cấu doanh nghiệp trong toàn Tập đoàn, hoàn thành Đề án tái cấu trúc, thoái vốn tại Tập đoàn và các đơn vị thành viên, tiếp tục triển khai bán cổ phiếu quỹ, tập trung hoàn thành thoái vốn.
6 nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho năm 2022 sẽ được triển khai thông qua 6 nhóm giải pháp chủ yếu sau:
1. Tổ chức SXKD xăng dầu: Bám sát nội dung sửa đổi trong Nghị định 95, linh hoạt kết hợp phương án tạo nguồn nhập khẩu chất lượng cao cũng như tạo nguồn từ 02 Nhà máy Lọc dầu trong nước; Tổ chức kinh doanh các sản phẩm thân thiện môi trường theo tiêu chuẩn khí thải Euro 5; Nghiên cứu các giải pháp để tận dụng, gia tăng tiện ích tại hệ thống CHXD; Gia tăng sản lượng bán lẻ đồng bộ với giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt với thế hệ POS tiên tiến kết hợp với cơ sở dữ liệu Petrolimex ID.
2. Công tác quản trị: Đảm bảo chất lượng xăng dầu, đặc biệt chú trọng đối với mặt hàng chất lượng cao (xăng dầu mức 5); Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành của Tập đoàn; Rà soát, xây dựng mới và hoàn thiện các quy chế, quy định quản lý nội bộ của Công ty mẹ - Tập đoàn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản trị.
3. Đầu tư, quản lý hệ thống CSVCKT: Nghiên cứu, triển khai thí điểm các lĩnh vực kinh doanh mới, gắn với lĩnh vực cốt lõi là kinh doanh xăng dầu, chủ động đón đầu xu hướng chuyển đổi năng lượng của thế giới và Việt Nam; Hoàn thiện quy hoạch CSVCKT toàn ngành; Bám sát tiến độ triển khai các Dự án trọng điểm về kho, tự động hóa, tuyến ống,...
4. Công tác tài chính: Áp dụng các giải pháp tiết giảm chi phí hiệu quả, tăng cường sử dụng vốn ngắn hạn, da dạng hóa công cụ tài chính, nguồn vốn có lãi suất tốt cho các dự án trong điểm.
5. Nâng cao giá trị thương hiệu Petrolimex: Triển khai chiến lược thương hiệu Petrolimex gắn liền với Chiến lược phát triển Tập đoàn; Áp dụng dấu hiệu nhận diện mới đối với tất cả các cửa hàng xây mới, cửa hàng sửa chữa, cải tạo nâng cấp trên toàn hệ thống đi đôi với bảo vệ thương hiệu; Phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan quản lý thị trường các cấp để kiến nghị, xử lý các hành vi vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm thương hiệu.
6. Phát huy tối đa sức mạnh nội khối: Tăng cường tính kết nối, hỗ trợ giữa Công ty Mẹ - Tập đoàn với các Tổng Công ty, Công ty cổ phần, Công ty TNHH có phần vốn góp của Tập đoàn; Đẩy mạnh hợp tác giữa các đơn vị thành viên để khai thác phát triển thị trường mới, khách hàng mới; Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu chung.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch CMSC Hồ Sỹ Hùng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, thành quả trong năm 2021 của toàn hệ thống Petrolimex. Trong bối cảnh năm 2021 đầy khó khăn do những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, bên cạnh duy trì hoạt động ổn định, Petrolimex đã đảm bảo an toàn tốt trong mọi mặt của hoạt động SXKD và an ninh năng lượng; đồng thời, vẫn đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các địa phương trên cả nước.
Gợi mở định hướng cho năm 2022, Phó Chủ tịch CMSC Hồ Sỹ Hùng đề nghị Tập đoàn lưu tâm tới hoạt động đầu tư, công tác quản trị doanh nghiệp; đặc biệt làsự chủ động và tính thương mại, hiệu quả trong chiến lược phát triển doanh nghiệp và thương hiệu Petrolimex.
[Quảng cáo]
Thay mặt Lãnh đạo Tập đoàn, Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch HĐQT Petrolimex Phạm Văn Thanh tiếp thu chỉ đạo của Lãnh đạo CMSC; đồng thời, tin tưởng rằng, với bề dày truyền thống lịch sử cùng sự nỗ lực, cố gắng vượt mọi khó khăn của một tập thể đại đoàn kết, toàn thể CBCNV-NLĐ trên toàn hệ thống Petrolimex sẽ cùng chung sức hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2022 – năm được dự báo đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp do các biến chủng mới và kinh tế thế giới không phát triển đồng đều, vững chắc.