Đây là một trong những thỏa thuận thương mại thuộc Chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn được ký kết tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Buổi lễ có sự tham dự của ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Về phía Tổng công ty Phát điện 2 là ông Trần Phú Thái – Chủ tịch HĐQT, ông Trần Văn Dư – Phó Tổng giám đốc EVNGENCO2 (thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng giám đốc EVNGENCO2), các thành viên HĐQT, Ban Tổng Giám đốc và các Ban chức năng.
Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham dự sự kiện là: ông Lê Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐTV Petrovietnam; ông Lê Ngọc Sơn – Tổng Giám đốc; các Thành viên HĐTV; các Phó Tổng Giám đốc; đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên, chi nhánh, ban quản lý dự án.
Theo Hợp đồng được ký kết toàn bộ nguồn khí khai thác tại Lô B ngoài khơi vùng biển Tây Nam Việt Nam thuộc khu vực vùng trũng Bể Malay - Thổ Chu vùng thềm lục địa Việt Nam (cách bờ biển Cà Mau khoảng 300 km, cách Trung tâm Điện lực Ô Môn – Thành phố Cần Thơ khoảng 400 km, với độ sâu nước biển khoảng 77 mét) sẽ được cung cấp khí cho các Nhà máy điện Ô Môn I, Ô Môn II, Ô Môn III và Ô Môn IV với tổng công suất khoảng 3.810 MW, ngoài ra còn có thể cấp bù khí cho khu vực Cà Mau.
Theo Hợp đồng này tại Lô B, Petrovietnam sẽ cung cấp trung bình mỗi năm khoảng 1,265 tỷ m3 khí cho Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I vận hành phù hợp với tiến độ dòng khí thương mại đầu tiên của Chuỗi dự án khí – điện Lô B Ô Môn.
Trong giai đoạn bình ổn, Lô B sẽ cung cấp cho các nhà máy điện mỗi năm khoảng 5,06 tỷ m3 khí để sản xuất khoảng 22 tỷ kWh điện đáp ứng một phần nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Việc phát triển Dự án Lô B sẽ đóng góp một nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Với quy mô đầu tư lên tới gần 12 tỷ USD, Chuỗi dự án khí – điện Lô B Ô Môn gồm các dự án thượng nguồn (Mỏ khí), trung nguồn (dự án Đường ống dẫn khí) và hạ nguồn (Nhà máy điện). Đây là chuỗi dự án trọng điểm dầu khí Quốc gia, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển kinh tế đất nước. Chuỗi dự án này có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư (từ các đối tác nước ngoài Nhật Bản và Thái Lan như MOECO, PTTEP, Marubeni đến các nhà đầu tư Việt Nam như Petrovietnam, PVEP, PV GAS, EVNGENCO2, WTO).
Hiện nay, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I là nhà máy đầu tiên trong quy hoạch 04 nhà máy của Trung tâm Điện lực Ô Môn. Các tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I được thiết kế sử dụng nhiên liệu dầu và khí, sau khi vận hành đồng bộ với tiến độ có dòng khí đầu tiên, dự kiến hằng năm sẽ phát khoảng 3,66 tỷ kWh, trở thành đơn vị có vai trò rất quan trọng trong chiến lược, kế hoạch SXKD của EVNGENCO2. Đồng thời, góp phần quan trọng cung cấp điện ổn định cho vùng kinh tế trọng điểm Tây Nam Bộ.
Phát biểu tại sự kiện Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong quá trình đàm phán, thống nhất các Hợp đồng mua bán điện, cũng như phối hợp cùng báo cáo Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc sửa đổi các Thông tư cần thiết để đảm bảo các Nhà máy điện sử dụng khí Lô B tiêu thụ hết lượng khí theo cam kết trong các hợp đồng bán khí liên quan.
Tại lễ ký kết, ông Trần Phú Thái – Chủ tịch HĐQT EVNGENCO2 cho biết “Trong thời gian qua, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các Bộ ngành liên quan và của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, công tác đàm phán Hợp đồng bán khí NMNĐ Ô Môn I giữa Petrovietnam và EVNGENCO2 được thực hiện trên tinh thần khẩn trương, thiện chí và trách nhiệm. Trong quá trình đàm phán, các khó khăn, vướng mắc đã được Tổ đàm phán của EVNGENCO2 cũng như Petrovietnam báo cáo, kiến nghị kịp thời đến Cấp có thẩm quyền. Đến nay, các Bên cơ bản đã đạt được những đồng thuận để có thể tiến đến Lễ ký kết Hợp đồng ngày hôm nay”.
Để các Nhà máy điện có thể vận hành hết lượng khí bao tiêu đã cam kết đảm bảo tính hiệu quả đầu tư theo EVNGENCO2 vẫn còn một số điểm cần phải bổ sung thêm hành lang pháp lý từ các Cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là liên quan đến cơ chế vận hành thị trường điện. Hiện, Bộ Công Thương đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi việc bổ sung, sửa đổi các quy định liên quan đến vận hành thị trường điện và hợp đồng Mua bán điện. Do đó, EVNGENCO2 mong muốn Petrovietnam với vai trò Nhà điều hành chính trong toàn Chuỗi dự án khí – điện Lô B Ô Môn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bên liên quan kịp thời kiến nghị đến cơ quan chức năng xem xét bổ sung các quy định về cơ chế vận hành các Nhà máy Điện có cam kết bao tiêu khí để đảm bảo nghĩa vụ bao tiêu khí Thượng nguồn được cụ thể hóa và chuyển thành sản lượng điện tương ứng trong hợp đồng mua bán điện như đã được hướng dẫn.