Chiều ngày 7/5, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng đã chủ trì buổi giao ban điều hành sản xuất, kinh doanh thường kỳ tháng 5 năm 2022 trực tuyến với thủ trưởng các đơn vị trong toàn Tập đoàn về kết quả SXKD tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022; đồng thời cập nhật mục tiêu, giải pháp điều hành thực hiện các nhiệm vụ trong những tháng tiếp theo.
Tham dự buổi giao ban có các Phó Tổng giám đốc và Trưởng các ban chuyên môn/văn phòng Tập đoàn, cùng lãnh đạo các đơn vị thành viên.
Trong tháng 4, tình hình kinh tế thế giới diễn biến theo chiều hướng xấu, phức tạp. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc ở nhiều quốc gia. Theo JPMorgan, chỉ số PMI sản xuất toàn cầu đã giảm xuống mức 52,2 vào tháng 4/2022 từ mức 53 vào tháng 3/2022.
Phong tỏa chống Covid -19 ở Trung Quốc, tình hình chiến sự Nga - Ukraine và các sự kiện liên quan làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tiếp tục tạo thêm sức ép lên lạm phát và đè nặng lên hoạt động kinh tế toàn cầu, làn sóng tăng lãi suất bắt đầu.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hôm 4/5 đã nâng lãi suất thêm 0,5% để đối phó lạm phát cao, đây là lần FED tăng lãi suất mạnh nhất trong hơn 20 năm qua. Cùng với đó, lần lượt các ngân hàng trung ương tại Australia, Mỹ, Anh, Ấn Độ… thông báo nâng lãi suất để đối phó bão lạm phát.
Tình hình thế giới đã và sẽ tác động không nhỏ đến nhiều mặt hoạt động của Petrovietnam như tăng giá nguyên liệu đầu vào, gián đoạn nguồn cung vật tư, thiết bị, các vấn đề thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, thị trường dầu mỏ được dự báo sẽ tiếp tục bất ổn trong thời gian tới… Ngoài ra, trong tháng 4, huy động khí cho sản xuất điện trong nước vẫn ở mức thấp so với kế hoạch; nhu cầu gas, phân bón… trên thị trường giảm sút...
Tiếp nối thành quả từ kết quả hoạt động SXKD Quý I/2022, với sự quyết liệt, năng động, chủ động trong quản trị, điều hành, sự nỗ lực cao trong toàn hệ thống, trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022, Petrovietnam tiếp tục duy trì tốt nhịp độ SXKD, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch (KH) hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính được giao, tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Khai thác dầu thô tháng 4 đạt 0,9 triệu tấn, vượt 18% KH tháng 4, tính chung 4 tháng đạt 3,63 triệu tấn, vượt 23% KH 4 tháng, bằng 41% KH cả năm 2022 và bằng 100% so với cùng kỳ năm 2021. Sản xuất đạm tháng 4 đạt 155,9 nghìn tấn, vượt 9% KH tháng, tính chung 4 tháng đạt 625,4 nghìn tấn, vượt 9% kế hoạch 4 tháng và bằng 37% KH cả năm 2022, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động sản xuất kinh doanh được đảm bảo thông suốt, giữ vững nhịp độ tại các nhà máy, công trình.
Petrovietnam ghi nhận các chỉ tiêu tài chính tích cực, tiếp tục đà tăng trưởng. 4 tháng đầu năm 2022, Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 292,6 nghìn tỷ đồng, vượt 62% KH 4 tháng, đạt 52% kế hoạch cả năm 2022 và tăng 62% so với cùng kỳ năm 2021; Nộp ngân sách toàn Tập đoàn ước đạt 41,8 nghìn tỷ đồng, vượt 73% KH 4 tháng, đạt 65% kế hoạch cả năm 2022 và tăng 55% so với cùng kỳ năm 2021. Từ những kết quả tích cực trong sản xuất kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận đạt được trong 4 tháng đầu năm 2022 là rất khả quan.
Các công tác khác tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Việc phối hợp hoàn thiện Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) được đặc biệt ưu tiên.
Trong tháng 4/2022, công tác triển khai đầu tư trong toàn Tập đoàn tiếp tục được tập trung đẩy mạnh, đặc biệt tại các dự án trọng điểm: Chủ tịch HĐTV và Tổng Giám đốc Tập đoàn hằng tuần thường xuyên tổ chức các buổi làm việc trực tiếp tại công trường để kiểm tra tiến độ thực hiện tại Dự án NMNĐ Thái Bình 2;
Ngày 13/4, Tổng Giám đốc Tập đoàn đã chủ trì buổi làm việc và đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy tiến độ Dự án NCMR NMLD Dung Quất; ngày 27/4, Chủ tịch HĐTV đã tiếp và làm việc với Tập đoàn AES về Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ; ngày 28/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và đi thị sát tại công trường NMNĐ Long Phú 1; ngày 04/5, Petrovietnam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức ký kết Hợp đồng mua bán điện NMNĐ Sông Hậu 1 giai đoạn vận hành thương mại...
Bên cạnh các hoạt động trong SXKD, Tập đoàn tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế là Tập đoàn năng lượng lớn của đất nước qua các buổi làm việc với các Tập đoàn lớn (AES, Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), Perenco, Wood, Enterprise Energy, Schlumberger) nhằm thúc đẩy hợp tác trong xu hướng chuyển dịch năng lượng của thế giới hiện nay.
Những kết quả đạt được trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022 tiếp tục góp phần tạo niềm tin và cơ sở nền tảng để Petrovietnam triển khai thực hiện các mục tiêu trong những tháng tiếp theo cũng như trong thực hiện chiến lược phát triển.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá kết quả hoạt động SXKD tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022 của các đơn vị, Ban Tổng giám đốc và lãnh đạo các Ban theo từng lĩnh vực phụ trách đã trao đổi xử lý, giải quyết những khó khăn và đưa ra giải pháp hỗ trợ các đơn vị thành viên trong SXKD, đầu tư.
Sau khi phân tích bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước, chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể đối với từng đơn vị, lĩnh vực trong thời gian tới, kết luận buổi làm việc, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, mặc dù đạt được những kết quả khả quan trong 4 tháng đầu năm, tuy nhiên từ nay đến cuối năm còn nhiều khó khăn, đặc biệt là bất ổn của tình hình kinh tế thế giới, thị trường trong và ngoài nước, các vấn đề địa chính trị,…
Tổng Giám đốc Tập đoàn đề nghị các đơn vị không chủ quan với kết quả đạt được, tiếp tục nỗ lực cao nhất cho nhiệm vụ trong các tháng tiếp theo, tận dụng nguồn lực, thúc đẩy đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững lâu dài.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: Tập trung cập nhật, đánh giá, dự báo tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường để cập nhật, điều chỉnh trong phương án quản trị điều hành của Tập đoàn, đặc biệt lưu ý vấn đề cung - cầu (cầu có dấu hiệu giảm, yếu dần), bất ổn về giá và làn sóng lạm phát; kiên quyết giữ mục tiêu của tăng trưởng, mục tiêu sản lượng sản xuất, khai thác dầu, tối đa các sản phẩm chế biến để tận dụng cơ hội thị trường.
Tận dụng hệ thống mở rộng thị phần các sản phẩm khí; cụ thể hóa các nhiệm vụ đã kết luận trong giao ban và các hội nghị lớn thời gian qua của Tập đoàn như quản trị danh mục đầu tư trực tiếp và gián tiếp; tập trung chỉ đạo thúc đẩy các dự án trọng điểm, hoàn chỉnh các báo cáo nghiên cứu cơ hội đầu tư cho các dự án chiến lược của Tập đoàn, đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ cho các đơn vị thành viên tham gia vào các dự án này.
Tiếp tục đẩy mạnh, hiện thực hóa các chuỗi liên kết; triển khai đồng bộ công tác chuyển đổi số; đẩy mạnh chương trình nghiên cứu khoa học dài hạn trong từng lĩnh vực, đặc biệt coi CO2 là tài nguyên để tập trung nghiên cứu, tận dụng, đồng bộ với dịch chuyển năng lượng.