Trong những năm qua bà con nông dân các tỉnh phía Bắc đã chọn phân bón đa yếu tố (ĐYT) NPK Văn Điển chuyên dùng bón cho lúa vụ mùa hiệu quả vượt trội, các dòng sản phẩm phân bón ĐYT NPK Văn Điển có đủ 13 thành phần dinh dưỡng, tỷ lệ thành phần dưỡng chất tùy thuộc vào từng loại phân chuyên dùng bón lót hoặc chuyên dùng bón thúc.
Theo tập quán địa phương và cũng do nhu cầu thị trường, cơ cấu giống lúa ở các tỉnh miền núi phía Băc khá phong phú: ngoài các giống lúa cảm ôn như lúa lai, lúa thuần ngắn ngày KD18. Vnr20... nhóm giống lúa bán cảm quang như các giống lúa dòng U17, U19, hoặc nếp cao cây; nhiều nơi cấy các giống lúa cảm quang đặc sản như Bao Thai, nếp cái hoa vàng... (vùng Định Hóa - Thái Nguyên). Đây là những giống lúa chất lượng cao, song tỷ lệ hạt lép cao và dễ bị đổ ngã nếu thiếu Lân và các dinh dưỡng trung, vi lượng.
Từ đặc tính nông học của cấy lúa, cũng như nhu cầu dinh dưỡng, phân bón NPK chuyên dùng Văn Điển cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa, từ khi cấy đến lúc lúa phân hóa mầm hoa (Giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng).
Nghiên cứu về sinh lý và dinh dưỡng cây lúa cho thấy: Đời sống cây lúa có thể phân làm 2 giai đoạn sinh trưởng là sinh dưỡng và sinh thực.
Giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng được tính từ lúa gieo mạ đến lúa đứng cái. Vụ mùa, giai đoạn này thường kéo dài khoảng 30-35 ngày với các giống cảm ôn ngắn ngày; (riêng các giống lúa cảm quang phải chờ “ngày ngắn” tức gần sát tiết Bạch Lộ thì lúa mới chuyển sang giai đoạn sinh thực). Giai đoạn này bộ rễ phát triển trong lớp đất nông (khoảng 3-5cm) và theo hướng lan rộng theo độ che phủ của lá lúa, khi bộ lá lúa che kín hàng cũng là lúc bộ rễ lúa đan kín mặt ruộng.
Giai đoạn này cây lúa tập trung đẻ nhánh, vươn lá, vươn bẹ làm thân giả nên nhu cầu dinh dưỡng nhiều nhất là đạm, ka li và ít lân cùng các chất trung, vi lượng. Phân bón ĐYT NPK chuyên bón thúc cho lúa có nhiều loại công thức khác nhau như: phân đa yếu tố NPK (16 :5 :17) có hàm lượng N 16%, P2O5 5%. K2O 17% Mg 5%, SiO2 7%, CaO 8%, S 2%,…
Hiện nay, nhiều nơi bà con sử dụng công thức NPK 13:3:10 +TE. Đây là các loại phân có hàm lượng dinh dưỡng đạm cao, giúp cây lúa đẻ khỏe, vươn lá, vươn thân. Hàm lượng dinh dưỡng kalo khá cao trong phân bón thúc nhằm cho lúa đẻ nhánh vừa phải.
Ngoài việc cân đối các chất NPK theo nhu cầu cây lúa giai đoạn đẻ nhánh, còn đủ mặt các chất trung, vi lượng giúp cây lúa sinh trưởng khỏe mạnh, thân rễ cứng, chống chịu tốt với sâu bệnh và môi trường bất thuận.
Giai đoạn sinh trưởng sinh thực được tính từ lúc phân hóa đòng đến lúa chín. Các giống lúa dài ngày có thời điểm đứng cái, còn các giống lúa ngắn ngày thường không thể hiện thời điểm lúa đứng cái, mà cây lúa có thể còn đẻ nhánh nhưng đã phân hóa đòng.
Thời điểm chuyển sang giai đoạn sinh thực được tính từ khi bộ lá lúa đứng hơn, các lá “bằng đầu” hoặc khi lúa bắt đầu cứng gốc, tròn gốc. Từ đây, hình thành lớp rễ thứ 2 phát triển xuống các lớp đất phía dưới; khi cây lúa trỗ bông là lúc thân cây đạt chiều cao lớn nhất thì bộ rễ cũng xuống lớp đế cày và đạt độ “sâu” lớn nhất.
Cung cấp đủ dinh dưỡng giai đoạn này giúp quá trình làm đòng, trổ bông thuận lợi, bộ lá tốt bền và cho bông to, nhiều hạt mẩy. Ngoài các chất trung vi lượng, cây lúa rất cần nhiều Lân và cân đối NK để phân hóa mầm hoa, đặc biệt có hàm lượng Silics cao giúp cứng gốc, cứng thân, đứng lá tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và tích lũy đường bột.
Phân ĐYT NPK chuyên bón lót cho lúa có nhiều loại công thức khác nhau như: ĐYT NPK 6:12:3 hoặc ĐYT NPK 5:12:3 , 10:10:5, 10:7:3 hoặc phân đa yếu tố lúa 1 chuyên bón lót lúa có đủ và cân đối các chất dinh dưỡng NPKvà các chất trung vi lượng cần thiết cho cây lúa giai đoạn làm đòng, trổ bông.
Chăm bón lúa mùa ở các tỉnh phía Bắc bằng phân bón ĐYT NPK Văn Điển:
Bón lót: Tùy thuộc chân ruộng, giống lúa và lượng phân hữu cơ mà cân đối lượng phân bón lót trong vụ mùa; trung bình khoảng 15-20 kg/sào. Ruộng chân cao, cấy lúa ít thóc thì bón ít, ruộng thấp trũng, chua nhiều, cấy lúa nhiều thóc thì bón nhiều, đặc biệt những ruộng cấy lúa Bao thai, nếp cao cây.. cần ưu tiên phân bón lót, có thể bón 20-25kg/ sào.
Để phân bón lót được trộn đều và gửi xuống các lớp đất phía dưới, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng giai đoạn lúa làm đòng, trỗ bông; phân nên rải đều ra ruộng trước khi bừa cấy hoặc trước lượt bừa cuối cùng; nếu lo mất nước, mất phân thì có thể rải phân ngay sau khi bừa xong, khi nước còn đục, bùn còn lỏng.
Không nên bón phân lót sau khi nước đã trong, bùn đã lắng. Bởi lẽ khi đã lắng bùn là các chất dinh dưỡng đã được bám hết vào hạt đất và chìm xuống, trong nước lúc này chỉ còn các chất gây chua phèn, chất gây ngộ độc cho rễ lúa. Vì vậy, để lắng bùn, trong nước 1-2 ngày, tháo bớt nước trong rồi gieo cấy.
Bón thúc: .Căn cứ vào chân ruộng, lượng phân đa yếu tố NPK đã bón lót và tình hình sinh trưởng của mỗi giống lúa mà bón phân thúc cho lúa mùa như sau:
- Ruộng lúa cấy dày, cấy to, chân ruộng thấp trũng…. bón khoảng 8-12 kg/ sào.
-Ruộng vàn, vàn cao, hay mất nước, cấy giống lúa cao sản cần bón khoảng 12-15kg/ sào.
-Những ruộng lầy thụt, ruộng cấy lúa Bao thai, lúa nếp cao cây, hoặc những giống lúa dễ đổ... giảm lượng phân thúc, (thậm chí có thể bỏ phân bón thúc) và chỉ nên bón thúc đẻ khi cấy được 7-10 ngày.
- Riêng chân ruộng cao ghềnh, giống lúa cứng thân thì bón thúc làm 2 lần: thúc đẻ bón 60-70% lượng phân bón thúc, khi lúa chuẩn bị phân đốt, bón hết lượng phân còn lại.
Để giảm bớt thất thoát phân bón do hiện tượng bốc hơi, rửa trôi hay thẩm lậu…, không nên bón phân thúc khi trời nắng nóng và khi ruộng nhiều nước. Nên bón phân khi trời mát và ruộng cạn nước.