Công nghệ giúp nâng cao chất lượng
Sau hơn 3 năm xây dựng, ngày 15 tháng 10 năm 1963, Nhà máy Phân bón nung chảy Văn Điển bắt đầu khánh thành và đi vào các hoạt động, mặc dù chỉ có 4 tháng cuối năm 1963 nhà máy đã sản xuất được trên 6000 tấn phân lân nung chảy theo kế hoạch giao của Bộ Công nghiệp nặng đã đạt tới 80% công suất thiết kế.
Năm 1964, Nhà máy được kế hoạch sản xuất 18.000 tấn phân lân nung chảy tương ứng 90% công suất thiết kế. Tuy nhiên từ quý II năm 1964, nhà máy thiếu quặng Apatit trầm trọng. Nhà máy đã tìm nguồn quặng secpentin ở Ba Vì thay thế đảm bảo sản xuất đồng thời cải tiến phương pháp đập quặng để có quặng đủ kích cỡ nung.
Kết thúc quý IV/1964 nhà máy đã vượt kế hoạch giao dịch 103%. Do lượng Apa tít loại I có hạn nên việc chủ động nguồn nguyên liệu này gặp khó khăn, để khắc phục sự hạn chế này nhà máy đã triển khai công trình khoa học “nghiên cứu thử nghiệm dùng Apa tít loại II vừa sản xuất lân nung chảy”.
Đề tài được thực hiện ngay từ năm 1965, sau 3 năm nghiên cứu, thử nghiệm đề tài đã thành công, đầu năm 1971 tổng cục hóa chất đã đồng ý cho nhà máy chuyển sang sản xuất ổn định bằng quặng Apatít loại II.
Nhằm đáp ứng yêu cầu phân bón cho đất nước, ngay từ 1969 – 1973 hai lò cao mới được xây dựng công suất 20.000 tấn/năm, tổng số lò cao của nhà máy là 4 với công suất 40.000 tấn phân lân nung chảy/ năm.
Việc đưa 4 lò cao hoạt động làm cho lượng khí thải lò cao tăng lên. lãnh đạo cùng cán bộ kỹ thuật của nhà máy phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, cải tạo lại hệ thống xử lý khí thải kết quả là giảm hàm lượng HF trong khí thải ra ngoài không khí thấp hơn tiêu chuẩn cho phép (0,1g/cm2).
Ngoài ra, Công ty còn áp dụng kỹ thuật cải tạo lò cao chạy bằng than antraxit thay vì than cốc nhập khẩu. Đáng chú ý nhất là nguyên liệu đầu vào quặng Apatit được lựa chọn ngay tại mỏ ở Lào Cai, được loại bỏ tạp chất, qua hệ thống máy đập tạo cỡ hạt đạt trên tiêu chuẩn phối trộn để nấu phân lân.
Các nghiên cứu sử dụng quặng mịn thu hồi lại và quặng mịn từ Apatit nguyên liệu đóng thành các bánh đưa vào nấu phân bón đã tiết kiệm chi phí, tận dụng nguyên liệu mang lại nhiều lợi ích cho công ty.
Các công trình nghiên cứu khoa học thành công đã được cấp nhiều bằng độc quyền sáng chế, cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cải tiến thiết bị cho phù hợp với nguyên liệu mới và tăng công suất thiết bị, đẩy mạnh cơ giới hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện lao động, giảm định mức tiêu hao vật tư và điện.
Một số đề tài khoa học đã được áp dụng thành công trong sản xuất như nghiên cứu chất phụ gia: Nhằm nâng cao chất lượng mang tính chất khác biệt của phân lân nung chảy Văn Điển. Từ năm 1991, bằng những cải tiến công thức phối liệu, sau những thử nghiệm nghiên cứu, nhà máy đã sản xuất ổn định với chất lượng P2O5 hữu hiệu đạt trên 16% và xuất khẩu P2O5 % đạt 18 – 19%.
Đồng thời, nâng cao thành phần dinh dưỡng chất trung lượng SiO2 bằng việc bổ sung sử dụng thêm quặng sa thạch giàu silic vào phối liệu lò cao, bước đầu sản xuất được phân đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đề tài được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích ngày 17/10/1992 tiếp tục nghiên cứu phối liệu đóng bánh quặng photphat.
Sau nhiều thí nghiệm đã tìm được chất kết dính vô cơ đáp ứng được yêu cầu và áp dụng trong sản xuất cho kết quả tốt, đồng thời thu bụi quặng lò cao đã tiết kiệm thu hồi được 1.780 tấn đủ để sản xuất gần 2.900 tấn phân bón (với định mức tiêu hao Apa tít là 0,62 tấn cho 1 tấn sản phẩm).
Để nâng cao chất lượng phân bón, công ty tiếp tục cải tiến lò cao kiểu mới để nâng cao công suất giảm tiêu thụ điện năng, than, 3 lò cao đã được cải tạo, đưa công suất mỗi lò từ 40.000 tấn/ năm lên 60.000 tấn/ năm. Đồng thời với cải tạo lò cao là cải tiến máy nghiền, đồng bộ hóa và nghiên cứu tốc độ hệ thống băng tải, hệ thống dây chuyền sàng rửa quặng.
Từ phân lân nung chảy chất lượng, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất phân bón đa yếu tố NPK trên cơ ở nền phân lân nung chảy. Với hệ thống máy móc hiện đại kiểm soát đầu vào từ phân lân có tỷ lệ P2O5 từ 15 – 17%, phân đạm urê chất lượng, phân kali nhập ngoại, bổ sung một phần các nguyên tố vi lượng, các thành phần nguyên liệu được hỗn hợp, theo các công thức sản xuất các dòng sản phẩm cho từng loại cây trồng.
Quy trình sản xuất phân lân, phân đa yếu tố (ĐYT) NPK Văn Điển có thành phần dinh dưỡng, Lân (P2O5), vôi (CaO), magie (MgO), silic (SiO2) lưu huỳnh (S) và 6 chất vi lượng trong từng dòng sản phẩm, được kiểm soát nghiêm ngặt, chính xác tỷ lệ dinh dưỡng thông qua phân tích phòng thí nghiệm và bộ phận giám định chất lượng sản phẩm của công ty.
Đưa thương hiệu vươn xa
Từ năm 1989, các doanh nghiệp nhà nước chuyển sang cơ chế tự sản xuất, và tự tiêu thụ sản phẩm, công ty đã triển khai nhiều giải pháp để tiêu thụ và xây dựng thương hiệu.
Công ty đã liên kết với các nhà khoa học, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm, trạm trại nghiên cứu nông nghiệp trên cả nước cũng như phối hợp với các Cục khuyến nông Trung ương, các trạm khuyến nông cấp tỉnh, huyện, các hội nông dân, phụ nữ để thử nghiệm bón phân lân, phân đa yếu tố NPK cho các loại cây trồng trên từng vùng sinh thái.
Từ kết quả của công trình nghiên cứu cho thấy phân lân Văn Điển có hiệu quả vượt trội so với phân lân supe từ 1,2 – 1,6 lần. Phân đa yếu tố NPK Văn Điển cũng vượt trội hơn các loại phân NPK khác từ 8 – 16% điểm khác biệt: là cứng cây, ít sâu bệnh, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường, chịu hạn, chịu rét, cho năng suất cao, chất lượng nông sản tốt, chi phí đầu tư thấp…
Hơn 50 năm qua, Công ty đã sản xuất hàng triệu tấn phân bón, được người tiêu dùng bình chọn là hàng chất lượng cao 10 năm liền, được Nhà nước phong tặng nhiều Huân chương, Huy chương, danh hiệu anh hùng… Đặc biệt phân bón Văn Điển thương hiệu đã được bạn bè quốc tế biết đến, đánh giá cao như các lô hàng lân xuất khẩu sang Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Với thương hiệu mạnh, chất lượng vàng, mặc dù cạnh tranh trên thị trường phân bón ngày càng gia tăng, song lượng phân bón Văn Điển tiêu thụ hàng năm vẫn đạt trên 300.000 tấn phân lân nung chảy và 150.000 tấn phân đa yếu tố NPK.