Linh hoạt điều tiết thị trường phân bón

Một số doanh nghiệp cho biết, chiến lược sản xuất và kinh doanh phân bón phải linh hoạt. Năm 2020 tiêu thụ trong nước khó khăn, doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Nhưng năm 2021, khi thấy thị trường trong nước sốt, các doanh nghiệp đã điều chỉnh kịp thời. Nhiều đơn hàng xuất khẩu hoãn, dãn, thậm chí dừng xuất khẩu, ưu tiên tối đa trong nước.
Công ty DAP2 ưu tiên tiêu thụ thị trường trong nước năm 2021
Công ty DAP2 ưu tiên tiêu thụ thị trường trong nước năm 2021

 

Tín hiệu vui

Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 1,163 triệu tấn phân bón, trị giá 341 triệu USD, tăng 39,7% về lượng và 27,1% về giá trị so với năm 2019.

Với 1,163 triệu tấn phân bón xuất khẩu trong năm qua, sau một thời gian dài Việt Nam mới lại xuất khẩu được hơn 1 triệu tấn phân bón/năm.

Theo ông Phùng Hà - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, trong các năm từ 2011 đến 2014 Việt Nam xuất khẩu được hơn 1 triệu tấn phân bón các loại, năm 2020 xuất khẩu về số lượng lớn nhất trong 10 năm trở lại đây, đạt 1,163 triệu tấn.

Việc xuất khẩu tăng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thị trường, cung cầu, vận tải, giá cả,.... nhưng là tín hiệu cho thấy chất lượng phân bón sản xuất trong nước ngày càng đảm bảo chất lượng, có khả năng cạnh tranh với phân bón cùng loại.

Một số doanh nghiệp trong nước cũng đồng tình với nhận định này. Ông Văn Hồng Sơn - Tổng giám đốc Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển cho rằng, việc xuất khẩu được một số lượng phân bón lớn đã khẳng định, chất lượng và giá cả của phân bón Việt Nam đã theo kịp với thị trường thế giới và được thị trường chấp nhận.

Trong số hơn 1 triệu tấn phân bón xuất khẩu năm 2020 của Việt Nam có sự tham gia của khoảng 100.000 tấn phân lân nung chảy (của cả 3 đơn vị sản xuất trong nước); đổi với thị trường nước ngoài, đã từ lâu phân lân nung chảy Văn Điển khẳng định uy tín và thương hiệu. Hiện Phân bón Văn Điển đã và đang hợp tác, xuất khẩu đi các nước Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Đài Loan, Ma lai xia, Campuchia…

Ông Ngô Văn Đông – Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền đánh giá, bên cạnh với việc gia nhập các tổ chức thương mại quốc tế, các hiệp định thương mại tự do (FTA),.. đã mở ra một thị trường rộng lớn cho các nhà sản xuất phân bón trong nước khai thác, cùng với việc tiếp cận với công nghệ sản xuất hiện đại và tiên tiến thì chất lượng sản phẩm phân bón sản xuất tại Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm ngoại trên thị trường thế giới, đó là những yếu tố giúp cho xuất khẩu phân bón của Việt Nam tăng mạnh trong thời gian qua.

Trở thành nhà cung cấp lâu dài, bền vững

Cũng theo ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, việc xuất khẩu phân bón trong thời gian tới của các doanh nghiệp phân bón phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm lợi nhuận, ưu tiên nguồn cầu trong nước, nâng cao chất lượng phân bón, tiết giảm chi phí, cải tiến công nghệ, quản lý đảm bảo phân bón trong nước ngày càng có sức cạnh tranh cao hơn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng rất thận trọng trong nhận định về thị trường phân bón trong thời gian tới. Ông Vũ Văn Bằng – Tổng giám đốc Công ty CP DAP số 2 nhận định, ngành phân bón Việt Nam đang bước vào giai đoạn bão hòa, tốc độ tiêu thụ sụt giảm nhanh chóng, tỷ lệ tăng trưởng giai đoạn 2001 - 2015 chỉ dao động từ 2,5% - 3,9%/năm và giảm còn 1,96%/năm giai đoạn 2016 - 2019.

Theo ông Bằng, bước sang đầu năm 2021 tình hình thị trường phân bón có thuận lợi; nhưng đây có thể chỉ là xu hướng nhất thời, không kéo dài vì mấy lý do. Thứ nhất, tổng nhu cầu phân bón thế giới cũng không tăng.

Thứ hai, việc giá tăng xuất phát từ giá nguyên liệu tăng và chúng ta xuất khẩu được nhiều là do chuỗi cung ứng gián đoạn ở 1 số nơi do dịch Covids-19. Thứ ba, một số nước tăng cường sản xuất nông nghiệp do an ninh lương thực: tuy nhiên tổng sản lượng của cả thế giới vẫn xu hướng đi ngang và chỉ tăng nhẹ 1,5% với mức sản lượng 191,4 triệu tấn.

Thứ tư, sau năm 2021 tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn ngành sản xuất  phân bón và nông nghiệp của Mỹ và các nước châu mỹ như Braxin khôi phuc lại thì dần dần sự thiếu hụt nguồn cung sẽ được bổ sung.

Một số doanh nghiệp cho biết, sản xuất và kinh doanh phân bón đòi hỏi phải linh hoạt về chiến lược thị trường. Trên thực tế, năm 2020 tiêu thụ trong nước khó khăn, doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Nhưng năm 2021, khi thấy thị trường trong nước sốt, các doanh nghiệp đã điều chỉnh kịp thời. Nhiều đơn hàng xuất khẩu hoãn, dãn, thậm chí dừng xuất khẩu, ưu tiên tối đa trong nước. 

Hiện các doanh nghiệp đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện, sẵn sàng đương đầu với những thử thách của thị trường. Ông Văn Hồng Sơn – Tổng giám đốc Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển thẳng thắn: “Cái khó nhất của Công ty hiện nay là vấn đề nhân lực, có đủ lao động để đảm bảo sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn có diễn biến rất phức tạp và kéo dài. Do vậy Công ty xác định nhiệm vụ trọng tâm, xuất suốt là đẩy mạnh tuyển dụng gắn liền với đào tạo và đào tạo lại.

Đi liền với đó là đầu tư khoa học kỹ thuật và công nghệ, tiếp cận với cách mạng 4.0, để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm; nghiên cứu đưa ra thị trường các dòng sản phẩm phân bón mới thân thiện với môi trường, phù hợp với từng loại đất, từng loại cây, tiết kiệm chi phí bón phân, mang lại hiệu quả cho cả doanh nghiệp lẫn người nông dân”.

Ý kiến từ doanh nghiệp và Hiệp hội Phân bón cho rằng, để giải phóng năng lực doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước thì đầu tiên là phải có cơ chế, chính sách phù hợp. Hiện nay luật thuế 71 là một rào cản của ngành sản xuất trong nước.

Năm 2020 Công ty CP Phân bón BÌnh Điền xuất khẩu được gần 90.000 tấn
Năm 2020 Công ty CP Phân bón BÌnh Điền xuất khẩu được gần 90.000 tấn

 

Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, phân bón được chuyển từ diện chịu thuế GTGT 5% sang không chịu thuế GTGT theo Luật 71/2014/QH13 đã tạo ra những khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Việc thay đổi chính sách thuế này, các doanh nghiệp sản xuất nội địa không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, làm tăng giá thành sản xuất.

Trong khi đó phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế VAT nên giá bán sẽ giảm đi tương ứng 5%. Bên cạnh đó với chính sách khuyến khích xuất khẩu của các nước có sản lượng phân bón lớn, thuế suất xuất khẩu phân bón là 0%, sản phẩm phân bón được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT cho nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất, điều này cũng tạo lợi thế cạnh tranh cho phân bón nhập khẩu chiến thắng phân bón trong nước ngay tại sân nhà. Từ đó, các doanh nghiệp và Hiệp hội Phân bón kiến nghị cần sửa đổi luật thuế 71, chuyển ngành phân bón từ không chịu thuế về chịu 5% VAT.

Một lãnh đạo Vinachem cho biết, chủ trương của Tập đoàn là: Thúc đẩy sản xuất, nâng cao sản lượng phân bón đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; Tranh thủ tìm kiếm khách hàng nước ngoài dần dần xâm nhập thị trường quốc tế để làm nhà cung cấp lâu dài, ổn định.

Tình hình thuận lợi trên thị trường phân bón hiện nay là cơ hội lớn và rất ít khi gặp lại nên các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng cơ hội này cung cấp giới thiệu sản phẩm để bạn hàng tin tưởng như những nhà cung cấp lâu dài, bền vững.

Trần Bản