Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu (XK) hàng dệt may trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 13,64 tỷ USD, tăng 16,49%, so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 10,43% của cùng kỳ năm 2017. Trong 10 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực nước ta, tốc độ tăng trưởng của dệt may đứng thứ hai, chỉ sau xuất khẩu điện thoại.
Điều đáng chú ý là, những thị trường XK trọng điểm như Hoa Kỳ, các nước khối CPTPP, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN… đều tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, Hoa Kỳ tăng 11,5% và chiếm 46,9% tổng trị giá XK hàng dệt may của cả nước; EU tăng 12,2%, Nhật Bản tăng 23,9%; Hàn Quốc tăng 25,4%...
Theo đánh giá, với tăng trưởng xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD/năm, ngành Dệt may nước ta duy trì được đà tăng trưởng tốt và bền vững chủ yếu do các doanh nghiệp rất nỗ lực trong việc chuyển dịch cơ cấu công nghệ mới, đầu tư các thiết bị máy móc công nghệ hiện đại, trong đó công nghệ 4.0 cũng đang được ứng dụng vào mô hình tự động hóa một số dây chuyền sản xuất. Các doanh nghiệp đầu ngành như May 10, Việt Tiến, Nhà Bè, Phong Phú... những năm gần đây đầu tư mỗi năm hàng trăm tỷ đồng cho công nghệ tự động hóa, nâng cấp hệ thống quản trị thông tin vào tổ chức sản xuất, kế hoạch, thiết kế mẫu, quản lý… Khi May 10 áp dụng các phần mềm vào quản lý và sản xuất thì thời gian sản xuất cho 1 sản phẩm đã giảm từ 1.980 giây xuống 1.200 giây và hiện nay còn 690 giây/1 sản phẩm.
Sự đổi mới mạnh mẽ công nghệ không chỉ có ở những công ty lớn mà phổ biến ngay những đơn vị bình thường như May Đáp Cầu, May Hồ Gươm... cũng đầu tư mỗi năm hàng chục tỉ đồng mua mới các loại máy móc chuyên dùng hiện đại như máy cắt chỉ tự động, máy mổ túi, máy đính nút tự động... để dôi dư ra 5-10% lao động, từ đó điều chuyển sang các khâu khác, giảm áp lực tuyển lao động.
Nhưng dù là đơn vị lớn hay nhỏ đều có sự phân dòng đầu tư khá rõ giữa công ty dệt và công ty may. Các doanh nghiệp sợi - dệt nhuộm ưu tiên đầu tư ứng dụng tự động hóa, công nghệ thông tin ở tất cả các khâu. Trước đây 5 năm, một dây chuyền 10 nghìn cọc sợi phải dùng đến trên 110 lao động thì đến năm nay, nhiều nhà máy nước ta chỉ cần 25 - 30 lao động. Ngành nhuộm trước đây phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề của người làm ra công thức màu thì hiện nay Phong Phú ứng dụng Big Data “trộn” các công thức nhuộm trong quá đã khứ thành công và nội suy ra một công thức cho các mặt hàng mà ít bị phụ thuộc vào tay nghề kỹ thuật của người làm công thức màu. Trước đây, tỷ lệ nhuộm chính xác lần đầu của Phong Phú từ 70% - 80% thì nay tỷ lệ nhuộm chính xác lần đầu có thể lên tới 95% -98%.
Đối với may, công nghệ được ưu tiên đầu tư cho khâu sản xuất mang tính chất chuẩn mực với nhiều chi tiết cố định như ghép cổ, vào tay, măng séc... Những công đoạn này trước kia đòi hỏi tay nghề người công nhân cao, thì nay nhiều doanh nghiệp đã có những thiết bị tự động nhằm giảm số lượng công nhân, tăng được năng suất lao động.
Đẩy mạnh đầu tư đi đôi với phân dòng đầu tư công nghệ giữa dệt và may là một trong những nhân tố đóng góp vào tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dệt may xuất khẩu.