Phụng Hiệp là địa phương trồng mía nguyên liệu chính (với diện tích hiện nay hơn 7.000ha) phục vụ cho 3 nhà máy đường đóng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, đây là vùng đất trũng thấp, bị nhiễm phèn, cộng với phương pháp canh tác thủ công truyền thống nên chi phí đầu tư cao, lợi nhuận của người trồng mía thấp.
Niên vụ 2016 - 2017, mô hình thí điểm bón phân lân Ninh Bình được Casuco chọn và triển khai thực hiện tại rẫy mía của 13 hộ dân ở xã Hiệp Hưng, thị trấn Búng Tàu (huyện Phụng Hiệp), phường Lái Hiếu (thị xã Ngã Bảy), xã Vị Tân, Hỏa Lựu, Tân Tiến (thành phố Vị Thanh) và xã Vĩnh Hòa Hưng Nam (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang). Phân lân được dùng để bón lót trước khi đặt hom và ở giai đoạn mía nửa tháng tuổi, với hình thức rải phân đều mặt liếp.
Qua kết quả theo dõi của Bộ phận Khuyến nông Casuco cho thấy, nông dân sử dụng phân lân bón cho cây mía sẽ giúp tăng độ pH cho đất, tỷ lệ mía nảy chồi nhiều, phát triển tốt, ít sâu bệnh; đồng thời giảm 20% lượng phân NPK bón cho cây mía nhưng mía vẫn đạt kích cỡ và chiều cao cao hơn so với ruộng mía đối chứng, đảm bảo đạt năng suất, chất lượng khi thu hoạch.
Ông Dương Như Đức, Phó Giám đốc Niferco cho biết, phân lân nung chảy Ninh Bình được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, cung cấp chất dinh dưỡng (lân) hữu hiệu cho cây trồng, ngoài ra còn bổ sung thêm các chất trung, vi lượng rất cần thiết cho cây. Bên cạnh đó, chất vôi, magiê có tác dụng khử chua, khử độc, hạ phèn cho đất. Phân lân Ninh Bình không tan trong môi trường nước mà tan hết trong môi trường đất và dịch rễ cây tiết ra nên hạn chế bị rửa trôi, không để lại cặn bã có hại cho đất, không gây ô nhiễm môi trường…
Tại buổi hội thảo, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, Trường ĐH Cần Thơ, đã giúp nông dân làm thí nghiệm tại chỗ để biết cách phân biệt phân lân nào có tác dụng khử chua (có chứa vôi CaO), tránh mua phải hàng giả. Đồng thời, hướng dẫn cách bón phân giúp cây mía hập thu được hiệu quả, hạn chế bị thất thoát. GS.TS Nguyễn Bảo Vệ cho rằng, phân lân nung chảy Ninh Bình có nhiều nguyên tố không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho cây mía phát triển mà còn giúp cây chống lại sâu, bệnh, tổng hợp được chữ đường cao.
Trước đó, Trung tâm khuyến nông tỉnh Hậu Giang phối hợp với Niferco tổ chức buổi tham quan mô hình sản xuất lúa giống bằng phương pháp cấy máy, với sự tham dự của gần 100 nông dân trên địa bàn tỉnh. Mô hình được thực hiện tại ấp 7, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ trên diện tích 15ha, với 9 hộ tham gia.
Các hộ được hỗ trợ 100% lúa giống, 30% phân lân nung chảy Ninh Bình và ure. Đặc biệt là được các nhà khoa học tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và quy trình canh tác cụ thể từ đầu vụ đến cuối vụ; hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, chọn giống gieo sạ, bón phân cân đối, trong đó quan trọng là giảm lượng giống gieo sạ còn 50kg/ha bằng phương pháp cấy. Giống lúa được nông dân trong mô hình thực hiện là OM5451. Hiện cây lúa đang bước vào giai đoạn đòng trổ, nhờ thực hiện theo đúng quy trình chuyển giao khoa học kỹ thuật đã giúp cho 9 hộ tham gia tiết tiệm tối đa chi phí đầu tư, lúa trổ đều, đẹp, ước năng suất sẽ đạt cao hơn so với ruộng đối chứng.
Ông Bành Đức Tín, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang cho biết, vụ lúa thu đông 2017, Trung tâm đã thực hiện mô hình sản xuất lúa giống bằng phương pháp cấy máy giảm lượng giống gieo sạ trên diện tích 45 ha, tại 3 huyện Vị Thủy, Long Mỹ và Châu Thành A.