Kịp thời chuyển hướng
Doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường FTA được hưởng những cam kết cắt giảm thuế quan ở mức cao, phần lớn trên 90% số dòng thuế. Do đó, xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng trưởng mạnh ở các thị trường FTAs. Cụ thể, với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngay trong năm đầu thực thi, đã giúp kim ngạch xuất khẩu nước ta tăng 8,3%. Với EVFTA, trong 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu đạt 25,85 tỉ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị hàng hóa tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định EVFTA (được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O EUR.1) đạt 5,66 tỉ USD, chiếm 21,9% giá trị xuất khẩu sang EU.
Cùng với đó, điều vô cùng thuận lợi là dư địa của các thị trường FTA còn rất nhiều. Cụ thể, lớn nhất là thị trường Trung Quốc, năm 2020 chúng ta mới xuất khẩu 48,9 tỷ USD, chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc. Tương tự như vậy là các thị trường lớn như Nhật Bản, xuất khẩu Việt Nam mới chiếm 2,8% dung lượng thị trường; xuất khẩu sang Hàn Quốc chiếm 3%; Australia chiếm 1,7%...
Đó là những con số có tính thuyết minh mạnh mẽ về lợi ích và cơ hội trong tương lai của thị trường FTA đối với xuất khẩu nước ta. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường FTA còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế mang tính nền tảng; đó là cho phép doanh nghiệp nước ta lựa chọn những thị trường cho những mặt hàng xuất khẩu ít bị rủi ro kiện phòng vệ thương mại.
Ví dụ như ngành thép, giai đoạn 2016 - 2021, tăng trưởng bình quân xuất khẩu thép và bán thành phẩm thép (thép thô, ferro…) đạt hơn 20%/năm. Trong 10 năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về quy mô và chất lượng, sản phẩm thép Việt Nam là một trong những mặt hàng có số lượng các vụ kiện do nước ngoài khởi xướng điều tra gia tăng mạnh. Tính từ năm 2004 đến tháng 10/2021, đã có 66 vụ kiện PVTM của nước ngoài đối với thép xuất khẩu của Việt Nam, trong đó tập trung ở các thị trường Mỹ, Canada, châu Âu và một số nước Asean như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Trong bối cảnh đó, Thép Hòa Phát chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường có FTA như Úc (Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA); HongKong (Hiệp định Thương mại tự do (AHKFTA) và Hiệp định Đầu tư (AHKIA); Hàn Quốc (Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA); Anh quốc (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA)…
Trước hết, thị trường FTA tạo cơ hội cho Việt Nam cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. Hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu với khu vực châu Á (chiếm khoảng 80% kim ngạch nhập khẩu và 50% kim ngạch xuất khẩu). Các FTAs giúp doanh nghiệp nước ta thâm nhập, khai thác các thị trường mới, phân tán rủi ro khi thương mại bị lệch quá nhiều về một, hai đối tác.
Một thí dụ điển hình khác là xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2010- 2019, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng bình quân 28,16% trong giá trị xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam. Mặc dù chưa xảy ra vụ kiện phòng vệ thương mại nào, nhưng với tỷ trọng gần 30% xuất khẩu một mặt hàng sang một thị trường sẽ có tính rủi ro cao. Với sự khuyến cáo của cơ quan quản lý nhà nước, hàng nông lâm thủy sản nước ta đã chuyển hướng sang nhiều thị trường có dung lượng lớn như Mỹ (7 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 5,5 tỷ USD, đứng thứ hai về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam với 19,2% thị phần, sau Mỹ đạt trên 8,2 tỷ USD chiếm 28,9% thị phần); hoặc sang các thị trường vừa có dung lượng lớn, vừa có FTAs với nước ta như Nhật Bản, Nga, Australia, Ấn Độ. Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu sang các thị trường FTAs này đều có mức tăng trưởng 2 con số.
Giảm thiểu nguy cơ
Thị trường FTA còn tạo cơ hội tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu cho doanh nghiệp nước ta. Quá trình hình thành chuỗi cung ứng mới đối với Việt Nam càng được đẩy nhanh trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung. Vì sao Việt Nam được ưu tiên lựa chọn như một mắt xích trong chuỗi cung ứng mới? Lý do hàng đầu được các doanh nghiệp kể ra bao giờ cũng là vì Việt Nam được coi là nước tiên phong mở cửa nhất trong khu vực khi có trong tay 15 FTAs đang thực thi với 60 nền kinh tế, chiếm 75% tổng kim ngạch thương mại thế giới; là 1 trong 3 nước Asean ký kết FTA thế hệ mới CPTPP; 1 trong 2 nước Asean ký kết FTA với EU. Vì thế, khi đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp nghiễm nhiên được hưởng ưu đãi tại các thị trường FTA mà Việt Nam ký kết.
Không chỉ đầu tư, doanh nghiệp còn có quyền nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh kiện tại các thị trường FTAs để được tính tỷ lệ xuất xứ, giúp giảm thiểu nguy cơ từ các vụ điều tra, áp dụng thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Với mục tiêu khuyến khích thương mại giữa các thành viên tham gia FTA, hạn chế sự hưởng lợi từ các nước ngoài khu vực, nhiều mặt hàng đòi hỏi phải sử dụng toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định nguyên phụ liệu sản xuất trong nước hoặc trong khu vực ký FTA mới được hưởng thuế ưu đãi. Quy tắc xuất xứ là thách thức cho xuất khẩu nhưng cũng bao hàm cơ hội khi tạo áp lực thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu. Từ một nền sản xuất phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu là nhập khẩu từ Trung Quốc, nay nhiều ngành sản xuất nước ta như dệt may, da giầy, chế biến gỗ, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm từ chất dẻo, cao su, dây điện và cáp điện… không những đã phần nào chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước kết tinh trong sản phẩm dành cho xuất khẩu, mà còn chuyển hướng nhập khẩu từ các thị trường được chấp nhận trong quy tắc xuất xứ của các FTAs.
Có thể nói, với việc tiên phong mở rộng các thị trường FTA lên tới 60 nền kinh tế, chiếm 75% kim ngạch mậu dịch toàn cầu, các FTA mà Việt Nam đang thực thi đã bổ trợ cho nhau trong 2 chiều (chiều đi - xuất khẩu để hưởng ưu đãi thuế quan) và chiều về (nhập khẩu - đóng góp vào tỷ lệ xuất xứ) đã giúp Việt Nam chủ động phân tán rủi ro,giảm tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại trong bối cảnh bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng.