Phân tích chiến lược chuyển dịch năng lượng tại một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Bài báo Phân tích chiến lược chuyển dịch năng lượng tại một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam do ThS. Nguyễn Thúy Ninh (Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng, Trường Đại học Điện lực) thực hiện.

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, xã hội và môi trường toàn cầu, chuyển dịch năng lượng từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo trở thành yêu cầu cấp thiết. Một số quốc gia nổi bật như Đức, Hoa Kỳ, Anh và Hàn Quốc là những quốc gia đi đầu triển khai các chiến lược chuyển dịch năng lượng góp phần vào hoạt động bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh. Bằng phương pháp nghiên cứu định tính, thu thập tài liệu, bài viết phân tích chiến lược chuyển dịch năng lượng thành công của các quốc gia này nhằm đưa ra một số bài học kinh nghiệm cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Việc tích hợp các bài học này vào hoạt động quy hoạch đồng bộ, phát triển hạ tầng, khuyến khích đầu tư hiệu quả, nâng cao nhận thức xã hội giúp Việt Nam không chỉ đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng thành công mà còn đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và thực hiện đúng cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.

Từ khóa: kinh nghiệm, chiến lược, chuyển dịch, năng lượng.

1. Đặt vấn đề

Biến đổi khí hậu hiện nay đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng và có tác động sâu rộng trên phạm vi toàn cầu. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng này là sự gia tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (GHG - Green House Gas) từ các hoạt động sản xuất và tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Chuyển dịch năng lượng sang các dạng năng lượng tái tạo trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm giảm thiểu lượng khí nhà kính, bảo vệ môi trường và tạo ra hệ thống năng lượng bền vững. Quá trình chuyển dịch này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp, người dân và cộng đồng quốc tế.

Các quốc gia tiên tiến như Đức, Hoa Kỳ, Anh và Hàn Quốc đã đóng vai trò tiên phong trong triển khai các chiến lược chuyển dịch năng lượng. Các chiến lược đó, không chỉ mang lại lợi ích cho các quốc gia này mà còn là bài học quý giá cho các quôc gia đang phát triển như Việt Nam trong việc xây dựng lộ trình chuyển dịch năng lượng phù hợp. Bằng phương pháp nghiên cứu định tính, thu thập tài liệu, dữ liệu phát thải từ năm 1990 (mốc quan trọng của Hiệp định Kyoto) bài viết nhằm nghiên cứu đánh giá tiến bộ của các nền kinh tế nổi bật trong việc kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính so với cam kết toàn cầu. Không chỉ cung cấp bức tranh toàn diện về sự tiến bộ trong hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, bài viết còn đưa ra các bài học thực tiễn Việt Nam có thể áp dụng trong quá trình chuyển đổi năng lượng nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

2.  Phân tích một số chiến lược nổi bật của các nước

2.1. Chiến lược "Energiewende" của Đức

Energiewende là một chiến lược chuyển đổi năng lượng của Đức nhằm giảm phát thải Carbon bằng cách chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo chủ yếu là điện gió và điện mặt trời. Chiến lược này của Đức không chỉ tập trung vào giảm phát thải khí CO2 mà còn hướng tới xây dựng hệ thống năng lượng bền vững, hiệu quả và an toàn. So với năm 1990, Đức đã giảm lượng khí thải Carbon 27.7% vào cuối năm 2017, vượt qua mục tiêu của Nghị định thư Kyoto là 21% vào cuối năm 2012. Quốc gia này đặt mục tiêu giảm lượng khí thải CO2 từ 80-95% vào năm 2050 so với năm 1990 [1] .

Theo báo cáo năm 2023 về lượng khí thải GHG của tất cả các quốc gia trên thế giới, lượng khí thải GHG của Đức giai đoạn 1990 - 2022 có xu hướng giảm và có sự thay đổi đáng kể trong các lĩnh vực. (Hình 1)

Bảng 1. Lượng phát thải khí CO2 theo các lĩnh vực tại Đức vào năm 1990 và năm 2022

Lượng phát thải CO2 của Đức

theo các lĩnh vực

Năm 1990

Tỷ trọng

(%)

Năm 2022

Tỷ trọng

(%)

Nông nghiệp

0.4505

0.04

0.5935

0.09

Tòa nhà

213.4945

21.18

123.5410

18.34

Khai thác nhiên liệu

50.4959

5.01

26.5932

3.95

Đốt cháy trong công nghiệp

156.1497

15.49

93.6107

13.90

Ngành công nghiệp điện

381.4778

37.84

244.5904

36.31

Các quy trình (sản xuất)

47.2571

4.69

40.3042

5.98

Vận tải

158.6041

15.73

144.3313

21.43

Chất thải

0.2085

0.02

0.0310

0.00

                                                              Đơn vị: triệu tấn CO₂ tương đương mỗi năm

Chiến lược thực hiện của quốc gia này tập trung vào một số khía cạnh sau:

- Điểm đặc biệt của Energiewende chính là cách quốc gia này đưa ra chính sách giúp giảm nhập khẩu năng lượng thông qua các hoạt động đẩy mạnh năng lượng tái tạo:

Tại Đức, năng lượng nhập khẩu chủ yếu là khí đốt, dầu, Urani và than đá. Hoạt động thúc đẩy năng lượng tái tạo và hiệu quả sử dụng năng lượng góp phần giảm đáng kể sản lượng nhập khẩu, do đó tăng cường an ninh năng lượng, giúp Đức ít bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu hóa thạch và chính trị từ các quốc gia khác. Trong chiến lược chuyển đổi năng lượng, Đức xây dựng nền tảng pháp lý đó là Luật Năng lượng tái tạo (Renewable Energy Sources Act hay EEG (Erneuerbare - Energien - Gesetz). Theo đó, ưu tiên phân phối điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng gió, mặt trời, các nhà máy thủy điện nhỏ) và giá sàn cho các nhà máy điện năng lượng tái tạo. Chính phủ Đức đã đưa ra các chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính, bao gồm cơ chế giá ưu đãi (Feed-in Tariff) cho các nhà sản xuất năng lượng tái tạo. Đây là chính sách đảm bảo các nhà đầu tư năng lượng tái tạo sẽ được hưởng mức giá ưu đãi trong một thời gian dài, giúp tăng cường sự hấp dẫn của lĩnh vực này đối với các nhà đầu tư. Từ năm 2017, Đức chuyển sang cơ chế đấu thầu cho các dự án năng lượng tái tạo lớn nhằm nâng cao tính cạnh tranh, giảm chi phí đầu tư, kiểm soát chi phí và tăng tính hiệu quả của hệ thống. Ngoài ra, Đức đã áp dụng thuế năng lượng hay thuế môi trường đối với xăng dầu, các hoạt động sản xuất, kinh doanh từ các nguông năng lượng không thân thiện với môi trường.

- Trong chiến lược này, Đức thúc đẩy mở rộng, nâng cấp và tối ưu lưới điện: để đạt mục tiêu điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo lên đến 80% vào năm 2050, quá trình chuyển dịch năng lượng này cần một lưới điện mở rộng, linh hoạt thích ứng với nhiều hoạt động truyền tải năng lượng tái tạo khi năng lượng gió hay mặt trời phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Các nhà máy điện than và khí đốt còn hoạt động yêu cầu vận hành linh hoạt hơn, có khả năng tăng giảm công suất nhanh chóng để cân bằng với sản lượng điện từ năng lượng tái tạo.

- Theo Energiewende, quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ tập trung vào các nghiên cứu R&D xanh. Nền kinh tế của Đức dựa vào xuất khẩu và là quốc gia tiên phong trong công nghệ xanh với mục tiêu xuất khẩu sản phẩm điện mặt trời lớn nhất toàn cầu. Đức đã đầu tư mạnh vào các công nghệ lưu trữ năng lượng như pin và hydro để đảm bảo cung cấp điện ổn định trong các thời điểm không có gió hoặc nắng.

- Do các vấn đề liên quan đến rủi ro, chi phí và chất thải chưa được giải quyết nên quốc gia này quyết định đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2022 và dừng khai thác than đá vào năm 2038). Đây được coi là dấu mốc quan trọng thể hiện cam kết mạnh mẽ của Đức trong việc hướng tới một hệ thống năng lượng sạch và bền vững. Đồng thời, trong chiến lược, Energiewende nhấn mạnh đến hoạt động người dân và doanh nghiệp địa phương có quyền kiểm soát và sở hữu các nguồn năng lượng tái tạo được lắp đặt và sản xuất tại khu vực sinh sống.

2.2. Thỏa thuận "Green New Deal" của Hoa Kỳ

Green New Deal (GND) là một nghị quyết quốc hội được Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez và Thượng nghị sĩ Ed Markey đề xuất vào năm 2019. Điểm đặc biệt của thỏa thuận GND mà bài viết phân tích đó chính là mục tiêu của thỏa thuận này. Thỏa thuận thiết lập các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch nền kinh tế sang hướng phát triển bền vững, xanh và công bằng xã hội. Mục tiêu của thỏa thuận không chỉ giảm tác động biến đổi khí hậu thông qua các hành động nhanh chóng để đạt mức phát thải khí nhà kính bằng không, sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2030, mà còn là tái cấu trúc nền kinh tế, thực hiện chuyển đổi công bằng và bảo vệ quyền lợi cho nhóm thành phần dễ bị tổn thương cũng như người lao động trong ngành công nghiệp xanh, mở ra hướng đi mới cho tương lai năng lượng toàn cầu [2].

Để hiểu rõ hơn về tác động của thỏa thuận GND, bài báo có tổng hợp về tình hình phát thải khí nhà kính của Hoa Kỳ trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2022 (Hình 2), từ đó thấy rõ các lĩnh vực có lượng phát thải lớn theo thời gian (Bảng 2).

Bảng 2. Lượng phát thải khí CO2 tại Hoa Kỳ năm 1990 và năm 2022

Lượng phát thải CO2 của

Hoa Kỳ theo các lĩnh vực

Năm 1990

Tỷ trọng

(%)

Năm 2022

Tỷ trọng

(%)

Nông nghiệp

3.2181

0.07

7.0020

0.14

Tòa nhà

883.6566

19.23

584.6725

12.05

Khai thác nhiên liệu

354.3110

7.71

293.9393

6.06

Đốt cháy trong công nghiệp

1104.1094

24.03

466.888

9.62

Ngành công nghiệp điện

1082.1002

23.55

1618.229

33.34

Các quy trình (sản xuất)

128.2286

2.79

162.5941

3.35

Vận tải

1039.7828

22.63

1720.455

35.45

                                                                       Đơn vị: triệu tấn CO₂ tương đương mỗi năm

Những số liệu trên cho thấy lý do tại sao các chính sách mạnh mẽ như GND rất cần thiết. Bài báo phân tích các mục tiêu cụ thể của thỏa thuận Green New Deal (GND) từ giảm phát thải khí nhà kính đến phát triển ngành công nghiệp xanh. Thỏa thuận này đề xuất một kế hoạch hành động bao gồm:

- Kế hoạch hành động của Hoa Kỳ tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp xanh thông qua các khoản tài trợ và cho vay với lãi suất thấp để có thể hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã phát triển xanh, đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng cho mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là những nhóm thành phần dễ bị ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực của môi trường.

- Green New Deal xây dựng mục tiêu chuyển đổi sang năng lượng sạch 100% vào năm 2030: GND hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và đáp ứng hoàn toàn nhu cầu năng lượng bằng các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải trong vòng 10 năm. Đồng thời, GND khuyến khích phát triển hệ thống lưới điện thông minh và các nguồn quỹ R&D tập trung vào các hoạt động nghiên cứu chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, địa nhiệt…), vật liệu bền vững, không độc hại có chu trình khép kín nhằm giảm thiểu chất thải và ô nhiễm, cùng với việc phát triển nông nghiệp hữu cơ và canh tác bền vững.

- Cung cấp việc làm xanh bằng cách triển khai chương trình việc làm toàn thời gian trong lĩnh vực năng lượng bền vững với mức lương tốt, tạo cơ hội việc làm trong các dự án năng lượng xanh và cơ sở hạ tầng. Đồng thời, chương trình này cũng hướng tới cải tạo các tòa nhà ở Hoa Kỳ để nâng cao hiệu quả năng lượng, phát triển hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích giao thông an toàn cho người đi bộ, đi xe đạp, xây dựng hệ thống cung cấp thực phẩm khu vực dựa trên nông nghiệp hữu cơ bền vững và sản xuất sạch.

- Kết hợp phát triển bền vững với công bằng xã hội là điểm đặc biệt của GND. Green New Deal không chỉ đưa ra các biện pháp kỹ thuật để giảm phát thải mà còn đề cao sự công bằng, đặc biệt là đối với các thành phần xã hội chịu tác động của bất bình đẳng kinh tế và xã hội. Các chính sách môi trường phải đảm bảo tính công bằng, không bỏ qua những nhóm dễ bị tổn thương và hướng tới sự phát triển toàn diện, công bằng hơn.

Green New Deal mang đến những bài học về việc kết hợp phát triển năng lượng bền vững với công bằng xã hội, đòi hỏi đầu tư lâu dài và sự ủng hộ từ xã hội. Mặc dù các thách thức về tài chính và xã hội còn rất nhiều nhưng việc tích hợp các giá trị bền vững với công bằng xã hội đã làm cho GND trở thành một hướng đi mới, một mô hình các quốc gia có thể học hỏi.

2.3. "Net Zero Carbon" của Vương quốc Anh

Chiến lược “Net Zero Carbon” nhằm mục tiêu đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng không vào năm 2050, đã được Vương Quốc Anh đưa vào luật từ năm 2019. Với sự ra đời của Đạo luật Biến đổi Khí hậu năm 2018 và Đạo luật Môi trường năm 2021, Vương quốc Anh trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm các quốc gia G7 cam kết về phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Quốc gia này đang xây dựng nền tảng vững chắc, hướng tới một tương lai phát triển bền vững và ít phát thải [3].

Để hiểu được vai trò của Net Zero Carbon, trong chiến lược giảm phát thải, số liệu về phát thải khí nhà kính theo các lĩnh vực của Vương quốc Anh qua các năm được tác giả tổng hợp tại Hình 3 và Bảng 3. Các dữ liệu này không chỉ cho thấy các lĩnh vực có phát thải cao mà còn cho thấy hiệu quả của các chính sách giảm phát thải được triển khai.

Bảng 3. Lượng phát thải khí CO2 theo các lĩnh vực tại Anh vào năm 1990 và năm 2022

Lượng phát thải CO2 của Anh

theo các lĩnh vực

Năm 1990

Tỷ trọng

Năm 2022

Tỷ trọng

Nông nghiệp

2.4986

0.43

1.8664

0.55

Tòa nhà

109.5386

18.85

90.4712

26.56

Khai thác nhiên liệu

37.2389

6.41

26.1326

7.67

Đốt cháy trong công nghiệp

76.9586

13.25

29.8174

8.75

Ngành công nghiệp điện

219.4957

37.78

72.8993

21.40

Các quy trình (sản xuất)

19.7435

3.40

12.6723

3.72

Vận tải

114.9713

19.79

106.6886

31.32

Chất thải

0.5669

0.10

0.0623

0.02

Chiến lược “Net Zero Carbon” tập trung vào các giải pháp giảm thiểu và khử Carbon như sau:

- Chiến lược Net Zero tập trung loại bỏ dần phương tiện chạy xăng và dầu diesel, giảm phát thải carbon từ hệ thống sưởi quy mô lớn thông qua bơm nhiệt hoặc hydro.

- Phát triển các công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS).

- Mục tiêu trồng mới 20.000 ha rừng mỗi năm trên khắp Vương quốc Anh, với kỳ vọng tăng lên 27.000 ha vào năm 2025.

- Chuyển đổi các ngành công nghiệp có mức phát thải cao theo hướng khử carbon; phương tiện vận tải hạng nặng và các hoạt động hàng không, vận tải quốc tế cũng được yêu cầu chuyển sang sử dụng các nguồn nhiên liệu phát thải thấp. Đồng thời, chuyển đổi 1% diện tích đất nông nghiệp sang các mục đích hỗ trợ giảm phát thải, như trồng rừng, sản xuất sinh khối và phục hồi than bùn.

- Với lượng phát thải còn lại, quốc gia này đã tiến hành thực hiện các giải pháp loại bỏ CO2 khỏi khí quyển hoặc cô lập vĩnh viễn bằng năng lượng sinh học bền vững kết hợp thu giữ và lưu trữ carbon.

Những giải pháp này không chỉ giúp giảm phát thải mà còn thúc đẩy sự chuyển dịch sang nền kinh tế xanh và bền vững. Thành công của chiến lược Net Zero không chỉ thuộc trách nhiệm của các cơ quan năng lượng, môi trường, mà yêu cầu sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính phủ và các cấp chính quyền. Các chính sách được tài trợ đầy đủ và triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế để thúc đẩy đổi mới, phát triển thị trường và khuyến khích người tiêu dùng tiếp nhận các công nghệ carbon thấp. Tổng chi phí thực hiện có thể được phân bổ công bằng thông qua các chương trình tài trợ và cơ chế phân bổ chi phí cho doanh nghiệp, hộ gia đình và ngân sách quốc gia.

Mô hình Net Zero Carbon của Vương quốc Anh là một chiến lược toàn diện và có tầm nhìn dài hạn để đối phó với biến đổi khí hậu. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cấp chính quyền cùng những khoản đầu tư lớn vào công nghệ năng lượng tái tạo, Vương quốc Anh đang dẫn đầu trong hoạt động giảm phát thải carbon. Tuy nhiên, thách thức về chi phí và những khó khăn trong việc giảm phát thải từ các ngành khó khử carbon vẫn là những trở ngại lớn trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu này.

2.4. Mô hình "Green Growth" của Hàn Quốc

Lựa chọn con đường phát triển kinh tế xanh với lượng phát thải carbon thấp là sự lựa chọn của rất nhiều quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, trong đó có Hàn Quốc. Tăng trưởng xanh đem lại cơ hội quan trọng để giải quyết các thách thức phát triển chưa từng có, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, khắc phục suy thoái kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu. Mô hình tăng trưởng xanh Green Growth là một chiến lược dài hạn nhằm mục tiêu cân bằng tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Chiến lược này nhấn mạnh vào việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong khi giảm phát thải khí nhà kính không còn coi là cản trở mà trở thành cơ hội động lực mới trong công nghệ xanh, ngành công nghiệp xanh và việc làm xanh.

Điểm nổi bật trong mô hình tăng trưởng xanh của Hàn Quốc là cách tiếp cận toàn diện.

- Hàn Quốc đã theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh một cách toàn diện thông qua việc thành lập cơ quan điều phối trung ương chuyên trách, huy động các bộ ngành và thu hút sự tham gia của các bên liên quan. Được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cấp chính quyền, Hàn Quốc đã thành lập và trao quyền cho Ủy ban Tổng thống về tăng trưởng xanh (PCGG) năm 2009, nhằm thực hiện và triển khai kế hoạch tăng trưởng xanh trên toàn quốc. Các kế hoạch dài hạn và trung hạn được xây dựng tích hợp các mục tiêu kinh tế, môi trường và xã hội vào một khuôn khổ thống nhất, đảm bảo các hoạt động tăng trưởng xanh được thực hiện một cách có hệ thống và có tổ chức với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ ngân sách.

- Xây dựng các kế hoạch toàn diện quốc gia về tăng trưởng xanh: Hai kế hoạch chính - Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh (2009-2050) và kế hoạch 5 năm (2009-2013) đảm bảo các hoạt động tăng trưởng xanh được thực hiện một cách hệ thống và tổ chức, với sự hỗ trợ từ ngân sách. Kế hoạch dài hạn hướng tới 3 mục tiêu chính, được xây dựng dựa trên 10 định hướng chính sách được sự đồng thuận của các bên liên quan từ khu vực công, tư và xã hội dân sự.

- Bằng tuyên bố về các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, Hàn Quốc cam kết giảm phát thải 30% so với mức thông thường vào năm 2020 là một định hướng quan trọng để xây dựng xã hội ít carbon. Cam kết này được thực hiện thông qua việc thông qua Luật Chương trình giao dịch phát thải quốc gia, chương trình quản lý mục tiêu, hệ thống báo cáo kiểm kê khí nhà kính quốc gia và các cải cách liên quan khác.

- Ban hành Đạo luật khung về tăng trưởng xanh và carbon thấp: Đạo luật này, được thông qua năm 2008 như một chiến lược phát triển mới, đã thể chế hóa tăng trưởng xanh ở cấp quốc gia, thiết lập khung quản trị và cơ chế phối hợp cho các bên liên quan trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, xây dựng một nền kinh tế ít carbon và bền vững.

Mô hình tăng trưởng xanh của Hàn Quốc là mô hình mẫu về sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường với các chính sách đồng bộ, quyết tâm mạnh mẽ từ bộ máy chính trị.

3. Bài học cho Việt Nam trên con đường xây dựng lộ trình chuyển dịch năng lượng hiệu quả, công bằng và bền vững

3.1. Một số chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững và giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam

Trong bối cảnh lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam không ngừng gia tăng qua các giai đoạn, Việt Nam đang đối mặt với nhu cầu cấp bách trong việc xây dựng lộ trình chuyển dịch năng lượng bền vững. Việt Nam đã triển khai đưa ra nhiều chính sách nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững và giảm phát thải khí nhà kính. Dưới đây tác giả tổng hợp các chính sách quan trọng như sau:

- Nghị quyết số 55-NQ/TW (2020) [5]: Ban hành ngày 11/2/2020, Nghị quyết này định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nhấn mạnh việc cơ cấu lại các ngành tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài, nhằm giảm cường độ năng lượng và khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng nhưng hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

- Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia (Quy hoạch Điện VIII) [6]: Được phê duyệt nhằm định hướng phát triển ngành Điện giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch này ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, giảm dần nhiệt điện than và tăng cường sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ điện từ năng lượng tái tạo đạt 31-39%, và đến năm 2050 đạt 68 - 72%.

- Cam kết tại COP26: Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Cam kết này định hướng Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp và tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới.

- Chiến lược Tăng trưởng Xanh Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 [7]: Chiến lược này đặt mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và chuyển đổi công bằng. Đặc biệt, chiến lược nhấn mạnh việc nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm tiêu hao năng lượng trong sản xuất, vận tải và thương mại.

- Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP): Việt Nam tham gia JETP nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Chương trình này cũng hướng tới việc đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

3.2. Bài học cho Việt Nam trên con đường xây dựng lộ trình chuyển dịch năng lượng hiệu quả, công bằng và bền vững

Những chính sách trên thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững, giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, Việt Nam có thể học hỏi thêm nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng từ các mô hình chuyển dịch năng lượng thành công trên thế giới, như Energiewende của Đức, Green New Deal của Hoa Kỳ, Net Zero Carbon của Vương quốc Anh và Green Growth của Hàn Quốc. Những quốc gia này đã thiết lập nền tảng vững chắc trong chuyển dịch năng lượng thông qua:

- Quy hoạch đồng bộ và dài hạn

Đức và Anh là hai quốc gia đã thành công trong việc xây dựng một kế hoạch chuyển dịch năng lượng với lộ trình dài hạn và chi tiết, đảm bảo sự phát triển năng lượng tái tạo không chỉ tập trung vào sản xuất, mà còn bao gồm cả nâng cấp cơ sở hạ tầng truyền tải điện. Việt Nam cần học hỏi từ hai quốc gia này để xây dựng quy hoạch đồng bộ, bao gồm quá trình sản xuất và truyền tải năng lượng tái tạo.

- Phát triển hạ tầng lưu trữ và truyền tải năng lượng

Một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam là khả năng lưu trữ và chuyển tải năng lượng tái tạo. Qua kinh nghiệm từ Energiewende của Đức cho thấy quốc gia này đã gặp phải một số thách thức trong việc nâng cấp lưới điện để truyền tải điện gió và mặt trời từ các vùng sản xuất đến các vùng tiêu thụ. Đây là một bài học quan trọng cho Việt Nam trong việc không chỉ tập trung vào phát triển nguồn năng lượng tái tạo mà còn phải chú trọng vào hiện đại hóa và mở rộng hệ thống truyền tải điện để đảm bảo nguồn điện được cung cấp ổn định và hiệu quả.

- Khuyến khích đầu tư tư nhân và quốc tế

Green New Deal của Hoa Kỳ và Green Growth của Hàn Quốc: mô hình này nhấn mạnh vai trò của đầu tư tư nhân và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng thông qua các chính sách hỗ trợ như giảm thuế, trợ cấp và đầu tư vào hạ tầng năng lượng xanh, các giải pháp năng lượng bền vững. Việt Nam có thể tạo ra các cơ chế tài chính hấp dẫn và thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án năng lượng tái tạo, tạo cơ hội cho các ngành công nghiệp xanh phát triển trên nền thể chế phù hợp và có tính động lực.

- Nâng cao nhận thức và sự đồng thuận xã hội

Một trong những yếu tố quan trọng giúp quá trình chuyển dịch năng lượng thành công đó là sự đồng thuận của xã hội. Trong mô hình Energiewende của Đức và Green Growth của Hàn Quốc, Chính phủ các quốc gia này đã tăng cường giáo dục, truyền thông về lợi ích của năng lượng tái tạo, thúc đẩy toàn xã hội tham gia vào quá trình chuyển đổi. Việt Nam cần xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức hiểu biết của người dân về lợi ích của chuyển dịch năng lượng, nhằm tạo sự đồng thuận xã hội.

- Tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả năng lượng

Từ kinh nghiệm của chiến lược Net Zero Carbon cho thấy việc phát triển các chương trình cải thiện hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà và giao thông công cộng, giúp giảm đáng kể lượng tiêu thụ năng lượng. Việt Nam có thể học hỏi áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, cải thiện hiệu quả trong các ngành công nghiệp và giao thông.

4. Kết luận

Các mô hình chuyển dịch năng lượng của Đức, Hoa Kỳ, Anh và Hàn Quốc đều cung cấp những bài học quý giá cho Việt Nam trong việc phát triển năng lượng bền vững. Việc học hỏi từ các mô hình chuyển dịch năng lượng trên thế giới rất cần thiết để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính. Mỗi mô hình đều cung cấp những chiến lược khả thi trong việc giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo và đảm bảo an ninh năng lượng bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần điều chỉnh các chiến lược này phù hợp với bối cảnh và điều kiện trong nước. Các bài học quan trọng cho Việt Nam bao gồm việc xây dựng quy hoạch đồng bộ, phát triển cơ sở hạ tầng lưu trữ và truyền tải năng lượng, khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân và quốc tế và nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của năng lượng tái tạo. Đồng thời, cần tập trung vào tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp, xây dựng và giao thông.

Việc tích hợp các bài học này vào chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam sẽ không chỉ giúp đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng mà còn đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]         Á. Pelegry, E. Ortiz Martínez, and I. Menéndez Sánchez, (2016). The German Energy Transition (Energiewende) Policy, Energy Transformation and Industrial Development, Ger. Energy Transit. (Energiewende). Policy, Energy Transform. Ind. Dev., no. May, p. 203.

[2]         G. Carlock, E. Mangan, and S. Mcelwee, (2019). A green new deal a progressive vision for environmental, no. September.

[3]         Committee on Climate Change, (2018). Net Zero: The UK’s contribution to stopping global warming,” Comm. Clim. Chang., no. May, p. 275.

[4]         Global Green Growth Institute, (2015). Korea’s Green Growth Experience: Process, Outcomes and Lessons Learned.

[5]         Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2020). Nghị quyết số 55-NQ/TW  về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

[6]         Thủ tướng Chính phủ, (2023). Quyết định số 500/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

[7]         Thủ tướng Chính phủ, (2012). Quyết định số 1393/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 -2020, tầm nhìn 2050.

Global energy transition strategies: Insights and lessons for Vietnam's path to sustainability

Master. NGUYEN THUY NINH

Faculty of Industrial and Energy Management

Electric Power University

Abstract:

As climate change continues to pose complex challenges to the global economy, society, and environment, the transition from fossil fuels to renewable energy has become an urgent priority. Leading nations such as Germany, the United States, the United Kingdom, and South Korea have pioneered energy transition strategies that advance environmental protection and foster green economic growth. This study employs qualitative research methods and data analysis to examine the success of these strategies, extracting valuable lessons for Vietnam’s energy transition. By integrating these insights into comprehensive planning, infrastructure development, targeted investments, and social awareness campaigns, Vietnam can achieve its energy transition objectives while ensuring sustainable economic growth, environmental protection, and compliance with international climate commitments.

Keywords: lessons, strategy, transition, energy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 12 năm 2024]

Tạp chí Công Thương