Phát huy mô hình hợp tác mới Việt - Lào +1

Phát huy các mô hình hợp tác mới như hợp tác Việt Nam-Lào +1 để tận dụng tiềm năng, thế mạnh của hai nước và tranh thủ tiềm lực về vốn, kinh nghiệm, công nghệ của đối tác; tận dụng các hiệp định thương mại tự do để tăng cường hiệu quả thương mại, mở rộng thị trường và thu hút đầu tư.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tiếp ông Võ Văn Thưởng khi ông trên cương vị Thường trực Ban Bí thư hồi tháng 7/2022 - Ảnh: TTXVN
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith tiếp ông Võ Văn Thưởng khi ông trên cương vị Thường trực Ban Bí thư hồi tháng 7/2022 - Ảnh: TTXVN

 

Hợp tác Việt - Lào đi vào chiều sâu

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Việt Nam sẽ thăm chính thức Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào từ ngày 10-11/4. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trên cương vị mới.

Chuyến thăm Lào lần này của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng được thực hiện trong bối cảnh hai Đảng, hai nước đang triển khai mạnh mẽ nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Dự kiến trong thời gian thăm Lào, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ dự lễ đón chính thức, hội đàm và cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác; hội kiến với Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Lào; tiếp Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Lào-Việt Nam.

Chủ tịch nước cũng sẽ dự chiêu đãi chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào; thăm Đại sứ quán Việt Nam và gặp một số đại diện cộng đồng ta tại Lào.

Những hoạt động quan trọng này được đánh giá sẽ giúp tạo ra xung lực mới cho quan hệ hợp tác Việt - Lào ở tất cả các kênh và lĩnh vực hợp tác; góp phần triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao của hai Đảng, hai nước, trong đó có Thỏa thuận Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2030 và Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2025.

Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng nhận định, hai nước cần tập trung vào các ưu tiên sau:

Một là, tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu, thực hiện tốt các Thỏa thuận cấp cao, đặc biệt, cần tiếp tục giữ gìn và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; quán triệt và nâng cao nhận thức chung về tầm quan trọng của quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào cho mọi người dân.

Hai là, nâng tầm hợp tác kinh tế hai nước bằng việc mở rộng, nâng cấp kết nối giao thông Đông-Tây; thiết lập cơ chế hợp tác đồng bộ, chính sách đặc biệt nhằm giải phóng nguồn lực, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhân dân hai nước đầu tư, kinh doanh; giải quyết vướng mắc bằng các giải pháp đột phá;

Phát huy các mô hình hợp tác mới như hợp tác Việt Nam-Lào +1 để tận dụng tiềm năng, thế mạnh của hai nước và tranh thủ tiềm lực về vốn, kinh nghiệm, công nghệ của đối tác; tận dụng các hiệp định thương mại tự do để tăng cường hiệu quả thương mại, mở rộng thị trường và thu hút đầu tư.

Ba là, tập trung vào chất lượng, hiệu quả trong phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng các nhu cầu về phát triển của mỗi nước, đồng thời, góp phần thắt chặt tình cảm gắn bó, đoàn kết giữa nhân dân hai nước.

Tăng trưởng ấn tượng

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào cả năm 2022 đạt giá trị 1,703 tỷ USD, tăng 24% so với cả năm 2021. Mức tăng trưởng ấn tượng này vượt qua kỳ vọng lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra tại Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào.

Trong năm 2022, ngành Công Thương hai nước đã thường xuyên phối hợp, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa Việt Nam và Lào như Diễn đàn doanh nghiệp hai nước do cấp Bộ trưởng chủ trì tháng 4/2022; Hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam-Lào trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng tháng 5/2022 với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của 170 doanh nghiệp hai nước; Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào tổ chức tại Viêng Chăn, Lào tháng 8/2022 với quy mô 250 gian hàng tiêu chuẩn với sự tham gia của 128 doanh nghiệp hai nước; Diễn đàn thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam-Lào tháng 11/2022; Tổ chức thành công Hội nghị hợp tác thương mại biên giới Việt-Lào lần thứ XII; Hội nghị hợp tác phát triển ngành công thương năng lượng và mỏ Việt Nam-Lào do cấp Bộ trưởng chủ trì, tổ chức vào tháng 12/2022 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Về đầu tư, tại Diễn đàn thương mại và đầu tư Việt Nam - Lào do UBND TP.HCM phối hợp vơi Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại TP.HCM tổ chức ngày 13/12 năm trước, bà Phimpha Keomixay, Tổng lãnh sự nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại TP.HCM cho biết, hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Lào đã có ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng như: nông nghiệp, năng lượng, sản xuất, phân phối các hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu, hàng tiêu dùng; cung ứng các dịch vụ quan trọng như ngân hàng, du lịch, khách sạn, trung tâm thương mại...

Việt Nam hiện nay đứng thứ 3 trong số các quốc gia đầu tư tại Lào, với 211 dự án, tổng vốn đăng ký 5,2 tỷ USD. Đến nay, nhiều dự án của doanh nghiệp Việt Nam đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, có đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của Lào và được Chính phủ hai nước ghi nhận, đánh giá cao.

Tổng lãnh sự Lào cũng cho rằng, thành công của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tại Lào đã và đang kích thích các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong các lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, hàng không… chuyển hướng đầu tư sang Lào ngày một nhiều hơn.

Đỗ Trọng