Đây là các lớp học được triển khai thuộc dự án “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thương mại nông thôn”, nhằm phát huy tốt hơn vai trò của hộ kinh doanh, cung cấp những kiến thức cơ bản về cơ chế, chính sách và những quy định hiện hành của Nhà nước đối với thương nhân nói chung, các hộ kinh doanh nói riêng… Phần lớn thời lượng của chương trình dành cho giảng viên trình bày về kỹ năng, nghiệp vụ bán hàng; cơ chế chính sách của nhà nước về phát triển và quản lý thương nhân; thảo luận hỏi đáp trực tiếp giữa học viên và giảng viên.
PGS. TS. Đinh Văn Thành phát biểu tại lễ khai giảng lớp ở Hà Tĩnh.
Căn cứ vào nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 23/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020”, trong đó có Dự án “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thương mại nông thôn”, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp bồi dưỡng cho 252 chủ nhiệm Hợp tác xã Thương mại và 2.250 hộ kinh doanh cho 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại Quyết định số 2512/QĐ-BCT ngày 18 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt “Kế hoạch thực hiện dự án đào tạo, bồi dưỡng chủ nhiệm Hợp tác xã Thương mại và Hộ kinh doanh năm 2013”.Phát biểu và cho ý kiến chỉ đạo tại Lễ khai giảng lớp học ở Hà Nam, Tiến sỹ Lê Việt Nga nhấn mạnh “Hộ kinh doanh thương mại đóng vai trò quan trọng trong lưu thông hàng hóa của toàn xã hội, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của hộ kinh doanh thương mại chiếm tới 60-75% tổng mức lẻ hàng hóa (TMBLHH) và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước, góp phần lớn trong việc làm tăng giá trị của TMBL qua các năm. Ngoài ra, theo công bố của Tổng cục Thống kê, hơn 3 triệu hộ kinh doanh hiện đang đóng góp vào GDP hàng năm trung bình lên đến 18%, cao hơn rất nhiều so với khối doanh nghiệp tư nhân, thậm chí cao hơn cả khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc nộp vào ngân sách Nhà nước một tỷ lệ lớn hàng năm, các hộ kinh doanh thương mại đã tạo ra hàng trăm ngàn tỷ đồng giá trị gia tăng mỗi năm. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh thương mại còn tạo ra hàng triệu chỗ làm cho người lao động, năm sau cao hơn năm trước. Không những giải quyết việc làm, tăng thu nhập, tăng nguồn thu cho ngân sách... mà hộ kinh doanh thương mại còn là mạng lưới rộng lớn nhất, phát triển về tận những vùng xa, vùng khó khăn mà các lĩnh vực kinh doanh khác không đáp ứng được. Vì vậy, đây chính là kênh phân phối và lưu thông hàng hóa quan trọng tới vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, giúp cân đối thương mại và phát triển kinh tế địa phương”.
Để đảm bảo chất lượng và hiệu quả của lớp Bồi dưỡng, Tiến sỹ Lê Việt Nga cũng đề nghị: “Ban tổ chức và các báo cáo viên tạo điều kiện tốt nhất có thể và với phương pháp phù hợp để truyền đạt những kiến thức và kinh nghiệm quý tới các học viên. Theo đó, trong chương trình của lớp bồi dưỡng, ngoài việc các giảng viên, báo cáo viên trình bày kiến thức và kinh nghiệm, cũng cần dành thời gian thảo luận, tọa đàm nhằm giải đáp những vướng mắc, kiến nghị của các học viên, để các học viên trao đổi, học tập kinh nghiệm của nhau qua thực tiễn kinh doanh của mình”.
Thay mặt địa phương và các học viên, Ông Đinh Văn Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Nam đã bày tỏ: Đây là cơ hội tốt để học viên cũng như các cán bộ quản lý nắm được kiến thức kinh doanh và cơ chế chính sách của nhà nước ở lĩnh vực này. Từ đó vận dụng và nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao thu nhập, góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương. Đồng thời, ông cũng đề xuất Bộ Công Thương tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng này vì nhu cầu tại địa phương còn rất lớn, trong khi ngân sách cũng như khả năng của địa phương còn hạn hẹp.
Được biết, các lớp bồi dưỡng “Kiến thức kinh doanh quy mô hộ gia đình” này sẽ tiếp tục được Bộ Công Thương thực hiện từ nay đến hết năm 2015 ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự kiến, tổng số hộ kinh doanh được bồi dưỡng của Dự án này là 10.000 hộ.