Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 09 năm 2012, trong đó đặt chỉ tiêu giai đoạn 2011 - 2020 giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8 - 10% so với mức năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 – 1,5% mỗi năm. Cụ thể hơn, để thực hiện mục tiêu đó, Kế hoạch hành động (KHHĐ) quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2014, trong đó phát triển carbon thấp là một trong 04 nội dung chính của bản KHHĐ. Nội dung của KHHĐ quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 nêu rõ, giảm phát thải KNK tập trung vào sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh (FCO) và Quỹ Châu Á (TAF), Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công nghiệp (IPSI), Bộ Công Thương thực hiện dự án “Xây dựng mô hình hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển theo định hướng carbon thấp”. Dự án này được thực hiện trong thời gian 2012 – 2015 và lựa chọn Đà Nẵng là địa phương thực hiện. Vì tình hình phát triển các KCN của Việt Nam đang có những điểm cần xem xét lại, trong khi đó các KCN tập trung rất nhiều đơn vị sản xuất phát thải nhiều KNK, dự án lựa chọn đối tượng nghiên cứu là 02 KCN: KCN dịch vụ thủy sản (DVTS) Đà Nẵng và KCN Liên Chiểu.
Trong thời gian thực hiện dự án, IPSI đã thu thập số liệu và tính toán được phát thải KNK của 02 KCN trong các năm quá khứ, từ 2010 - 2013 và căn cứ vào đó dự báo phát thải KNK đến năm 2020. Trên cơ sở phân tích kết quả tính toán, IPSI đã xây dựng KHHĐ giảm phát thải KNK cho 02 KCN trên và đều đã được UBND Tp.Đà Nẵng phê duyệt. KHHĐ giảm phát thải KNK tại KCN DVTS Đà Nẵng được UBND Tp.Đà Nẵng phê duyệt theo quyết định số 6954/KH-UBND ngày 08/8/2014. KHHĐ giảm phát thải KNK tại KCN Liên Chiểu được UBND Tp. Đà Nẵng phê duyệt theo quyết định số 2203/KH-UBND ngày 27/3/2015. IPSI đã thực hiện hoạt động đánh giá chính sách, rà soát việc thực hiện KHHĐ giảm phát thải KNK cho KCN DVTS Đà Nẵng, qua đó ghi nhận những điểm thành công để nhân rộng và những vướng mắc, từ đó xây dựng những đề xuất chính sách tháo gỡ.
Cường độ phát thải KNK trên mỗi đơn vị giá trị gia tăng còn cao, đặc biệt là ở các doanh nghiệp quy mô nhỏ
Khi tham vấn các doanh nghiệp trong 02 KCN, rất ít doanh nghiệp có nhận thức về khái niệm “phát triển carbon thấp” hay “phát thải KNK”. Tuy nhiên, khi giải thích cho doanh nghiệp rằng, phát triển carbon thấp bản chất là sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và ứng dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thì doanh nghiệp đều hiểu và ủng hộ định hướng phát triển carbon thấp. Tất cả doanh nghiệp đều đồng ý rằng, phát triển carbon thấp giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, sử dụng hiệu quả các dòng chi phí đầu vào, giảm thiểu những thất thoát, lãng phí nguyên/nhiên liệu, năng lượng cũng như tài nguyên.
Mặc dù ủng hộ việc phát triển theo định hướng carbon thấp, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng ưu tiên thực hiện, hoặc có điều kiện để thực hiện theo đúng định hướng đó. Những nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp theo định hướng carbon thấp, chủ yếu được nhìn nhận dưới quan điểm là đổi mới công nghệ để tiết kiệm chi phí năng lượng, giảm giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh. Có thể kể ra những nhu cầu đổi mới công nghệ, như giảm tiêu thụ điện, chuyển đổi nhiên liệu đốt than/dầu FO sang nhiên liệu sinh khối, thay thế dầu FO bằng dầu FOR, thu hồi nhiệt thải của lò hơi/lò đốt. Đặc biệt, Công ty CP Thương mại thủy sản Thuận Phước còn có nhu cầu thu hồi khí mê tan từ hệ thống xử lý nước thải (XLNT) của mình.
Nguồn tài chính để thực hiện đổi mới công nghệ là vấn đề mà hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong số các doanh nghiệp được tham vấn, chỉ có 02 doanh nghiệp (Công ty CP Thương mại thủy sản Thuận Phước và Công ty CP Cao su Đà Nẵng) tuyên bố không gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn tài chính, và Công ty Thép Đà Nẵng cho biết, nếu có hỗ trợ tài chính từ bên ngoài thì sẽ đẩy nhanh hơn việc thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ, chứ không mang yếu tố quyết định. Các doanh nghiệp còn lại đều cho biết, họ gặp khó khăn khi huy động tài chính để thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ. Những doanh nghiệp này hầu hết có quy mô nhỏ, trang thiết bị cũ, lạc hậu, hoạt động không ổn định và năng lực tài chính thấp. Chính vì thế mà họ thường ưu tiên bố trí nguồn tài chính cho việc duy trì sản xuất và thực hiện các hoạt động mang tính bắt buộc của pháp luật, như đầu tư xử lý môi trường.
Có thể lấy ví dụ: Công ty Sứ Cosani, có nhu cầu đổi mới công nghệ để thu hồi nhiệt thải từ lò nung, với tổng kinh phí dự kiến 500 triệu đồng, nhưng doanh nghiệp lại bố trí nguồn tài chính vào việc xây dựng thêm kho bãi chứa sản phẩm. Hoặc như đối với Công ty TNHH Bắc Đẩu có nhu cầu thay thế bóng đèn TKNL và lắp đặt biến tần để tối ưu hóa hoạt động của các máy nén, tuy nhiên doanh nghiệp lại bố trí nguồn tài chính vào việc xây dựng thêm kho lạnh…, vì đó là những nhu cầu cấp bách trước mắt của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cho biết, TKNL là cần thiết, là đem lại lợi ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ ưu tiên bố trí tài chính cũng như nhân lực để duy trì hoạt động sản xuất, thực hiện đơn hàng và đem lại doanh thu cho doanh nghiệp. Do đó, mặc dù có những nhu cầu đổi mới công nghệ để TKNL, nhưng doanh nghiệp không có điều kiện thực hiện. Với hiện trạng trang thiết bị cũ đã qua sử dụng, không được nâng cấp thay thế hay đổi mới công nghệ, hiệu quả sử dụng năng lượng ở các doanh nghiệp nhóm này là tương đối thấp, phát thải KNK nhiều, nhưng giá trị sản xuất công nghiệp không cao. Nói cách khác, chỉ tiêu cường độ phát thải KNK tính trên mỗi đơn vị giá trị gia tăng ở nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ là rất cao.
Kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm về xây dựng chính sách
Với KHHĐ giảm phát thải KNK cho KCN DVTS Đà Nẵng được phê duyệt và ban hành ngày 08 tháng 8 năm 2014, hoạt động rà soát, đánh giá hiệu quả KHHĐ được thực hiện và kết thúc vào tháng 01 năm 2015. Trong quá trình rà soát, IPSI đã làm việc với 17/17 doanh nghiệp ở KCN DVTS Đà Nẵng để thu thập số liệu thực tế đối chiếu với số liệu dự báo được nêu trong KHHĐ. Cũng trong quá trình làm việc với doanh nghiệp, IPSI đã giải thích thêm cho doanh nghiệp về những vấn đề mà doanh nghiệp còn mơ hồ, chưa nắm rõ.
So sánh lượng phát thải KNK của các tiểu lĩnh vực có kết quả như sau: lĩnh vực sử dụng điện tăng 2.449 tấn CO2 tương đương, lĩnh vực đốt nhiên liệu giảm 348 tấn CO2 tương đương, lĩnh vực chôn lấp chất thải rắn (CTR) giảm 391 tấn CO2 tương đương, lĩnh vực XLNT giảm 1.511 tấn CO2 tương đương. Tổng phát thải ở KCN năm 2014 tăng một lượng nhỏ là 199 tấn CO2 tương đương.
Phát thải KNK từ lĩnh vực sử dụng điện tăng do trong năm 2014, thị trường đã phục hồi và các doanh nghiệp đẩy mạnh việc chế biến sâu các sản phẩm thủy sản, dẫn đến nhu cầu sử dụng nhiều năng lượng hơn; nhưng đồng thời thu được giá trị gia tăng cao hơn. Hơn thế nữa, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng kho lạnh mới để cho thuê, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng lên từ hoạt động vận hành kho lạnh. Các hoạt động TKNL được thực hiện trong năm 2014 có làm giảm phát thải KNK một lượng 28 tấn CO2 tương đương, tuy nhiên không đáng kể so với lượng tăng tổng điện năng tiêu thụ.
Các lĩnh vực khác có phát thải KNK giảm do các nguyên nhân, như chuyển đổi nhiên liệu đốt từ than sang sinh khối, giảm phát sinh CTR sinh hoạt, tách bỏ CTR kích thước nhỏ cuốn theo dòng nước thải, tuần hoàn tái sử dụng nước thải sau xử lý cục bộ... Đây là những hoạt động đã được xây dựng trong KHHĐ giảm phát thải KNK cho KCN DVTS Đà Nẵng. Kết quả tính toán đã cho thấy, tiêu thụ điện là lĩnh vực phát thải lớn nhất, chiếm từ 55% đến 62% tổng phát thải KNK. Do đó, khi tiêu thụ điện tăng ngoài khả năng dự báo, kéo theo tổng phát thải KNK tăng lên kể cả khi mà tất cả tiểu lĩnh vực khác đều giảm phát thải KNK.
Dự án này đã thực hiện đúng quy trình xây dựng chính sách, bao gồm Bước 1: Xác định vấn đề nổi cộm/ưu tiên và tổ chức cuộc họp; Bước 2: Nghiên cứu và lựa chọn chính sách; Bước 3: Ban hành chính sách; Bước 4: Thực hiện chính sách; Bước 5: Rà soát và đánh giá chính sách, điều chỉnh và ban hành mới (nếu cần). Khi xây dựng KHHĐ của cả 02 KCN, vai trò của doanh nghiệp được đề cao khi hầu hết mọi bước đều gắn với vai trò của doanh nghiệp và tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp. Ngoài ra, vai trò của các cơ quan QLNN tại Đà Nẵng cũng được thể hiện rõ rệt khi IPSI đã làm việc trực tiếp với hầu hết các Sở, Ban, ngành liên quan, cũng như tổ chức các hội thảo tham vấn chính sách với sự tham gia của nhiều bên.
KHHĐ giảm phát thải KNK cho 02 KCN được xây dựng trên cơ sở tham vấn các doanh nghiệp, các nhà khoa học, các cơ quan QLNN và tổ chức các hội thảo nhằm tạo cơ hội cho tất cả các bên liên quan có thể đóng góp ý kiến cũng như phản hồi những ý kiến của nhau. Vì thế, KHHĐ được xây dựng với sự thống nhất cao, khả thi để thực hiện và đã đóng góp vào nỗ lực cắt giảm phát thải KNK ở KCN DVTS Đà Nẵng.
Các kiến nghị chính sách rút ra từ kinh nghiệm thực hiện dự án
- Hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu là yếu tố cơ bản để tiến hành các nghiên cứu, cũng như hoạt động MRV (Measuring – Reporting – Verification) của các dự án cắt giảm phát thải KNK. Số liệu phục vụ dự án thí điểm ở Đà Nẵng có những lĩnh vực không đầy đủ và cần phải ngoại suy hoặc giả định. Hiện tại, Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng đã xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu online, nhằm thu thập các số liệu hiện có sẵn ở doanh nghiệp lưu trữ trên hệ thống online để phục vụ mục đích quản lý và nghiên cứu. Tuy nhiên, với những số liệu hiện chưa tồn tại như tỷ lệ than phi năng lượng, tỷ lệ hữu cơ của bãi chôn lấp rác, v.v… thì cần được bổ sung.
- Chuyển đổi phù hợp các nhiên liệu đốt hóa thạch (dầu, than) sang nhiên liệu sinh khối ở các doanh nghiệp có nhu cầu hơi là một trong những hoạt động cắt giảm phát thải KNK rất phổ biến và đã được chứng minh là có hiệu quả. Loại hình dịch vụ cung cấp hơi (sử dụng sinh khối làm nhiên liệu) đã phát triển mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là với nguồn sinh khối ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Do vậy, cần có những chính sách để đẩy mạnh hơn nữa loại hình này, với lợi thế của Việt Nam là nước nông nghiệp có nguồn sinh khối dồi dào.
- Công tác TKNL hiện nay được thực hiện rụt rè, kiểm toán năng lượng (KTNL) chỉ mang tính hình thức và không thực sự vì nhu cầu của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thực hiện KTNL như một hình thức đối phó với Luật. Mặt khác, chất lượng báo cáo KTNL không thực sự cao và doanh nghiệp không thực sự có thể sử dụng báo cáo đó để thực hiện công tác TKNL. Như vậy, để triển khai TKNL được hiệu quả, báo cáo KTNL cần phải được nâng cao chất lượng bằng cách đào tạo kiểm toán viên năng lượng cho chính doanh nghiệp để tự xây dựng báo cáo KTNL, hoặc thẩm định các báo cáo KTNL khắt khe hơn.
- Giới chủ doanh nghiệp hiện tại chưa hiểu biết đầy đủ về lợi ích của TKNL cũng như KTNL. Với tỷ lệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở Việt Nam rất cao (trên 95%), quy mô nhỏ và có nhiều vị trí kiêm nhiệm, các chủ doanh nghiệp SME thường không có kiến thức liên quan đến TKNL, dẫn đến hiện tượng rụt rè, không ưu tiên đầu tư TKNL. Để tháo gỡ vấn đề này, cần tăng cường truyền thông, đào tạo nâng cao kiến thức và nhận thức về vấn đề TKNL, và thông qua giới chủ để thúc đẩy hoạt động TKNL ở các doanh nghiệp.
- Vấn đề nguồn tài chính cho doanh nghiệp đầu tư TKNL là một vấn đề khó ở Đà Nẵng cũng như cả nước. Hiện rất nhiều Quỹ, tổ chức quốc tế đều có những chương trình thúc đẩy TKNL ở Việt Nam. Có thể kể ra như DANIDA, WB, GIZ, IFC, v.v… Các Quỹ này đều thông qua các ngân hàng thương mại để cung cấp nguồn tài chính cho các doanh nghiệp ở dạng khoản vay. Tuy nhiên, điểm mắc ở đây chính là do các ngân hàng thương mại không đủ năng lực để xem xét thẩm định các đề xuất vay vốn đầu tư cho TKNL. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi có một bên thứ 3 đứng ra thẩm định và bảo lãnh cho doanh nghiệp để nhận được vốn vay từ các ngân hàng. Hiện tại ở Việt Nam, hình thức công ty dịch vụ năng lượng ESCO (Energy Service Company - hỗ trợ doanh nghiệp kết nối nguồn vốn đầu tư công nghệ về tiết kiệm năng lượng, hoàn vốn từng phần bằng chi phí tiết kiệm qua việc sử dụng năng lượng hiệu quả hàng tháng) đóng vai trò như vậy, đã được phát triển tại một vài địa phương trên cả nước. Cần có những hình thức hỗ trợ thúc đẩy phát triển hình thức ESCO, qua đó thúc đẩy triển khai TKNL ở các doanh nghiệp.
Kết luận
Điểm thành công của dự án là liên kết được các doanh nghiệp với các cơ quan QLNN trong mục tiêu chung là cắt giảm phát thải KNK. Các chính sách mà dự án xây dựng trên cơ sở nguyện vọng của doanh nghiệp, đều được chính quyền địa phương lựa chọn ủng hộ và phê duyệt. Những điểm vướng mắc khó khăn còn tồn tại đã được đúc rút thành các bài học, cũng như đề xuất những chính sách mới để tháo gỡ. Dự án đã xây dựng được 02 mô hình thử nghiệm phát triển theo định hướng carbon thấp, tuyên truyền phổ biến nhằm nhân rộng mô hình dự án đến các địa phương khác. Những bài học rút ra từ dự án sẽ hỗ trợ cho quá trình thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh ở Việt Nam.