Phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tỉnh Bình Thuận, 05 năm nhìn lại

Xác định phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương và là động lực chính thúc đẩy các ngành kinh tế k
Sau 05 năm thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh (khóa VIII), vai trò của ngành công nghiệp ngày càng được khẳng định, tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định năm 1994) giai đoạn 2006 - 2010 đạt 19.853 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với giai đoạn 2001 – 2005, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đạt 573 triệu USD, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; Thu nộp ngân sách từ hoạt động sản xuất công nghiệp đạt 2.847 tỷ đồng, chiếm 30,71% tổng thu ngân sách địa phương.

Tạo điều kiện để đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
Hàng loạt chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được ban hành như: Chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ - thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh; Chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp tập trung; Chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ lò gạch thủ công sang công nghệ tuynel, hoffman. Trong 5 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ cho 52 dự án công nghiệp lớn trên địa bàn với số tiền trên 257 tỷ đồng, trong đó có: 32 dự án từ nguồn vốn ngân sách tập trung (151 tỷ đồng), 15 dự án từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu (93,5 tỷ đồng) và 5 dự án từ nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển (13 tỷ đồng). Thông qua chính sách hỗ trợ, một số doanh nghiệp đã đầu tư các trang thiết bị và dây chuyền công nghệ tương đối hiện đại như: dây chuyền chế biến gỗ của Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Khải Hoàn, máy sấy tầng sôi của Công ty Cổ phần Muối Vĩnh Hảo, dây chuyền cấp đông hải sản, kho lạnh 3.000 tấn của Công ty TNHH Hải Nam; Tự động hóa trong dây chuyền chế biến hải sản xuất khẩu của Công ty Thaimex; Hệ thống bể nuôi trồng và máy sấy phun tảo của Công ty Cổ phần Tảo Vĩnh Hảo. Thực hiện chủ trương chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công, đến nay đã có trên 50% số cơ sở chuyển đổi công nghệ sang sản xuất bằng lò tuynel, lò hoffman hoặc lò VSBK và các cơ sở còn lại đang lập thủ tục để chuyển đổi.

Chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng
Tỉnh đã hoàn chỉnh xây dựng Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 1 thu hút được 24 doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh với các ngành nghề như may mặc, đồ gỗ xuất khẩu, chế biến nông sản, phân bón, giấy dính cao cấp, dịch vụ kho lạnh, sản xuất thép, tole mạ kẽm, mạ màu... giá trị sản xuất công nghiệp trong Khu công nghiệp luôn tăng, năm 2010 đạt 1.200 tỷ đồng, giải quyết việc làm trên 3.200 lao động. Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2 và Khu công nghiệp Hàm Kiệm đang thi công xây dựng hạ tầng nhưng cũng đã có 10 dự án đăng ký đầu tư với số vốn gần 1000 tỷ đồng. Các cụm công nghiệp đã được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả như: Cụm Mê Pu, cụm Vũ Hòa (huyện Đức Linh), cụm Nam Cảng cá Phan Thiết, Khu Chế biến hải sản Phú Hài (thành phố Phan Thiết), cụm Làng nghề gạch ngói Gia An (huyện Tánh Linh). Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh cũng được chú ý đầu tư nâng cấp, kiên cố hoá với tải trọng lớn hơn, kết nối tốt hơn với hệ thống quốc lộ và các vùng trong tỉnh; Ngoài tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn cấp III, các tuyến như Quốc lộ 28, Quốc lộ 55 nhiều đoạn đạt cấp III – IV. Bên cạnh đó Khu công nghiệp Tuy Phong, Khu công nghiệp Sơn Mỹ I, II, Khu công nghiệp Tân Đức, Cảng nước sâu Kê Gà, cảng Sơn Mỹ đang được chuẩn bị thủ tục để triển khai đầu tư xây dựng.

Bảo đảm sản xuất và cung ứng điện
Toàn tỉnh hiện có 4 nhà máy thủy điện đã được đầu tư và đang vận hành với tổng công suất 808 MW (gồm: Hàm Thuận 300 MW, Đa Mi 175 MW, Đại Ninh 300 MW, Bắc Bình 33 MW). Đã có 14 dự án điện gió được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho khảo sát, nghiên cứu và cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng công suất đăng ký 1.750 MW, tập trung tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam và Phan Thiết, trong đó có dự án đã đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 với 20 cột turbine, công suất 30MW phát điện hòa lưới quốc gia. Hệ thống đường dây trung thế của tỉnh được mở rộng thêm 2.947 km, tăng 1,85 lần và công suất các trạm biến áp đạt 298.000 kVA, tăng 22% so năm 2005. Đến nay 100% số xã, phường, thị trấn trên đất liền (124 xã) được sử dụng điện lưới quốc gia, riêng 3 xã thuộc huyện đảo Phú Quý được sử dụng điện diezen với thời gian 16 giờ/ngày.đêm.

Từ năm 2006 đến nay tỉnh đã cấp thêm 700 Giấy đăng ký kinh doanh cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, trong đó có 100 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2.809 tỷ đồng.

Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, làng nghề làm cơ sở định hướng đầu tư
Tỉnh đã hoàn chỉnh Đề án quy hoạch các khu công nghiệp và đã được Chính phủ phê duyệt với 8 khu công nghiệp được đưa vào danh mục ưu tiên phát triển với tổng diện tích 4.285 ha, tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp và làng nghề nông thôn đến năm 2015 với 40 cụm công nghiệp, tổng diện tích là 1.626 ha; Hoàn thành việc lập quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006 - 2010 có xét đến năm 2015.

Quan tâm bồi dưỡng, đào tạo nhân lực
Trong 05 năm qua các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã tổ chức đào tạo và bồi dưỡng nghề cho 43.589 người. Riêng công tác khuyến công đã đào tạo nghề cho 4.234 lượt lao động (trong đó có 687 là người dân tộc thiểu số) tập trung vào các ngành nghề như dệt vải thổ cẩm, gốm gọ, sản phẩm mỹ nghệ từ vỏ sò ốc, điêu khắc, tranh thêu tay, sản xuất đũa sóng lá buông, đan lục bình, bẹ chuối, đan lá buông, chế biến nhân hạt điều. Đến nay, toàn ngành công nghiệp hiện có khoảng 50.000 lao động, tăng 1,6 lần so với năm 2005.

Năm năm nhìn lại, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tỉnh Bình Thuận đã có bước phát triển tích cực. Các ngành, các cấp trong tỉnh đã nhận thức rõ hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các chính sách khuyến khích đầu tư, khuyến công, cải tiến đổi mới công nghệ thiết bị được ban hành đã phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các cơ sở sản xuất. Số dự án sản xuất công nghiệp được thu hút nhiều hơn, tỷ trọng công nghiệp trong tổng sản phẩm nội tỉnh ngày càng tăng, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu tăng hơn so với trước, cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch đúng hướng, công nghiệp sản xuất điện năng, khai khoáng chuyển biến khá rõ; các sản phẩm chủ lực như chế biến nông lâm thuỷ sản từng bước đi vào chiều sâu. Lao động được đào tạo nhiều hơn.

Vẫn còn những khó khăn
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là chủ trương đúng, song trong quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ một số khuyết điểm, hạn chế, đó là: Tác động của công nghiệp đối với nông nghiệp và các ngành kinh tế khác chưa mạnh, công nghiệp chưa thực sự là ngành chủ lực thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Đa số các cơ sở công nghiệp đều có quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp. Phần lớn các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nông thôn đều gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ, hầu như các chủ cơ sở mới chỉ phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng tự phát. Một số làng nghề truyền thống tuy có triển khai nhưng hoạt động chưa hiệu quả; Nguồn điện, nước chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đào tạo nguồn nhân lực và thu hút lao động có trình độ quản lý, tay nghề cao còn nhiều khó khăn.

Nguyên nhân cơ bản của các hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do: Vị trí địa lý của tỉnh nằm cạnh các trung tâm kinh tế lớn nên chịu sức ép cạnh tranh nhiều mặt nhất là chưa thu hút được các nhà đầu tư công nghiệp có năng lực mạnh. Hệ thống hạ tầng còn thiếu và yếu, đặc biệt là hạ tầng giao thông – vận tải còn nhiều khó khăn; Việc triển khai các thủ tục cho thuê, giao đất, đền bù giải toả, giải phóng mặt bằng, tái định cư còn vướng mắc, kéo dài. Bên cạnh đó, tuy nhận thức được vị trí, vai trò của công nghiệp đối với phát triển kinh tế nhưng trong chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành quyết tâm chưa cao, các giải pháp triển khai thực hiện chưa đồng bộ, vốn ngân sách bố trí cho công nghiệp còn hạn chế.

Ưu tiên phát triển những ngành công nghiệp có lợi thế
Định hướng phát triển ngành công nghiệp của tỉnh đến năm 2020 là khuyến khích, khai thác tốt những sản phẩm lợi thế của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời tạo mọi điều kiện cho các sản phẩm khác cùng phát triển. Thu hút những nhà đầu tư thật sự có năng lực, dự án có công nghệ cao, bảo đảm môi trường; ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và chế biến sa khoáng, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu.

Với mục tiêu từ nay đến năm 2015, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 18-19%/năm; tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 44 - 45% so với tổng sản phẩm nội tỉnh, trong đó tỷ trọng công nghiệp chiếm 29-29,5%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2015 đạt 370 triệu USD, riêng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chiếm 90% và đến năm 2020 Bình Thuận trở thành một tỉnh công nghiệp.

Tập trung thực hiện 8 nhóm giải pháp
Triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; Tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh, tổ chức thực hiện tốt các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; Huy động nhiều nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, hàng năm, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương từ 5 - 10% trên tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản để đền bù giải tỏa và đầu tư các công trình hạ tầng ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp; Đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, lựa chọn những chủ đầu tư thật sự có năng lực, có công nghệ mới, thân thiện với môi trường đầu tư vào các Khu, cụm công nghiệp; Đánh giá lại tình hình khai thác, chế biến khoáng sản để quản lý, sử dụng hiệu quả hơn; Tiếp tục di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp đang nằm xen kẽ trong các khu dân cư vào các khu, cụm công nghiệp tập trung; Khôi phục làng nghề, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; Chú trọng đào tạo nghề và có cơ chế để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước của lực lượng chuyên ngành về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở địa phương.

Trong đó, giải pháp về đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường là những giải pháp đột phá để công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới.