Nhà máy NL mặt trời lớn nhất VN
First Solar là nhà máy sản xuất pin NL mặt trời lớn nhất tại VN tính đến thời điểm này. Nhà máy gồm 4 dây chuyền, sản xuất các mô-đun NL mặt trời phim mỏng, sử dụng công nghệ tiên tiến của First Solar với tổng công suất trên 250 MW và quy mô sản xuất của nhà máy còn có thể được mở rộng trong tương lai. Nhà máy có tổng vốn đầu tư ban đầu 300 triệu USD và sẽ được nâng lên 1 - 1,2 tỉ USD. Tập đoàn First Solar dự kiến nhà máy sẽ được đưa vào sản xuất thương mại trong 6 tháng cuối năm 2012 và sẽ thu hút khoảng 600 lao động. Trong thời gian xây dựng, nhà máy sẽ cần khoảng 2.000 người tham gia làm việc trên công trường.
Cùng thời điểm xây dựng nhà máy tại VN, First Solar đồng thời xây dựng thêm 3 nhà máy khác tại Malaysia, Đức và Mỹ, với kế hoạch nâng gần gấp đôi công suất từ 1,5 GW năm 2010 lên 2,9 GW vào năm 2012. “Nhà máy của chúng tôi tại Khu công nghiệp Đông Nam sẽ đóng vai trò chủ đạo trong kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng điện vào năm 2012 của First Solar và giảm hơn nữa chi phí điện NL mặt trời”, ông Bruce Sohn, Chủ tịch Tập đoàn First Solar cho biết.
Nhà máy cũng sẽ bao gồm một nhà máy tái chế, một tính năng chính trong cam kết của First Solar để quản lý vòng đời tái sinh và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Quá trình này hiện đang thu hồi lên đến 90% các vật liệu bán dẫn và thủy tinh của một mô-đun, để sử dụng cho các tấm thu năng lượng mặt trời và các sản phẩm thủy tinh mới. Tất cả các nhà máy của First Solar trên toàn thế giới đều được chứng nhận theo hệ thống ISO14001 về các chuẩn mực môi trường, ISO 9001 về chất lượng và OHSAS 18001 về an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp.
Tín hiệu tốt từ thị trường trong nước
First Solar cho biết, trong 10 năm qua, giá các tấm thu NL mặt trời đã giảm 50%, dự báo giá còn giảm xuống nữa trong những năm tới, sẽ phù hợp với túi tiền và khả năng chi trả của nhiều người. Hiện thị trường tiêu thụ NL mặt trời lớn nhất là Đức và các nước châu Âu khác, kế đến là Bắc Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc,...
Red Sun thuộc Công ty CP năng lượng Mặt Trời Đỏ là nhà máy sản xuất tấm thu điện NL mặt trời (solar panels) đầu tiên của VN. Công suất của nhà máy là 5 MWp/năm (giai đoạn 1) và sẽ nâng lên 25 MWp/năm (giai đoạn 2). Công ty Red Sun còn dự kiến đầu tư xây dựng thêm nhà máy sản xuất các tế bào quang điện (solar cells) từ nguồn nguyên liệu là các thỏi silic. Sản phẩm chính của nhà máy là các tấm thu điện NL mặt trời (solar panels) theo tiêu chuẩn châu Âu (IEC), có tuổi thọ trung bình khoảng 25 năm. Nguồn nguyên liệu chính là các tế bào quang điện (solar cells) được công ty nhập khẩu trực tiếp từ Đức (Công ty SCHOTT và SolarWorld). Đây là dòng sản phẩm công nghệ cao về NL mặt trời đầu tiên của VN, và cũng là kết quả của sự hợp tác, nghiên cứu thành công giữa TP.HCM và vùng Rhône - Alpes (Pháp), là công trình tiên phong trong công nghệ cao về NL tái tạo tại VN.
Ông Diệp Bảo Cánh, Giám đốc Red Sun phấn khởi cho biết, thị trường NL mặt trời trong nước năm 2010 đã có bước phát triển rất tốt, nhờ được sự quan tâm và đầu tư của nhiều cơ quan, doanh nghiệp và cả ở những hộ gia đình. Theo Phòng Kinh doanh Công ty Red Sun, rất nhiều hộ gia đình, nhất là ở miền Bắc đã đầu tư lắp đặt điện mặt trời. Đa phần những hộ dân ở vùng nông thôn lắp đặt các bộ có công suất từ 500W trở lại, còn những hộ khá giả ở thành thị thì lắp các bộ từ 1 - 3 kW. Các doanh nghiệp để duy trì hoạt động khi cúp điện trong thời gian dài, thường đầu tư hệ thống điện mặt trời có công suất từ 5 - 10 kW.
Giá bán hiện nay của Red Sun từ 6 -8 USD/W tùy hệ thống.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân vùng nông thôn thường hay bị cúp điện, Red Sun vừa đưa ra thị trường loại đèn LED sử dụng NL mặt trời, với giá bán 2,7 triệu đồng. Bộ đèn này rất gọn, nặng khoảng 3,5 kg, gồm một tấm pin thu NL mặt trời, một bình ắc-quy và 2 bóng đèn LED loại 2W, có thể thắp sáng liên tục trong 20-24 tiếng khi nạp đầy điện. Ngoài ra, với những gia đình khá giả ở vùng nông thôn, Red Sun có các hệ thống trọn gói giá từ 35 - 40 triệu đồng/bộ (công suất 270W) và 70 triệu đồng/bộ (540W).
Ngày càng phổ biến
Tại TP.HCM, điện mặt trời giờ đã không còn xa lạ với nhiều người dân. Chiếc cầu đi bộ Ánh Sao dài 154m, rộng 8,3m bắc qua hồ Bán Nguyệt ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Q.7 được thiết kế hệ thống chiếu sáng sử dụng NL mặt trời. Để thắp sáng những đèn LED, Công ty Phú Mỹ Hưng đã lắp đặt một hệ thống những tấm pin thu NL mặt trời cặp theo bên hông cầu phía hạ lưu và hệ thống bình
ắc-quy trữ điện. Còn tại Khu công nghệ cao TP.HCM, 28 trụ đèn chiếu sáng sử dụng NL gió và mặt trời do Công ty CP Tập đoàn quốc tế Kim Đỉnh và Công ty chiếu sáng công cộng TP.HCM lắp đặt. Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng sử dụng NL mặt trời để chạy máy bơm và hệ thống điều khiển của nhà máy xử lý nước thải tại bệnh viện này. Công ty CP khoa học công nghệ PETECH trên đường Thành Thái (Q.10, TP.HCM) chọn điện mặt trời để chạy hệ thống server để duy trì hoạt động của website và e-mail của công ty. Ông Phan Trí Dũng - Giám đốc Công ty PETECH cho biết, hệ thống điện mặt trời của công ty có công suất 1 kW, vốn đầu tư là 5.000 USD, khỏi lo bị cúp điện. Khi bị cúp điện, có thể sử dụng thêm 6 bóng đèn tuýp (mỗi bóng 40W) từ hệ thống điện mặt trời.