Để cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước đồng thời thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, hướng tới tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất; định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.
Việt Nam ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới (hydrogen, ammonia xanh,...) trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Định hướng phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ...) để sản xuất năng lượng mới (hydrogen, ammonia xanh...) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050; hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030, với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.
Tại Hội thảo, ông Mathieu Geze - Giám đốc HDF Energy khu vực châu Á đã giới thiệu về giải pháp công nghệ Renewtable®, HyPower® và kinh nghiệm triển khai các dự án tại Indonesia, Philippines, Nam Phi...
Hội thảo cũng thảo luận về các vấn đề như “Quy hoạch điện VIII tại Việt Nam và vấn đề chuyển đổi nhiên liệu trong lĩnh vực điện”, “Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch tại các nền kinh tế mới nổi”, “Chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi nhằm sản xuất điện và hydrogen xanh của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam)”, “Nghiên cứu tiềm năng sản xuất hydrogen xanh từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam” và “Nghiên cứu sơ bộ thị trường điện hydrogen tại Việt Nam cho giải pháp HDF Renewtable®”.
Thông tin tại Hội thảo cho thấy, mục tiêu của chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam là đảm bảo an ninh năng lượng, chuyển dịch năng lượng công bằng, chi phí hợp lý và thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện giai đoạn từ sau năm 2035 là nhiệm vụ quan trọng, vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn do sự sẵn có của nguồn nhiên liệu thay thế, công nghệ thay đổi liên tục, quy mô phát triển, chi phí nhiên liệu, phân định vốn/huy động vốn…
Do đó, việc tăng cường hợp tác với các tổ chức trong khu vực và quốc tế trong quá trình chuyển đổi nhiên liệu cho ngành điện là rất quan trọng, góp phần giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Pháp và Liên minh châu Âu tiếp tục huy động sự tham gia mạnh mẽ để giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách hỗ trợ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam. Sự đóng góp của Pháp, trong khuôn khổ của sự hợp tác song phương lâu dài, sẽ cho phép hỗ trợ lập kế hoạch năng lượng, tăng cường năng lực và mạng lưới điện, song song với việc phát triển năng lượng tái tạo.
Theo TS. Trần Khánh Việt Dũng - Giám đốc Hydrogen de France tại Việt Nam, với tiềm năng năng lượng tái tạo đặc biệt là điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, với công nghệ, hỗ trợ tài chính thông qua JETP của Cộng hoà Pháp, EU và sự định hướng đúng đắn của Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương, Việt Nam có thể trở thành quốc gia hàng đầu về sản xuất, sử dụng hydrogen xanh cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việt Nam sẽ là nơi sản xuất, trung chuyển hydrogen xanh trong khu vực và trên thế giới trong tương lai gần.
Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết đang triển khai chương trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hiệu quả hydrogen với mục tiêu xác định tiềm năng và công nghệ phù hợp để sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hiệu quả hydrogen tại Việt Nam.
Theo TS. Trần Vĩnh Lộc - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chế biến Dầu khí, VPI đang tập trung đánh giá mức độ khả thi (về nguyên liệu, công nghệ, kỹ thuật, kinh tế - xã hội, môi trường) của các dự án tiềm năng và tích hợp các nguồn hydrogen sạch vào chuỗi giá trị hoạt động của Petrovietnam, trong đó chú trọng ứng dụng và tích hợp hydrogen trong lĩnh vực lọc hóa dầu, điện, giao thông vận tải… Hydrogen đóng vai trò quan trọng trong cân bằng cung cầu điện của Việt Nam, ước tính có 40 triệu tấn hydrogen sử dụng trong lĩnh vực điện vào năm 2050.
Kết luận Hội thảo, ông Nicolas Warnery - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh, Pháp sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong phát triển lĩnh vực năng lượng nói chung và hydrogen nói riêng.
Để hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng, các đối tác quốc tế (trong đó có Pháp) đã cam kết đầu tư hỗ trợ 15,5 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới. Trong lĩnh vực năng lượng, Pháp đã hỗ trợ 2,4 tỷ Euro cho Việt Nam, chưa kể 395 triệu Euro của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) để hỗ trợ các dự án tại Việt Nam…
Đại sứ Nicolas Warnery nhấn mạnh vai trò, vị trí quan trọng của hydrogen xanh trong chính sách năng lượng của Việt Nam cũng như trong hợp tác của Việt Nam với các đối tác quốc tế, đặc biệt là Pháp. Hydrogen xanh là giải pháp tích trữ năng lượng thiết yếu trong tương lai, đặc biệt là tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, khó xây dựng được mạng lưới điện. Pháp là 1 trong 3 quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hydrogen xanh tính theo số lượng sáng chế, nghiên cứu, phát triển, sản xuất trang thiết bị, doanh nghiệp ở mọi quy mô. Trên cơ sở tiềm năng và nhu cầu năng lượng của Việt Nam, công nghệ và kinh nghiệm của HDF Energy, Đại sứ Pháp tin tưởng đây sẽ là cầu nối trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng.
Nhận định xu hướng phát triển hydrogen trên toàn cầu, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm ban hành các chính sách, cơ chế phù hợp để phát triển chuỗi giá trị hydrogen; đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư để phát triển các dự án sản xuất hydrogen sạch, chú trọng công tác nghiên cứu phát triển, xây dựng và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về hydrogen...
Hydrogene de France SA (HDF Energy), có trụ sở chính tại Pháp, là doanh nghiệp tiên phong phát triển và xây dựng các nhà máy điện có công suất cao từ các nguồn năng lượng tái tạo ổn định (Renewstable®) và nguồn khí hydrogen (Hypower®) tại nhiều quốc gia trên thế giới. HDF Energy đồng thời cũng là nhà sản xuất pin nhiên liệu, sở hữu độc quyền công nghệ chế tạo pin lưu trữ công suất cao (+1MW).
Trước đó, HDF Energy đã ký Thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) hướng đến phát triển các dự án phát điện tận dụng nguồn năng lượng tái tạo theo công nghệ Renewstable® và nguồn khí hydrogen theo công nghệ Hypower® tại Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là cơ sở để hai bên nghiên cứu triển khai các dự án điện năng lượng tái tạo và điện khí hydrogen, đồng thời phát triển mô hình hợp tác này cho các dự án tương tự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.